Để trẻ có kỳ nghỉ hè thú vị

Nghỉ hè là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cần thiết để các em lấy lại sự cân bằng về sức khỏe, tâm lý, chuẩn bị bước vào "chặng đua" trong năm học tới.

Vậy nhưng, nhiều trẻ thành phố đang phải đối mặt với áp lực học thêm ngày càng gia tăng, nhiều trẻ nông thôn thì lăn lộn phụ việc gia đình. Vậy làm thế nào để trẻ có kỳ nghỉ hè thực sự bổ ích?

Học hè chỉ nên mang tính ôn tập


TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, hiện nay học sinh bị “bội thực” vì phải học hè thường bắt nguồn từ sự kỳ vọng thái quá của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, họ muốn "gửi" con đến các lớp học hè để có chỗ trông trẻ.

 

Lịch học kín mít cả các môn văn hoá và các môn năng khiếu sẽ khiến cho các em không có điều kiện tốt để phát triển. Trẻ dễ có tâm lý chán học, sợ đến trường, nhất là đối với những học sinh có học lực trung bình trở xuống. Đã có nhiều trường hợp trẻ bị trầm cảm, suy nhược, rối nhiễu tâm lý.


Cùng với ép học văn hóa, nhiều cha mẹ còn ép con học các môn năng khiếu ở các nhà văn hóa thiếu nhi. Tuy nhiên, học các môn năng khiếu như: Võ, vẽ, nhạc, hát, múa... chỉ có thể phát huy hiệu quả khi bản thân người học có niềm đam mê, sự hứng thú và thực sự có năng khiếu. Sự áp đặt của cha mẹ khi con không hứng thú và không có năng khiếu sẽ gây ức chế cho trẻ. Dù có tham gia học, các em cũng chỉ học hình thức, đối phó để "vui lòng" cha mẹ.

 

Để trẻ có kỳ nghỉ hè thú vị  - 1
Cha mẹ nên tạo cho trẻ có cơ hội để thể hiện khả năng bản thân.

 

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, học hè nếu được tổ chức tốt, bố trí thời gian biểu hợp lý sẽ là dịp để học sinh ôn tập, củng cố những kiến thức đã học trong năm học trước, tạo tâm thế tự tin để bước vào năm học mới. Nhất là đối với những học sinh có học lực yếu, kém, các buổi phụ đạo trong hè sẽ giúp bù đắp lại đáng kể lượng kiến thức bị hổng.

 

Đối với trẻ có năng khiếu về văn - thể - mỹ, việc tham gia các lớp học năng khiếu ở nhà văn hoá cũng giúp các em phát triển tố chất của mình. Tuy nhiên, nên cho trẻ ôn tập sau một thời gian nghỉ hè 1 - 2 tháng. Cần lựa chọn môn phù hợp, cân bằng hợp lý giữa khoảng thời gian học hè và thời gian dành cho các hoạt động vui chơi. Các lớp ngoại khóa nên lựa chọn từ chính sở thích và năng lực và sức khỏe của trẻ.


TS tâm lý học Lê Tiến Hùng, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học - ĐHSP Hà Nội cho rằng, nghỉ hè quan trọng là cho trẻ "nghỉ”. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian chuẩn bị "hành trang" cho con bước vào năm học tiếp theo nên ngoài thời gian vui chơi cũng nên khuyên trẻ dành một quỹ thời gian cho việc ôn tập. Có thể cho trẻ đi học hè nhưng chỉ nên cho học hai buổi một tuần. Học hè chỉ nên dừng lại ở việc ôn tập lại bài cũ, nắm chắc kiến thức đã học. Các gia đình có thể cho con đi học ngoại ngữ ở các trung tâm, hoặc mời gia sư về nhà bồi dưỡng cho con mình.

 

Rèn luyện sống tự lập

 

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, với trẻ thành phố, cha mẹ nên tranh thủ đưa con đến những điểm di tích lịch sử, ngay tại thành phố để các em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước; Từ đó tăng thêm lòng yêu quê hương cho trẻ.

 

“Để ngày hè thành niềm vui của trẻ, cha mẹ nên tạo cho trẻ có cơ hội để thể hiện khả năng bản thân. Có thể tổ chức các hoạt động khác nhau nhưng chỉ nên hướng dẫn, còn để trẻ tự làm lấy.

 

Hành động này giúp trẻ có khả năng tự lập, có thể tự làm được những công việc đơn giản và lâu dần sẽ tạo ra những thói quen tốt.

 

Ví dụ, với những trẻ học cấp hai trở lên có thể cho trẻ đi chợ mua sắm thực phẩm về nấu ăn, hay giặt giũ quần áo, tiếp khách khi cha mẹ vắng nhà.

 

Còn với bé trai thì có thể giúp bố mẹ quán xuyến công việc gia đình, trông coi em, giúp em học bài...". - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội.

Ngoài ra, cha mẹ nên hướng cho con tham gia vào một số hoạt động xã hội như sinh hoạt đoàn, đội ở khu phố, phường, tham gia các chương trình thiện nguyện... Các hoạt động này sẽ giúp trẻ có tinh thần tập thể. Trẻ từ cuối cấp hai có thể đi làm thêm để tạo tính tự lập ngay từ nhỏ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ về quê thăm ông bà, họ hàng nhằm giáo dục cho trẻ biết cội nguồn, khơi dậy lòng hiếu thảo và biết yêu quê hương.


Với những trẻ nông thôn, ngày hè thường phải theo bố mẹ đi làm. Vì thế thời gian nghỉ hè của trẻ cũng ít hơn. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cha mẹ ở nông thôn cũng cần tạo cho con không gian vui chơi hợp lý, cho trẻ tham gia các môn thể thao theo sở trường của các em như đi thả diều, đá bóng...

 

TS Tâm lý học Lê Tiến Hùng cũng cho rằng, các em nhỏ nông thôn thì phần lớn mùa hè đến không thực sự được là kỳ nghỉ như trẻ ở thành thị. Các em phải giúp đỡ bố mẹ từ việc đi chăn trâu, cắt cỏ, đến kiếm củi, chăm em... Cha mẹ nên cân bằng giữa việc phụ gia đình làm thêm với việc trẻ vui chơi. Chẳng hạn, ngoài thời gian làm việc nên cho trẻ tham gia các buổi sinh hoạt đoàn thể ở địa phương, tham gia vào các hoạt động giải trí lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục, chơi thể thao.


Theo các chuyên gia, trẻ được vui chơi sẽ tạo điều kiện giao lưu về ngôn ngữ, thông tin, kiến thức. Từ đó, trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần, góp phần quan trọng cho sự hình thành nhân cách của trẻ. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ được vui chơi hợp lý sẽ có khả năng giao tiếp tốt và tự tin hơn để có sự phát triển lành mạnh về mặt tâm lý.

 

Theo Hà My

Gia đình & Xã hội