Đi tìm hình ảnh sinh viên Việt Nam thời hội nhập

(Dân trí) - Khi nền giáo dục Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới, nhiều người bắt đầu quan tâm đến sản phẩm của sự giáo dục mang tính quốc tế: vậy những sinh viên Việt Nam sẽ như thế nào trong môi trường hội nhập ấy?

Theo các nhà sử học, nền giáo dục của Việt Nam hội nhập với thế giới không phải mới bắt đầu. Nhưng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trường đại học quốc tế tại Việt Nam, người ta thấy rõ hơn quá trình hội nhập thế giới trong lĩnh vực giáo dục.

Năm 2001, ĐH RMIT 100% vốn đầu tư của nước ngoài duy nhất và đầu tiên tại Việt Nam, đào tạo bằng cấp quốc tế của Úc bắt đầu hoạt động tại TP.HCM. Năm 2003, ĐH Quốc tế (thuộc ĐHQG TP.HCM) được thành lập. Năm 2007, ĐH Quốc tế Bắc Hà và ĐH Quốc tế Sài Gòn được thành lập. Hầu hết các trường quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh với mức học phí hàng ngàn đô la Mỹ mỗi năm. Sau khi tốt nghiệp, những sinh viên này có được nhiều ưu thế làm việc ở nhiều nơi trên thế giới.

Chính trong bối cảnh hội nhập đó, hình ảnh một công dân Việt Nam mà xa rộng hơn nữa là một công dân thế giới đã được các nhà giáo dục bàn luận đến trong buổi Hội thảo Xã hội hóa giáo dục và Hội nhập quốc tế do trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tổ chức ngày 9/3.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai cho rằng: hội nhập quốc tế là phải xem chúng ta đang đứng ở đâu, chúng ta sẽ sánh vai cùng ai. Với tư cách đó, chúng ta phải tạo ra những sinh viên (SV) mà xã hội không gọi họ là người ở trên mây trên gió. Có nghĩa là những SV này vừa có thể làm việc những mọi nơi trên thế giới vừa có thể là những con người gắn bó với thực tế ở Việt Nam.

Theo Giáo sư Trần Văn Khê, mục đích của giáo dục là tạo ra những con người biết ăn gì ngon, mặc gì đẹp, cách chào hỏi của Việt Nam thế nào cho tốt, để khách quốc tế nhìn vào và nói: Người Việt Nam có văn hóa. Khi mọi người hiểu được, họ sẽ thương, rồi học, luyện và biểu diễn. Khi đó nền văn hóa Việt Nam sẽ sống lại, chứ không phải ở trong bảo tàng với lớp bụi thời gian.

Trong bài phát biểu của mình, Tiến sĩ Bruce Edward Stanley, Hiệu trưởng Trường ĐH Huron (London, Anh) đã nhắc đến khái niệm “công dân thế giới với một tầm nhìn thế giới”. Ông mong muốn mọi người thử suy nghĩ thế nào là một công dân thế giới thế kỷ 21 với tư cách là một người của Bộ GD-ĐT, một giảng viên, một SV. TS. Bruce cho biết hầu hết SV của ĐH Huron (đến từ hơn 55 quốc gia) nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, 3, 4 của họ.

Còn Giáo sư Trần Văn Khê thì nói đại ý: Những người nước ngoài đến nước ta để muốn xem người Việt Nam có gì hay, gì lạ. Chứ không phải để xem người Việt Nam bắt chước người Tây giỏi đến thế nào. Và chúng ta, nhất là những người trẻ, hãy hội nhập quốc tế trước khi họ tìm đến ta.
Hiếu Hiền