Đến trường bằng một chân, cậu học trò dị tật nuôi ước mơ ĐH

(Dân trí)- Ngay khi chào đời, cậu học trò nghèo ấy bị dị tật một chân. Không cam chịu số phận, suốt 12 năm học cộng với 2 năm “dùi mài kinh sử” ôn thi ĐH, Trần Mùi (huyện Phú Lộc, TT-Huế) vẫn kiên trì đạp xe bằng một chân tới trường vươn tới giấc mơ vào ĐH.

Tự đứng lên bằng “một chân”
 
Lúc mới chào đời, cậu bé Mùi đã yếu ớt lại bị dị tật một chân, mọi sinh hoạt đi lại của em rất khó khăn. Nhưng ở cậu bé ấy toát lên một điều đáng khâm phục, đó là chí ham học. Thấy bạn bè đồng trang lứa tung tăng đến trường, Mùi nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học. Giấu nỗi đau vào trong lòng, bố mẹ Mùi đến gõ cửa nhà trường xin cho con theo học. Khoảng cách từ nhà đến trường tiểu học chỉ hơn 3km nhưng với Mùi là cả một “khoảng trời xa xôi”. Bởi lẽ, với bàn chân tật nguyền quá yếu, em không thể di chuyển bằng một chân.
 
Đến trường bằng một chân, cậu học trò dị tật nuôi ước mơ ĐH - 1
Lê từng bước chân khó nhọc đến trường nhưng Mùi luôn quyết tâm nuôi ước mơ vào ĐH.
 
“Đã đôi lần, bố mẹ Mùi định tháo khớp lắp chân giả để Mùi dễ đi lại nhưng tôi cương quyết không cho, tôi muốn cháu tôi tự đứng lên và đi bằng chính đôi chân thật của mình” -  bà Phạm Thị Lùng ( bà nội Mùi) giãi bày.
 
Đến trường bằng một chân, cậu học trò dị tật nuôi ước mơ ĐH - 2
Thời gian rảnh, Mùi thường vạch ra những kế hoạch cho mình trong hiện tại và tương lai.
 
Có lẽ quyết định đúng đắn ngày ấy của Bà nội đã giúp Mùi có được nghị lực tự vươn lên như ngày hôm nay.
 
Năm lên cấp 2, bố mẹ Mùi đã ki cóp dành dụm từng đồng một để mua cho cậu một chiếc xe đạp. Mùi kể lại: “Lúc mới tập đi xe, do một chân vừa ngắn lại vừa yếu nên đã không giữ được thăng bằng, cứ thế ngã miết. Nhưng em không nản và tiếp tục tập cho đến khi đi được mới thôi!”
 
Đã đôi lần, Mùi đã có ý định nghỉ học do bố mẹ vất vả làm lụng cũng không nuôi đủ 4 anh em.  Nhưng “nghĩ đi nghĩ lại, em chỉ đi bằng một chân thế này có đi làm công nhân cũng không ai dám thuê đâu” - Mùi nói trong nghẹn ngào.
 

Bạn đọc muốn chia sẻ và động viên em Trần Mùi, xin liên hệ theo địa chỉ: Trần Mùi, tổ 5, KV 1, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế; SĐT: 0167.809.1974 /

SĐT gia đình Trần Mùi: 054.653.2208

Hằng ngày, ngoài giờ đi học, Mùi còn phải chăm em, làm việc nhà phụ giúp bố mẹ. “ Mùi rất hiếu thảo, học giỏi lại ngoan hiền, chỉ tội là nhà nghèo quá nên thiệt thòi, nhiều khi buồn nhưng bố mẹ đi làm cả ngày, Mùi thường qua đây tâm sự với tôi về chuyện học hành, tôi thương nó lắm” - bà Văn Thị Đúng (hàng xóm) cho biết.
 
Hè về, không được vui chơi như bao bạn bè cùng trang lứa. Mùi chịu khó lê từng bước bốc gạch thuê, đầm nền nhà thuê cùng bố mẹ.
 
Nhưng cũng chính cuộc sống thiếu thốn, vất vả đã sớm hun đúc cho Mùi có một ý chí tự lập vươn lên trong cuộc sống. “Dù khó khăn đến đâu em cũng không sợ khổ, chỉ sợ không được đến trường học thôi!”, mắt Mùi ánh lên tia sáng khát khao.
 
Nhiều năm liền Mùi đạt học sinh khá và nhận học bổng “Niềm hi vọng” năm học 2007-2008 của công ty Bia Huế. Mặc dù, đã 2 năm thi ĐH nhưng Mùi vẫn không từ bỏ khát khao vào giảng đường của mình, Mùi đam mê tin học ngay từ khi còn học cấp II, “ Vì chân em đi lại khó khăn nên làm việc với máy tính để khỏi di chuyển nhiều sẽ đỡ đau hơn” - Mùi tâm sự.
 
