Đi qua những mùa thi!

Vác ba lô lên thư viện “cày” từ sáng đến chiều tối. Trắng đêm ở các dãy nhà trọ, ký túc xá để ôn bài. Áp lực, căng thẳng phải đạt kết quả tốt ở bài thi cuối kỳ vì “lỡ” không có cột điểm giữa kỳ... đó là những diễn biến tâm trạng đầy “màu sắc” của nhiều sinh viên vào mùa thi hết môn.

Sinh viên học bài trong thư viện trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. (Ảnh: Gia Đỗ)
Sinh viên học bài trong thư viện trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. (Ảnh: Gia Đỗ)

Vào ngày bình thường, những cử nhân tương lai có thể thức “xuyên màn đêm” để cày game, luyện một bộ phim truyền hình nhiều tập đang “nóng” trên các trang xem phim trực tuyến với dàn “trai xinh gái đẹp” nhưng đến mùa thi thì ưu tiên hàng đầu phải là bài vở. Ai cũng “cày” nếu không muốn phải vác xác đi học lại với lớp đàn em vào năm sau và quan trọng nhất là không ai muốn dính líu đến khoản chi gọi là “ngu phí”!

Bởi thế mà mùa thi hết môn luôn là khoảng thời gian vô cùng rộn ràng và náo nhiệt theo nhiều nghĩa khác nhau đối với hầu hết sinh viên. Bỏ qua những trường hợp quá chăm chỉ thì có không ít sinh viên rơi vào thảm cảnh “nước đến chân mới chạy”, thậm chí ngày mai thi tối nay mới mượn tài liệu photo về học bài kiểu hên xui may rủi, “được ăn cả, ngã về không”.

Sinh viên học bài trong KTX ĐH Quốc gia TPHCM
Sinh viên học bài trong KTX ĐH Quốc gia TPHCM.

Vào những ngày này, nơi đầu tiên trở nên quá tải có lẽ là thư viện trường. Chưa bao giờ thư viện trở nên đông đúc và nhộn nhịp đến thế, ngay cả ngày thứ 7. Bàn ghế không còn một chỗ trống. Các ổ cắm điện phục vụ cho việc sạc pin laptop cũng được “niêm phong” từ sớm. Máy quạt hoạt động hết công suất để điều hòa cho bầu không khí nóng nực. Sinh viên ở trọ, ký túc xá đổ về thư viện ôn bài cả ngày. Việc ăn trưa thì đã có căng tin phục vụ, vừa nhanh chóng và tiện lợi.

Mấy chị thủ thư bận rộn hơn ngày thường vì số lượt người mượn tài liệu vào ra liên tục. Vào thời điểm này cũng đừng mong chờ sự yên tĩnh mang tính lý tưởng ở thư viện vì có thể đôi khi trong một phút nổi hứng, các cô cậu sinh viên sẽ thảo luận với nhau theo cách rộn ràng nhất mà vô tình quên đi việc mình đang ngồi ở nơi công cộng.

Nếu lỡ thư viện mà không còn chỗ trống thì lựa chọn cũng lý tưởng không kém để ôn bài là vườn học tập. Các bàn đá dưới hàng cây mát rượi cũng là không gian tuyệt vời cho việc học hành vào những ngày này, đặc biệt thích hợp cho hoạt động thảo luận nhóm. Không khí học tập khẩn trương và có phần bị áp lực là điều dễ nhận thấy nhất đối với sinh viên trong mùa thi cử.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến hoạt động “cày cuốc” trong ký túc xá. Những ánh điện sắc trắng, sắc vàng xuyên qua các khung cửa sổ thâu đêm là minh chứng cho tinh thần “đủ điểm qua môn là được” của nhiều sinh viên, trong đó có tôi.

Kỷ niệm đẹp và khó quên nhất đối với tôi và nhiều bạn nội trú có lẽ là hình ảnh vừa học bài vừa chén mì gói. Ai cũng chăm chỉ và khẩn trương. Việc hỏi han bài vở trở nên náo nhiệt, lây lan khắp chốn từ tin nhắn điện thoại leo lên tận facebook, bất chấp thời gian.

Tôi đã trải qua những khoảng thời gian đẹp đẽ như thế của đời sinh viên. Tất nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như bận rộn với việc chạy sô kiếm tiền hay lười biếng, mải yêu đương… nên bài vở của nhiều người mới bị ứ đọng lại như thế.

Giả như trong nhóm học tập của tôi ngày đó, sáu đứa thì hết năm đứa là phải đi làm thêm việc chạy bàn vào ban ngày và làm gia sư vào ban đêm để đủ tiền trang trải sinh hoạt phí. Có khi ngày hôm đó kiểm tra giữa kỳ mà chỉ có một đứa đi học, thế là đám còn lại mất trắng điểm giữa kỳ, hoàn cảnh bắt buộc tất cả phải gỡ gạc ở cột điểm cuối kỳ nếu không muốn bị mất tiền oan uổng.

Đời sinh viên thật có nhiều điều thú vị. Có người chọn việc chăm chỉ lên giảng đường hàng ngày là một niềm vui, người khác thì chọn việc tạm nghỉ đi vài tiết học lúc mới bắt đầu môn học mới để đi kiếm tiền là cách lâu dài để đi hết 4 năm đằng đẵng. Và dù có chọn lựa như thế nào đi chăng nữa, dù có áp lực và căng thẳng đến đâu trong những mùa thi thì chúng tôi cũng đã trải qua quãng thời gian rực rỡ và mỹ lệ đó cùng nhau.

Cùng với nhau, chúng tôi lạc quan hướng về tương lai phía trước.

Theo Gia Đỗ
Một Thế Giới