Đi “chợ” học bổng online

Chỉ cần ngồi nhà bật máy tính có kết nối Internet, sau mấy cái click chuột, vài “nhát” enter bàn phím, bạn đã có thể đến được những "phiên chợ” học bổng trên mạng, với đủ loại “mặt hàng” phong phú.

Nhộn nhịp “chợ” tri thức

Được sự “tiếp tay” của công nghệ thông tin, khái niệm “săn” học bổng trên mạng giờ đây ngày càng trở nên thông dụng với những người có ý định du học.

Không vất vả, cũng chẳng nhọc công, chỉ cần biết ngoại ngữ, có máy tính kết nối mạng Internet là bạn có thể lướt tới các "chợ", “siêu thị” học bổng ở khắp nơi trên thế giới.

Gọi là "chợ", là "siêu thị" bởi ở đây cũng có người giao giới (các trường, đơn vị cá nhân...) cấp học bổng, cũng có "khách hàng" (người truy cập) và điều kiện nhận học bổng.

Theo những “chuyên gia” tìm kiếm học bổng trên mạng, www.google.comwww.yahoo.com là 2 “chợ” học bổng mà khách hàng hay “đi” nhất. Khi đến 2 “chợ” này, “người mua” chỉ cần gõ chữ “scholarship” (học bổng) vào phần tìm kiếm, rồi bấm enter. Hàng loạt những thông tin liên quan sẽ hiện ra trên màn hình.

Khác với www.google.comwww.yahoo.com được ví là 2 “chợ”... thập cẩm thì www.fastweb.com là nơi chuyên bán "mặt hàng" học bổng. Theo như lời giới thiệu, trang web này có thông tin về hơn 600.000 học bổng giá trị của khoảng 4000 trường đại học.

Nhấn chuột vào đề mục Start Your Free Scholarship Search (tìm học bổng miễn phí), một bản khai thông tin cá nhân sẽ tự động hiện ra. Điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu vào bản khai này, người truy cập sẽ nhận được thông tin khi có học bổng mới.

www.scholarship.com cũng là “chợ” nổi tiếng với nhiều loại “mặt hàng” phong phú, có giá trị. Nó được đánh giá là trang web tiện ích nhất cho những người có nhu cầu tìm học bổng miễn phí online.

Do có nhiều loại học bổng của nhiều lĩnh vực nên muốn tìm học bổng của ngành gì, vùng nào..., khi truy cập vào trang web này, bạn phải khai báo thông tin cá nhân và hồ sơ trực tuyến.

Nếu muốn tìm thông tin hữu ích về các nguồn học bổng quốc tế, trường đại học ở Mỹ, Anh và nhiều quốc gia có nền giáo dục nổi tiếng trên thế giới, đừng quên ghé thăm “chợ” www.finaid.org. Đến đây, khách hàng sẽ được tư vấn về thủ thuật tìm kiếm học bổng, cũng như được cung cấp thông tin mới về các loại học bổng của các chương trình học.

Ngoài ra, muốn có danh sách xếp hạng của các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ , cũng như thông tin cụ thể về các trường, đến với www.usnews.com, www.collegeboard.com, www.review.com..., khách hàng sẽ tìm được thông tin như ý muốn.

Bên cạnh vô vàn những cái... “chợ” này, có những “siêu thị” cung cấp học bổng VIP dành riêng cho đối tượng là học sinh, sinh viên Việt Nam. Những học bổng này thường do các cơ quan, tổ chức của các nước cấp với mục đích hỗ trợ giáo dục trong quan hệ ngoại giao của 2 nước.

Chẳng hạn như của Chính phủ Australia: http://www.ads.edu.vn hay www.vef.gov (của chính phủ Mỹ)... Gọi chúng là "siêu thị" vì các trang web của các tổ chức này thường mang đến những thông tin về các chương trình học bổng có giá trị lớn.

Coi chừng “hàng giả”

Internet là một thế giới ảo vô cùng rộng lớn. Nó là cái kho thông tin khổng lồ, trong đó chứa đựng cả những thông tin về học bổng du học của các trường cấp cho các chương trình học, học bổng do cá nhân, các hiệp hội, tập đoàn kinh doanh cấp... Đó có thể là học bổng toàn phần, bán toàn phần, từng phần... với những giá trị khác nhau...

Tuy nhiên, do có tính chất ảo, lại “xa mặt cách lòng” nên nếu không cẩn thận, "người mua" rất dễ vớ phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chúng cũng được giao giới y như thật.

Theo Nguyễn Thái Bình - Người vừa được nhận 7 học bổng lớn (trong đó có 4 học bổng tiến sĩ của các trường ĐH hàng đầu của 3 nước Anh, Pháp, Mỹ), rất nhiều học bổng trên mạng là học bổng... marketing. Những loại học bổng này thường núp dưới danh nghĩa học bổng 20% - 30% học phí mà không có bất cứ điều kiện gì.

Để kiểm chứng giá trị của học bổng, tốt nhất là người truy cập nên tham khảo ý kiến của những du học sinh đi trước tại các diễn đàn của hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, cũng nên tìm vào tận nơi các trang web của trường thông báo cấp học bổng để kiểm chứng độ chính xác thông tin. Cẩn thận hơn nữa, hãy liên lạc với đại diện của trường để có thêm những thông tin chính xác.

Điều này là hoàn toàn cần thiết, nhất là khi một số trường tư cố ý lấy tên trường “ăn theo” mác đại học lớn để đánh lừa sự chú ý của người học.

Thậm chí, Hà Lan Anh, người được nhận nhiều giải thưởng và học bổng, hiện là sinh viên của ĐH Trent (Canada) còn khuyến cáo: Có nhiều trang web mệnh danh là trường đại học, thông báo cấp đủ thứ học bổng này nọ. Tuy nhiên thực tế, trường đó không tồn tại. Và tất nhiên, thông tin học bổng cũng chỉ là ảo như cái "chợ" trên mạng ảo vậy.

Theo Xuân Mai
Tiền phong