Để theo đuổi ước mơ của mình, năm 2009 - 2010 Mùi đã lặn lội vào TPHCM thi ngành Công nghệ thông tin tại trường ĐH Công Nghiệp Sài Gòn, nhưng may mắn không đến với em. Thất bại không làm Mùi nhụt chí, gần một năm miệt mài đèn sách để ôn luyện, kỳ thi ĐH năm nay Mùi tiếp tục đăng ký dự thi ngành Công nghệ thông tin ở trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. “ Năm nay em làm bài tốt hơn năm ngoái, thi xong 2 môn em cảm thấy tự tin nhiều lắm. Mong sao em đủ điểm vào trường chị ạ”. Mùi chia sẻ.
 
Đáp lại câu hỏi “mong ước của em bây giờ là gì” của chúng tôi, Mùi nhỏ nhẹ nói: “Em quyết tâm bước vào giảng đường ĐH, nếu không đậu em sẽ học cao đẳng hoặc trung cấp để kiếm một công việc tự lo cho bản thân và định hướng cho các em trong tương lai”.
 
Xót xa cùng con
 
Mùi là con đầu trong một gia đình nghèo có 4 anh em. Để mưu sinh, hằng ngày bố mẹ Mùi phải làm đi phụ hồ, bốc gạch, thậm chí ai thuê việc gì làm việc ấy. Thương anh trai tật nguyền, hai em của Mùi (Trần Vinh và Trần Quân) mới lên cấp II đã phải nghỉ học vào Sài Gòn để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ cho Mùi được tiếp tục việc học. Chỉ còn cô em gái (Trần Thị Ngọc Linh) năm nay lên lớp 3.
 
Trong căn nhà tồi tàn, ẩm thấp chỉ có mỗi cái tivi và chiếc xe đạp làm tài sản, ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, cô Thuận (mẹ Mùi) đưa bàn tay gầy lau những dòng nước mắt xót xa nhớ lại “Hồi cõng Mùi đi học tiểu học, đi bộ ngày 4 bận, mỗi bận hơn một giờ đồng hồ. Có bữa bận việc không cõng đi học đươc, Mùi tự đi bộ một mình, nhiều bữa 7h tối mới về đến nhà vì chân ngắn của em không trụ được nên dập vào phải đá, máu chảy tùm lum.”
 
Có người thấy Mùi đi học cực quá, khuyên: “Thằng bé bị như vậy rồi học không biết có làm được chi không? Đi lại như bị tra tấn vậy, tội nó”. Nhưng thấy con ham học quá, bố mẹ Mùi không đành.
 
“Giờ cháu đã như vậy thì càng ráng phải học cho được cái chữ, sau này còn tự thân lập nghiệp. Càng nhiều chữ nghĩa càng vững. Chớ lỡ mai kia mốt nọ tôi chết đi, tới cái chữ cũng không có thì con tôi biết sống bằng chi”, mẹ Mùi  nghẹn ngào tâm sự.
 
Cô Thuận nói tiếp, hồi trước nhà còn nghèo hơn giờ nhưng vẫn sống được qua ngày. Ở quê mình mà, có chi ăn nấy. Bây giờ, cả ngày hai vợ chồng bốc gạch thuê, nhiều thì được hơn 100 ngàn đồng/ngày, gia đình chỉ dám ăn khoảng 30ngàn đồng, còn lại cất đó để dành cho con đi học.
 
Cám cảnh cháu mình đi thi, bà nội Mùi tâm sự “Thấy con cháu họ được đầy đủ, sung sướng, nhìn lại cháu mình một thân một mình lê từng bước đi thi đại học chỉ có 500 ngàn thôi. Tôi xót xa lắm, nhưng bố mẹ nó “bòn” mãi mới được 300 ngàn đồng cộng với tiền tôi và chú nó cho thêm mới được ngần đó cho cháu đi thi”.
 
Đến trường bằng một chân, cậu học trò dị tật nuôi ước mơ ĐH - 3
Bà Phạm Thị Lùng - bà nội Mùi luôn hi vọng có một tương lai tươi sáng đến với đứa cháu của mình.
 
Đang nghe chúng tôi trò chuyện cùng gia đình em, Mùi chợt quay mặt đi giấu khóe mắt hoe hoe đỏ. Không biết trên con đường đến trường của Mùi, đã bao lần em giấu nước mắt như vậy trước những nhọc nhằn, hy sinh của mẹ, của ba.
 
Cổng đại học nếu được hé mở thì con đường tương lai của Mùi sẽ thênh thang hơn. Biết phía trước là vô vàn khó khăn, thử thách đối với Mùi và gia đình nhưng em quyết theo đuổi ước mơ tri thức đến cùng.
 
Càng cảm phục ý chí của em, chúng tôi càng mong trên con đường đến giảng đường đại học của Mùi sẽ có thêm nhiều tấm lòng quan tâm, nhiều bàn tay giúp đỡ nâng cánh ước mơ cho em - “cậu bé dị tật một chân” giàu nghị lực.
 
Anh Tuấn - Trương Xuyến