ĐH Công lập và Dân lập: Cạnh tranh không bình đẳng!

(Dân trí) - Sinh viên trường ngoài công lập không được hưởng ưu đãi; thiếu đất xây trường, bị đánh thuế, bị phân biệt đối xử, bị định kiến, khó tuyển sinh… Đó là thực trạng của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay.

Tại buổi họp báo sáng nay 17/4 về phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II năm 2012 - 2017 của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL), GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết: “Trường ĐH công lập và dân lập đang có sự cạnh tranh không bình đẳng nên các trường NCL phát triển rất khó khăn”.
 
ĐH Công lập và Dân lập: Cạnh tranh không bình đẳng!
Trường đại học công lập và ngoài công lập đang cạnh tranh rất gay gắt.
 
Các trường ĐH, CĐ thành lập ồ ạt

GS Trần Hồng Quân đưa ra dẫn chứng cụ thể, xét trong tổng thể hệ thống ĐH Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, quy mô số trường ĐH, CĐ công lập từ 156 trường tăng lên 331 trường; các trường ĐH, CĐ NCL từ 22 trường tăng lên 81 trường. Từ năm 2000 đến năm 2005, mỗi năm trung bình thành lập 20 trường công lập và 2 trường NCL. Từ năm 2005 - 2010 trung bình mỗi năm thành lập 26 trường công lập và 10 trường NCL. Có năm trung bình 1 tuần thành lập một trường ĐH hoặc CĐ. Sự tăng số lượng ồ ạt này chủ yếu là các trường ĐH, CĐ công lập.

Trong 81 trường ĐH, CĐ số lượng SV đào tạo 254.370, chiếm 14,7% tổng số SV cả nước, đã cho ra trường hàng chục vạn lao động trình độ ĐH, CĐ mà nhà nước không phải bỏ kinh phí chi cho đào tạo. Phần lớn các trường tuy khuôn viên chưa rộng lớn, nhưng có cơ sở khang trang, có thiết bị dạy học tương đối đủ cho các ngành nghề đào tạo. Về cơ bản đã vượt qua tình trạng trường lớp tạm thời thuê mướn.

GS Quân cho rằng, nhìn tổng quá, tốc độ phát triển các trường NCL so với các mục tiêu chiến lược nhà nước. Trong khi đó sự phát triển ồ ạt các trường ĐH, CĐ công lập là sự thực hiện sai lệch quan điểm chỉ đạo của chiến lược phát triển giáo dục đã đề ra, làm phân tán nguồn lực tài chính của nhà nước, làm sai chức năng của hệ thống các trường công lập. Lẽ ra chỉ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo các ngành nghề cần phải đầu tư lớn, đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực chuyên biệt, đặc thù mà các trường NCL không thể đảm đương được.

Có sự cạnh tranh không bình đẳng

GS Trần Hồng Quân cho rằng, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006- 2020, đến năm 2020 có 40% SV cả nước thuộc nhóm các trường NCL sẽ khó đạt được bởi sự phân biệt giữa “con đẻ, con nuôi”.

Sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các trường công lập và NCL thông qua việc nhà nước bao cấp chi phí đào tạo và các ưu đãi khác cho SV trường công lập (SV trường công lập được hưởng 70% chi phí trong khi SV NCL phải tự chi trả 100%).
 
Mô hình trường 100% đầu tư của nước ngoài. Hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài và tuân thủ Pháp luật Việt Nam, hiện đang có trường RMit... các trường này được thực hiện cơ chế tự chủ rất cao mà lẽ ra các trường Việt Nam cũng phải được như vậy. Sự khác biệt này tạo ra sự không bình đẳng trong cạnh tranh, không có cơ chế chỉ đạo quản lý của cơ quan nhà nước về giáo dục đào tạo, về tài chính, về chất lượng đào tạo đối với các trường này. Nguồn tuyển sinh từ học sinh tốt nghiệp THPT, không qua thi tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT. Thực tế, các trường loại này đang "làm ăn" khá thành đạt tại Việt Nam.

Ngoài ra, các trường NCL càng ngày càng gặp khó bởi thiếu đất xây trường, bị đánh thuế, bị phân biệt đối xử, bị định kiến, khó tuyển sinh do cạn kiệt nguồn tuyển, thiếu văn bản pháp quy cần thiết có liên quan hoặc có mà không có chế tài thực hiện (như Nghị quyết 05, Nghị định 69 của CP). Bản thân các trường NCL chưa đủ thời gian khẳng định vị thế của mình trong xã hội thông qua chất lượng đào tạo, thành tựu nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong giáo dục .

Tuy nhiên, GS Quân cũng thừa nhận, cá biệt có một số trường do áp lực tài chính, có khi chạy theo lợi ích trước mắt mà đã có một số sai phạm làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của cả hệ thống các trường NCL.

Để xóa bớt định kiến xã hội về “con đẻ, con nuôi” trong thời gian tới, lãnh đạo Hiệp hội các trường NCL kiến nghị, Nhà nước nên quan tâm, tài trợ những trường có tiêu chí: đào tạo ra SV có chất lượng cao mà không cần phải gắn mác công lập hay NCL.

Riêng với Hiệp hội, GS Quân cho hay, sẽ tiếp tục làm tư vấn, tham mưu, phản biện, góp ý với cơ quan nhà nước một số chính sách đổi mới để nhằm nâng cao chất lượng giáo dục như Quyết định công nhận các trường ĐH dân lập và cho phép chuyển đổi trường ĐH, CĐ dân lạp sang tư thục. Năm tới, Hiệp hội sẽ thành lập Viện nghiên cứu Phát triển Nhân lực, thành lập Trung tâm Đánh giá và Kiểm định chất lượng (chỉ dành phục vụ các trường NCL).

Hồng Hạnh