Đến "lò" luyện thi ĐH để... quậy

Thay vì tìm kiếm cơ hội bổ sung kiến thức phổ thông để hiện thực hóa ước mơ đại học, nhiều học sinh đến các trung tâm, "lò" luyện thi đại học với mục đích "giải khuây", hẹn hò yêu đương, thậm chí có trường hợp đánh ghen giữa giờ học.

Ngay cả đội ngũ giáo viên lâu năm cũng không khỏi "sốc" trước thực trạng một bộ phận học sinh hiện nay hổng vừa kiến thức, vừa kém về nhận thức.

 

Vào "lò" tìm… vui

 

Thầy Nguyễn Quang Ninh, đang giảng dạy tại Trung tâm luyện thi ĐH của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, mặc dù đã giảm nhiều về số lượng nhưng do nhu cầu nên vẫn còn đông học sinh tới ôn thi ĐH tại các trung tâm. Theo thầy Ninh, có thể ví lớp luyện thi ĐH như một xã hội thu nhỏ mà ở đó có đầy đủ các thành phần với động cơ khác nhau khi tìm đến lớp học. Có thể chia các em thành 3 đối tượng: Thứ nhất là học "gạo", những học sinh có chí hướng, coi việc học tập là nghiêm túc. Thứ hai là những học sinh đi ôn cho... vui, do bạn bè rủ. Thứ ba là những gia đình có điều kiện kinh tế, ép con theo đuổi giấc mơ ĐH của gia đình.

 

Dạo qua một vài địa điểm tập trung nhiều "lò" luyện thi ĐH ở Hà Nội như khu vực cổng trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) hay trục đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy)... điều dễ nhận ra đó là thành phần đi ôn thi cũng khá phong phú, từ áo quần đồng phục trường học cho đến những anh chàng, cô nàng "hip hop" áo quần lòe loẹt, đầu tóc đủ thứ màu. Thầy Trần Thanh Xuân với hơn 30 năm luyện thi ĐH và đang dạy tại nhiều trung tâm ở Hà Nội cho biết, học sinh luyện thi cũng rất đa dạng, từ lớp 10 cho đến "lớp 13", đa phần các em ở Hà Nội và các tỉnh phụ cận, nhưng cũng có nhiều em từ các tỉnh xa như: Gia Lai, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế... Tuy nhiên, đáng lo ngại là những trường hợp mải chơi, thiếu nghiêm túc trong lớp học lại là những em ở tỉnh xa. "Đeo mác" đi ôn thi ĐH, các học sinh này đa phần được "bơm" một cục tiền, với tư tưởng ra Hà Nội để "du lịch" nên thường xuyên bỏ học đi chơi, sa đà vào chuyện ăn chơi.

 

Đến "lò" luyện thi ĐH để... quậy  - 1
Các thí sinh đăng ký học tại một Trung tâm luyện thi đại học nằm gần Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

 

Theo thầy Xuân, với tư tưởng học như vậy nên trong giờ học có em ngủ gật, mất trật tự, gấp máy bay, ném thư, trêu đùa nhau... cũng là điều thường thấy, bất kể ở trong những trung tâm luyện thi nào. Chưa hết, những học sinh "lắm chiêu" này mỗi khi gặp giáo viên trẻ, non kinh nghiệm là tìm mọi cách "bắt nạt" ngay. Theo một số thầy cô, nữ sinh hiện nay có cá tính, bạo dạn hơn, đùa giỡn và trêu trọc các bạn nam ở nông thôn lên.

 

Theo các thầy cô, đáng buồn là nhiều trường hợp học sinh biến nơi ôn thi thành điểm hẹn yêu đương, từng đôi một kè kè song hành cầm tay nhau đi vào lớp học. Nhiều người đến lớp học là sinh viên các trường ĐH, CĐ mua vé vào học cùng người yêu. Những đôi này đa phần quên rằng mình đang ở lớp học mà cứ ngỡ như ngoài công viên. Họ thường chọn vị trí ở góc lớp, cầm tay chòng ghẹo nhau, thậm chí có đôi hôn nhau ngay giữa lớp học. Thầy Xuân cho biết, cách đây không lâu thầy vừa chứng kiến màn đánh ghen ở lớp Toán bên cạnh. Thầy kể: "Hôm đó đang dạy học cả lớp bỗng nghe tiếng chửi rủa, đánh đấm ở lớp liền kề. Hóa ra là màn "đánh ghen" tơi tả ngay trong giờ học của 2 học sinh nam. Nguyên nhân xuất phát từ việc học sinh nam nọ có người yêu bị người khác tán tỉnh, chọc ghẹo. Cả mấy học sinh đó lập tức bị bảo vệ can thiệp và đuổi khỏi lớp học".

