ĐH Đồng Tháp dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu năm 2015

(Dân trí) - Dự kiến có khoảng 3.500 chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2015. Trong đó, đại học có 2.400 chỉ tiêu với 31 ngành, cao đẳng có 1.100 chỉ tiêu với 16 ngành. Phương thức tuyển sinh gồm có: xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển.

Trong kế hoạch tuyển sinh 2015, Trường ĐH Đồng Tháp áp dụng phương pháp tuyển sinh gồm: xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Theo đó sẽ có khoảng 3.500 chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2015. Trong đó, đại học có 2.400 chỉ tiêu với 31 ngành, cao đẳng có 1.100 chỉ tiêu với 16 ngành.

Trường ĐH Đồng Tháp sẽ tổ chức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại các cụm thi do trường đại học tổ chức (với các tổ hợp môn xét tuyển và môn xét tuyển chính đã được công bố); đồng thời, tổ chức xét tuyển đối với một số ngành dựa vào kết quả học tập của năm lớp 12 THPT (với các tổ hợp môn xét tuyển và môn xét tuyển chính đã được công bố), tổng điểm trung bình cả năm của 3 môn đăng ký xét tuyển ở lớp 12 phải đạt từ 24 điểm trở lên (điểm môn chính nhân hệ số 2).

Trong kế hoạch tuyển sinh 2015, trường ĐH Đồng Tháp sẽ tuyển 3.500 sinh viên
Trong kế hoạch tuyển sinh 2015, trường ĐH Đồng Tháp sẽ tuyển 3.500 sinh viên.

Phương thức xét tuyển kết hợp với thi tuyển chỉ áp dụng đối với 4 ngành có môn năng khiếu như: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật (trình độ đại học và cao đẳng). Tiêu chí xét tuyển: Môn văn hóa dựa vào kết quả thi các môn văn hóa trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại các cụm thi do trường đại học tổ chức; môn thi năng khiếu được xác định là môn chính theo đặc thù của ngành.

Về nguyên tắc xét tuyển, Trường ĐH Đồng Tháp thực hiện đầy đủ các chính sách ưu tiên được quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Kết quả xét tuyển dựa vào tổng điểm của 3 môn (điểm môn chính nhân hệ số 2) và điểm ưu tiên tính từ cao xuống đến hết chỉ tiêu của từng ngành.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia khi lấy kết quả kỳ thi quốc gia làm cơ sở để các trường ĐH xét tuyển thì bên cạnh nhược điểm nhỏ của phương án tuyển sinh này là có thể tỉ lệ ảo của hồ sơ đăng ký xét tuyển sẽ tăng, nhưng bù lại thí sinh, gia đình và xã hội giảm bớt áp lực về thi cử, chi phí; đáp ứng nguồn nhân lực và các ngành nghề mà xã hội đang cần; phù hợp với đặc thù các ngành đào tạo của trường và với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; định hướng được việc lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh THPT; đảm bảo chất lượng và năng khiếu theo yêu cầu của ngành học.

Nguyễn Hành