Đi thi... mà như đi chơi vậy?!

Họ đi thi mà không hề ôn tập một chút gì gọi là có. Khi vào phòng thi, họ rất biết tuỳ thời. Nếu giám thị làm rắn quá, họ thản nhiên, lạnh lùng chấp nhận nộp giấy trắng hoặc một vài dòng “trữ tình ngoại đề” mà chẳng thấy đau khổ hay luyến tiếc như những kẻ hỏng thi khác.

Thi đại học là kỳ sát hạch quan trọng chọn lọc những học sinh đủ khả năng để theo học tiếp ở một trình độ cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận học sinh và phụ huynh coi cuộc thi này đơn thuần chỉ là một trò đùa và họ đi thi chỉ là để... đi thi.

 

Trong khi bạn bè đang ôn tập bở hơi tai để chuẩn bị vào “cuộc chiến” thi đại học quyết liệt thì K. vẫn bình chân như vại. K. vẫn tu luyện chat, game ở cửa hàng Internet đầu làng. Bạn bè, người thân thắc mắc sao không thấy ôn thi, K. chỉ cười khì: “Học dốt như mình thì làm sao mà thi đỗ được. Thi đại học chỉ là đi chơi thôi”.

 

Bố mẹ K. biết lực học của con mình không thể thi đại học được nên khuyên K. chọn học một nghề nào đó. Nhưng K. lắc đầu quầy quậy. Cậu bảo: “ Chẳng lẽ sau 13 năm (K. đúp một năm) mài quần trên ghế nhà trường lại không được nếm mùi thi đại học. Mẹ cứ cho con đi thi xem cái đại học nó ra làm sao”. Chiều lòng quý tử, mẹ K. cho tiền để K. mua hồ sơ đăng ký vào một trường gì đó ở trên Hà Nội mặc dù chưa thi đã biết chắc con mình sẽ... trượt.

 

Một loại thí sinh khác biết chắc mình sẽ trượt mà vẫn thi, đó là những học sinh đi thi theo kiểu đánh bạc. Tại sao lại gọi như vậy? Bởi vì họ thường đăng ký vào những trường thuộc khối xã hội, tất nhiên chẳng phải vì giỏi giang gì những môn này, mà bởi chúng dễ quay cóp hơn những môn khối tự nhiên. Họ đi thi mà không hề ôn tập một chút gì gọi là có. 

 

Nếu có cơ hội khi giám thị không chặt chẽ hoặc ở một vị trí thuận lợi, những kẻ này liền giở tài quay cóp ra ngay. Có những người còn quay một cách ngang nhiên, nếu bị bắt thì cũng chẳng sao, trót lọt thì...quá tốt. Họ quan niệm rất giản dị: được thì được mà không được thì...thôi.

 

Các vị phụ huynh cũng góp một phần vào hiện tượng này. Nhiều người không nắm được sức học của con mình, hoặc nếu biết chắc rằng con mình sẽ không đỗ nhưng vẫn cho đi thi với ý nghĩ: “Học tài thi phận. May ra nó đỗ thì sao?”. Họ mong con mình gặp một vận may bất ngờ nào đó như: làm được bài nhờ quay cóp, nhìn bài thí sinh ngồi cạnh... Đứa con thì biết chắc mình không làm được bài, nhưng vẫn lên Hà Nội, một là để làm vừa lòng sự... ảo vọng của bố mẹ mình, hai là có cơ hội thăm thú đất Hà thành.

 

Trong số những thí sinh đạt tổng điểm 3 môn dưới 5, hoặc tệ hơn 3 số 0 tròn trĩnh, ai là những người thi cho vui? Chắc hẳn đó là con số không nhỏ. Những thí sinh này đã tiêu tốn tiền của của gia đình và xã hội, tiêu tốn công sức của mình vào một trò vui phù phiếm. Những học sinh có sức học quá yếu và những bậc phụ huynh của các em đừng vì những lý do trời ơi đất hỡi như trên mà đi thi đại học để giảm gánh nặng cho mình và cũng là cả cho xã hội.

 

Theo Bảo Long

Giáo Dục Thời Đại