ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về kinh tế Việt Nam 2015

(Dân trí) - Sáng nay 16/1, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề: “Khơi nguồn động lực tăng trưởng trong bối cảnh mới của hội nhập”.

Hội thảo đã thu hút hơn 120 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các hiệp hội cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế - xã hội.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân phát biểu tại hội thảo

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân phát biểu tại hội thảo

Các ý kiến phát biểu tham luận tại hội thảo đã đánh giá lại những thành tựu, tồn tại trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2014 cũng như những kết quả đạt được về kinh tế xã hội trong năm qua. Dự báo triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2015, đưa ra những kịch bản tăng trường và điều hành, mục tiêu lạm phát 5% khó có thể đạt được. Trong đó, nhấn mạnh đến cơ hội và thách thức khi Việt Nam phải thực hiện các cam kết của các hiệp định thương mại quốc tế, đòi hỏi phải cải cách thể chế, đổi mới doanh nghiệp, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ…

Tổng hợp từ một nghiên cứu về năng suất lao động trình bày tại hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng: “Tăng năng suất lao động nội bộ ngành đang là con đường tăng trưởng năng suất cơ bản trong nền kinh tế hiện nay”.

Theo GS Đạt, trong quá trình hội nhập, cạnh tranh gia tăng sẽ thúc đẩy các nguồn lực của nền kinh tế dịch chuyển theo hướng sử dụng hiệu quả hơn và hiệu quả phân bổ cao hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng năng suất tổng thể của nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào sự tái phân bổ nguồn lực giữa các ngành mà điều quan trọng và cơ bản hơn là phụ thuộc vào những gì đang diễn ra trong nội bộ các ngành.

Trong giai đoạn tới, dường như Việt Nam không thể tiếp tục nâng cao tỷ trọng đóng góp của tăng trưởng năng suất lao động cho tăng trưởng kinh tế nhờ dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ như trước đây. Với biên độ tăng trưởng năng suất lao động của các ngành và nền kinh tế chỉ dao động trong ngưỡng 4% như trong những năm gần đây, Việt Nam khó có thể tránh được “bẫy thu nhập trung bình” trong tương lai gần, thậm chí có thể còn bị tụt hậu xa hơn nữa so với các quốc gia trong khu vực.

GS Đạt đề xuất, để tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao hơn, Việt Nam cần dựa vào các nhân tố khởi nguồn tăng trưởng mới thay thế cho sự hụt hơi của những động lực tăng trưởng cốt lõi trước đây. Việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia vừa rồi cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung các nỗ lực nhằm nâng cao năng suất lao động, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng.

Nhật Hồng