Đề xuất tăng thời gian đào tạo Sư phạm: Một năm có sá chi?

(Dân trí) - Trong dịp làm việc với đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới đây, ĐH Sư phạm TPHCM đề xuất ngành Sư phạm cần được đào tạo 5 năm thay vì 4 năm như hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Tăng thời gian để tăng chất lượng

PGS. TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (SP) TPHCM cho biết nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT kêu ca sinh viên (SV) ngành SP khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của giáo dục phổ thông cũng do thời gian thực tập hiện nay còn ít nên cần tăng thời gian đào tạo. 

Ông Hồng hiểu rằng, thời gian đào tạo 4 năm để ra làm thầy giáo của ta lâu nay coi như là một điều mặc nhiên với nhiều người nên đề xuất này có thể gặp nhiều phản ứng. Tuy nhiên, có nhiều lý do để người đứng đầu trường đào tạo SP lớn trong cả nước đưa ra đề xuất này.

Thứ nhất, SV ngành SP có thời gian thực tập nghề nghiệp quá ngắn, rất cần tăng thời gian thực tập nghề. Giảm giờ học các môn khác để tăng thời gian thực tập là một phương án nhưng phương án này không khả thi trong điều kiện hiện nay.

Đề xuất tăng thời gian đào tạo ngành Sư phạm: Một năm có sá chi?
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, việc tăng thời gian đào tạo sẽ góp phần tăng chất lượng đội ngũ giáo viên

Lý do thứ hai, SV tốt nghiệp từ các ngành nghề, các trường đại học khác hiện đang học một chương trình 35 tín chỉ (khoảng hơn 1 năm học) để hành nghề dạy học. Như vậy 4 năm học đại học, cộng thêm 1 năm học nghề SP, tổng cộng cũng là 5 năm. Tính ra thời gian thực tập nghề ở các cơ sở giáo dục vẫn là chưa đủ.

Sau cùng, theo ông Hồng, kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy việc đào tạo giáo viên (GV) từ nguồn tốt nghiệp đại học, sau đó sẽ phải học thêm từ 1 đến 2 năm ở các trung tâm đào tạo GV mới được hành nghề dạy học. Theo như tìm hiểu của trường thì thời gian học trong các trung tâm đào tạo GV ở Đức và Pháp là 2 năm, ở Úc là một năm rưỡi.

Học 5 năm: Lương thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Quốc hội khóa 13 cho hay bà rất băn khoăn trước đề xuất tăng thời gian đào tạo ngành SP. Như Trường ĐH Bách khoa, đào tạo ngành kỹ sư 5 năm đã gặp phản ứng vì thời gian học quá lâu, gây ra thiệt thòi cho SV khi ra trường. Chính vì thế Trường Bách khoa cũng đã thí điểm việc đào tạo kỹ sư 4 năm.

“Việc tăng thời gian đào tạo SP cần phải xem xét kỹ lưỡng những phản ánh từ thực tế. SV học 5 năm ra, mức lương, chế độ dành cho họ như thế nào, có hơn việc học 4 năm hay không cũng là vấn đề đáng phải bàn vì lương GV bây giờ đã rất thấp, không thu hút được người học”, bà Hải cho hay.

Đề xuất tăng thời gian đào tạo ngành Sư phạm: Một năm có sá chi?
Một số ý kiến cho rằng thời gian thực tập hiện nay của sinh viên Sư phạm quá ít, chưa đủ hành trang cho việc đứng lớp chính thức

Việc thực tập của SV ngành SP khoảng 3 - 4 tháng, thực tế là chưa thể nào đáp ứng dụng việc kiến thức đã học vào thực tế cũng như để SV trau dồi những kinh nghiệm đứng lớp, xử lý tình huống, kỹ năng SP…. để chuẩn bị cho công việc giảng dạy chính thức.

Thừa nhận điều này nhưng học viên cao học Nguyễn Đăng Khoa, tốt nghiệp ĐH SP TPHCM khoa Sử khoá 33 cho hay, việc tăng thêm một năm là tăng thêm cái gì, dạy cái gì…Tăng thêm 1 năm thực tập đòi hỏi sự hướng dẫn tốt từ phía trường SP, còn trường không theo sát thì rất lãng phí.

“Hơn nữa cũng cần giải được bài toán, nếu SV học thêm 1 năm thì khi ra trường phải cho họ một mức lương tương xứng đủ sống. SV đi học - nhất là SV ngành SP mang tiếng "con nhà nghèo" - ai cũng mong học ra trường để phụ giúp gia đình nhưng hiện nay lương GV không đủ sống. Lương bèo bọt mà tăng thời gian học có đáng không?”, học viên này đặt câu hỏi.

Trước lo lắng của nhiều người, việc tăng thời gian đào tạo sẽ mất thêm thời gian, mất cơ hội việc làm và mức lương ra trường sẽ thế nào, TS Kim Hồng cho hay, với 28 - 33 năm làm việc, thêm một năm để học tập không ảnh hưởng gì nếu điều đó thật sự cần thiết.

Còn việc thực hiện thế nào cần phải cân nhắc và đi cùng nhiều giải pháp khác, đặc biệt là thiết kế lại chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, cần phải có những chính sách đồng nhất, trong đó có cả chính sách dành cho SV ngành SP trong thời gian thực tập vì hiện nay ở nhiều nước, SV ngành SP đi thực tập được trả lương.

TS Kim Hồng nhấn mạnh: “Chúng ta mong muốn có thầy cô giáo giỏi, muốn có thầy giáo giỏi thì phải có người giỏi thi vào trường SP. Trường SP phải có được các thầy cô giỏi và quá trình đào tạo ấy phải tạo ra sản phẩm tốt. Cần một chính sách đồng bộ, trong đó chính sách về lương cho nhà giáo là một trong những điều kiện có tính quyết định”.

Hiện nay, ngành SP đang mất dần sức hút với học sinh giỏi, điểm vào các trường SP thấp hơn trước và thấp hơn nhiều ngành nghề khác. Chất lượng GV phổ thông hiện đang bị phàn nàn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả dạy học và dẫn đến nhiều hệ luỵ khác như HS phải đi học thêm bên ngoài để được học thầy giỏi, GV thiếu kỹ năng… Việc tăng thời gian đào tạo cũng góp phần củng cố đầu ra cho đội ngũ đứng lớp, đề xuất của Trường ĐH Sư phạm TPHCM không phải không có lý.

Tuy nhiên, việc tăng thời gian đào tạo sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề cần giải quyết như chi phí đào tào, đội ngũ giảng viên ở trường SP, tăng ương cho GV, thiết kế lại chương trình học… Nhưng một khi đã giải quyết được những vấn đề nói trên sẽ tác động tích cực đến việc tăng chất lượng SV ngành SP thì liệu có cần “cơi nới” thời gian học?

Hoài Nam