"ĐH trên... bản vẽ": Muốn chấn chỉnh phải chờ quy chế

Trước phản ánh của báo chí về tình trạng một số trường ĐH mới thành lập chưa có cơ sở đào tạo, phải thuê mướn cho kịp mùa tuyển sinh sắp tới, ông Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GĐ-ĐT) cho biết Bộ đang soạn quy chế về trình tự thủ tục xây dựng trường.

Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GĐ-ĐT), thông thường tất cả hồ sơ xin thành lập trường ĐH đều phải thông qua một hội đồng thẩm định bao gồm đại diện của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh, thành phố nơi có trường đóng. Bộ GD-ĐT chỉ là cơ quan thẩm định lại những đề án xây dựng do các trường trình lên, còn việc thành lập trường là do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định.

Tuy nhiên, theo ông Ngữ, vấn đề ở đây phụ thuộc nhiều vào địa phương. Có nhiều trường thành lập được nhiều năm nhưng vẫn vướng nhiều thủ tục đất đai nên chưa có đất, phải thuê rất nhiều cơ sở để tuyển sinh, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Đó chính là lý do khiến cho nhiều trường ĐH đã thành lập những vẫn phải đi thuê cơ sở vật chất và Bộ vẫn đồng ý cho tuyển sinh.

Đặt vấn đề nếu trường ĐH cứ tiếp tục thuê mướn mà không đầu tư cơ sở vật chất, phòng thực hành, phòng thí nghiệm (vì rất tốn kém) thì chất lượng đào tạo sẽ rất thấp. Lúc đó, Bộ GD-ĐT giải quyết như thế nào? Ông Ngữ cho biết: Bộ GD-ĐT đang soạn thảo quy chế về trình tự thủ tục xây dựng trường, quy định các trường đã được cấp phép mà sau một thời gian cũng không đáp ứng đúng cam kết như về cơ sở vật chất, tuyển sinh không đạt chỉ tiêu... thì sẽ thu hồi giấy phép. Còn đối với những trường đã chuẩn bị giáo viên đầy đủ nhưng vẫn phải đi thuê cơ sở vật chất thì Bộ vẫn đồng ý cho tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu học tập.

Như vậy, để chấn chỉnh các trường ĐH... trên giấy, mọi việc còn phải chờ quy chế về trình tự thủ tục xây dựng trường mà Bộ GD-ĐT đang soạn thảo. Nhưng chừng nào có quy chế, đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ!

GS - TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học và Quản lý môi trường, ĐH Công nghiệp TP.HCM: Sản phẩm Đại học sẽ loạn

Tôi có dịp được mời giảng dạy ở một trường ĐH. Tôi biết trường này cơ sở hoàn toàn thuê mướn, chắp vá. Mà đã thuê mướn thì làm sao có phòng ốc đạt chuẩn cho đào tạo, trong khi đó trường có đến năm ngàn sinh viên. Về đội ngũ giảng viên, may lắm chỉ có vài chục giảng viên cơ hữu, còn lại là thuê giảng viên đến thỉnh giảng... Cách đây hai năm, Bộ GD-ĐT đã bàn đến quy định mỗi ĐH thành lập mới phải có diện tích khuôn viên 30 ha, phải có cơ sở vật chất trước khi hoạt động tuyển sinh đào tạo... nhưng rút cuộc có ai làm theo đâu. Đây là cách làm phải cảnh báo sớm, kịp thời chấn chỉnh lại. Nếu sai lầm này tiếp tục thì sản phẩm đào tạo ĐH sau 5-7 năm nữa sẽ loạn. Lớp người không có năng lực thật chỉ làm hư hỏng đất nước!

GS - TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ truởng Vụ ĐH (Bộ GD-ĐT): Phát triển không bình thường

Chỉ trong vòng hai năm (2005-2007) cả nước có thêm 97 trường ĐH và CĐ, đưa tổng số trường ĐH, CĐ trong cả nước lên 352 trường. Tăng quy mô các trường ĐH, CĐ là đúng nhưng tăng bằng cách lập trường mới mà bỏ qua chất lượng thì không ổn. Sự phát triển đó là không bình thường. Ở nhiều nước trên thế giới, họ khuyến khích lập trường mới nhưng phải có thêm một thời gian nhất định để chuẩn bị đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên rồi mới được tuyển sinh viên. Còn ở Việt Nam, hôm nay có quyết định thành lập, ngày mai đào tạo ngay. Ngoài ra, các trường ĐH tư hiện nay đang bị thả nổi. Bộ GD-ĐT cấp giấy phép thành lập nhưng lại không quản lý nổi về chất lượng nên khi kiểm định lại nói “chất lượng không đảm bảo”. Người cuối cùng chịu thiệt vẫn là sinh viên.

GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Lẽ ra nên củng cố cộng đồng

Việt Nam lâu nay có tình trạng mất cân đối nguồn lực kỹ thuật viên có trình độ trung cấp, cũng như nguồn lực có trình độ CĐ và ĐH. Lẽ ra đó là hình tháp thuận thì Việt Nam lại đang có hình tháp ngược. Số học sinh trung học chuyên nghiệp năm 2006 là 515 ngàn, CĐ là 367.000, trong khi số sinh viên ĐH là trên 1,1 triệu. Cho nên khi “nâng cấp” lên CĐ, ĐH thì các nhà hoạch định chính sách vĩ mô phải tính đến chuyện này. Các địa phương nên củng cố và phát triển các trường CĐ cộng đồng chứ không nên vội “nâng cấp” lên thành trường ĐH như hiện nay.

 
Theo Trương Hiệu - Tố Như
Pháp luật TP.HCM