ĐH công lập: Nhiều cửa để qua

Nhiều thí sinh đã tỏ ra tiếc rẻ khi với điểm số mà mình đạt được đáng lẽ có thể kiếm một chỗ ngồi tại các trường ĐH công lập, thay vì phải vác đơn chạy vạy đi tìm nguyện vọng 2, 3.

Tâm lý chọn trường theo bạn bè, thời thượng mà không biết lượng sức mình vẫn là một "tập quán" khá phổ biến của thí sinh (TS).

 

Những ngành... "giấu mình"

 

Tại Trường ĐH Nông lâm TPHCM, mặc dù luôn có lượng TS đăng ký dự thi (ĐKDT) hằng năm đông nhưng năm 2005 có đến 15 ngành tuyển ở mức 15 điểm, chín ngành tuyển mức 16 điểm và sáu ngành tuyển mức 17 điểm cho khối A.

 

Hầu hết các ngành này đều mang những cái tên "nhuốm màu nông nghiệp" như: cơ khí nông lâm, chế biến lâm sản, chăn nuôi, cơ khí bảo quản nông sản thực phẩm, nông lâm kết hợp, công nghệ địa chính... nên khiến nhiều TS đã e dè khi ĐKDT.

 

Trong khi đó cũng tại trường này, những ngành có gắn cái tên "công nghệ" thì điểm chuẩn (ĐC) lại cao vọt lên như công nghệ sinh học (khối A 20, khối B 23), công nghệ hóa học (khối A 20, khối B 23)...

 

Ngay tại ĐHQG TPHCM như Trường ĐH Khoa học tự nhiên vẫn có nhiều ngành ĐC chỉ 16 điểm và tất nhiên giống như những ngành "có tên không đẹp", những ngành này đều mang những cái tên như: khoa học vật liệu, địa chất, vật lý...

 

Tương tự ở Khoa kinh tế, nếu những ngành có "tên đẹp" như kinh tế đối ngoại, tài chính ngân hàng, kế toán kiểm toán ĐC đều cao thì những ngành kinh tế học chỉ 16 điểm, kinh tế công cộng 15 điểm, hệ thống thông tin quản lý 16 điểm.

 

Có thể liệt kê ra rất nhiều ngành của nhiều trường ĐH công lập có ĐC chỉ 15-16 như ĐH Thủy sản có các nhóm ngành khai thác hàng hải, nhóm ngành cơ khí tuyển 16 điểm, nhóm ngành kinh tế - quản trị kinh doanh 15,5 điểm, tiếng Anh 15 điểm.

 

Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM: các ngành điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy, điện tự động tàu thủy, cơ giới hóa xếp dỡ, bảo đảm an toàn hàng hải cùng tuyển 15 điểm và những ngành tuyển 16 điểm là thiết kế thân tàu thủy, máy xây dựng, kinh tế vận tải biển.

 

Và những lời khuyên đáng lưu ý

 

Trong một lần trò chuyện, tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nói như than: "Có nhiều ngành ngon quá, vậy mà quá ít TS dự thi. Nếu biết chọn lựa những ngành như vậy, nhiều em sẽ có tương lai rất tốt.

 

Như ngành chế biến lâm sản, các em cứ nghĩ rừng bị đóng cửa thì lấy đâu ra lâm sản để chế biến nên ĐKDT rất ít. Trong khi đó học ngành này, khi đi bảo vệ đề tài tốt nghiệp là các em đã được hưởng lương rồi. Ra trường bao nhiêu là có việc làm bấy nhiêu".

 

Trả lời câu hỏi vì sao TS ít chọn các ngành kinh tế học, kinh tế chính trị, kinh tế công cộng..., tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Khoa kinh tế (ĐHQG TP.HCM) - cho biết: “Sở dĩ các em ít chọn các ngành này vì đó là những ngành cơ bản, các em nghe tên như vậy nên ít có sự chọn lựa.

 

Phần lớn TS muốn chọn các ngành có tên cụ thể với suy nghĩ ra trường dễ có việc làm hơn và coi như đó là định hướng nghề nghiệp của mình. Hiện nay khoa chúng tôi đang làm thống kê việc làm của SV tốt nghiệp các ngành kinh tế học, kinh tế công cộng...

 

Theo chỗ tôi được biết thì có khá nhiều em đã kiếm được việc làm. Mặc dù ngành kinh tế công cộng, kinh tế học chủ yếu làm việc ở các cơ quan nhà nước như các sở kế hoạch - đầu tư, các cơ quan quản lý tài chính công..., nhưng trong quá trình học các em cũng được học và nghiên cứu các ngành thuộc lĩnh vực khác như đầu tư, tài chính, ngân hàng, mạng CNTT...

 

Do đó, các khóa tốt nghiệp của những ngành này gần đây các em đã đi làm nhiều ở các lĩnh vực nói trên".

 

Nghĩa là không phải tên ngành "cũ kỹ", "không đẹp", "không mang tính thời thượng" thì khó kiếm việc làm sau khi ra trường, không có tương lai... Chính những suy nghĩ dựa trên cảm tính như vậy mà không ít TS đã đánh mất cơ hội cho tương lai của mình.

 

Tiến sĩ Đàm Văn Cương, Trường ĐH Y dược Cần Thơ, trong những lần tư vấn tuyển sinh đều khuyên TS nên chọn ngành điều dưỡng. Do ngành này ít TS thi nên khi ra trường dễ có việc làm, thậm chí còn có thể đi xuất khẩu lao động sang Singapore vì bên ấy thiếu nhân lực.

 

Thế nhưng lời khuyên lặp đi lặp lại ấy vẫn quá ít tác dụng, khi mà ĐC năm 2004 chỉ là 15 điểm, năm 2005 có nhích lên mức 16,5 điểm. Cái tâm lý "điều dưỡng" là phục vụ đã khiến nhiều TS không mấy mặn mà khi ĐKDT.

 

Năm 2005, cuối cùng nhiều TS đã phải nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2, tranh giành vào ngay chính những ngành mà mình không lựa chọn ban đầu nhưng cơ hội trúng tuyển lại chẳng bao nhiêu. Nếu như lúc đầu có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ có không ít TS không phải vất vả đi theo con đường nguyện vọng 2, 3 đầy gian truân, chật vật như thế.

 

Theo Nguyễn Phan

Tuổi Trẻ