 

Báo động tình trạng hổng kiến thức

 

Thầy Nguyễn Quang Ninh cho biết, ở lớp ôn thi, học sinh chăm chỉ thường là những em có hoàn cảnh khó khăn, biết "xót thương" cho đồng tiền mà bố mẹ dành dụm cho con ăn học. Những em này thường học rất chăm chỉ, có học lực khá và luôn đến sớm để chọn chỗ ngồi trên đầu theo dõi bài học và cũng để lánh số học sinh quậy phá ở phía cuối lớp. Những em tỏ ra nghiêm túc thường là "lớp 13", tức đã từng thi trượt và thấm thía được nỗi đau khi thi trượt xuất phát từ lười học, chủ quan.

 

Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, số học sinh nghiêm túc cũng chỉ chiếm khoảng 1/3 lớp học và ở các lớp luyện thi khối C (đông học sinh nữ) thường ít nghịch ngợm, quậy phá hơn các lớp khối A, D. Điều đặc biệt, tư tưởng chủ quan xuất hiện ở một bộ phận học sinh, chỉ cần học vừa phải thôi, vì đã có bố mẹ "trợ giúp". Trên lớp, những học sinh này không hề ghi chép bài vở, khi các thầy ra bài tập thì không làm, thậm chí cuối buổi học mới mượn vở của bạn để photo. Những trường hợp học hành theo kiểu đó, các thầy cô cho rằng có ôn thi bao lâu cũng không bao giờ đỗ trường nào cả.

 

Thông thường, học sinh tới các trung tâm luyện thi khi đã hổng kiến thức quá lớn. Phụ huynh và học sinh mắc sai lầm khi cho rằng việc ôn "cấp tốc" cũng có thể "vá" được những lỗ hổng ấy. "Nếu không có "lý tưởng" học tập cho mình, cộng với kiến thức phổ thông không đầy đủ, chắc chắn các em sẽ không thu được gì từ những buổi ôn luyện ấy, chứ đừng nói gì đến thi đỗ ĐH. Các em nên chọn những trung tâm ôn thi có uy tín, chất lượng và đã được khẳng định tên tuổi. Đặc biệt, trong quá trình ôn tập phải thực sự nghiêm túc và có kế hoạch rõ ràng. Có như thế việc học mới đạt kết quả", thầy Xuân đưa ra lời khuyên.

 

"Kỳ thi này em đăng ký dự thi vào Trường ĐH Luật Hà Nội. Năm ngoái thi trượt nên năm nay em sẽ quyết tâm hơn. Sau khi thi trượt đại học, em tự ôn thi ở nhà và đến tháng 2 năm nay mới ra Hà Nội ôn thi. Lúc đầu em học ở các trung tâm luyện thi, nhưng thấy không khí học tập ở lớp học không có, nhiều bạn chòng ghẹo thiếu nghiêm túc nên hiện giờ em và một số bạn học ở địa điểm do giáo viên THPT trực tiếp dạy". (Hoàng Thị Lan Anh, Quảng Bình)

 

"Em chỉ muốn học nghề vì học yếu, nhưng là con cả trong gia đình nên bố mẹ muốn em phải thi đỗ ĐH. Năm ngoái, sau khi thi xong tốt nghiệp em xuống Hà Nội để ôn thi "cấp tốc" nhưng không mấy hiệu quả và em đã trượt ĐH. Từ đầu năm nay, em thuê trọ ở Hà Nội để ôn thi tại các trung tâm. Do học lực kém và không thấy hào hứng nên không theo theo kịp các bài dạy. Chán nản nên đến lớp em ngồi ngủ hoặc xin phép về sớm, không dám bỏ vì bố mẹ đã đóng tiền học tháng và thường xuyên gọi điện hỏi quản lý lớp học để kiểm tra. Nếu năm nay thi trượt, em sẽ đi học nghề". (Nguyễn Huy Hoàng, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình)

 

"Năm nay em thi vào ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (Khối D3-tiếng Pháp). Em đã từng nhiều lần được chị đưa ra Hà Nội chơi và tham gia học thử ở các trung tâm luyện thi ĐH, em thấy không có hiệu quả, trong khi đó lớp học lại đông, nhiều bạn mất trật tự. Em định tự ôn thi ở nhà". (Nguyễn Thị Lý, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên)

 

Theo Ngô Quang Huy

Gia đình & xã hội