Đi tìm tác giả bài văn điểm 0

(Dân trí) - Những lời dưới đây được viết ra từ mong muốn của một người thầy giáo già. Hàng chục năm trôi qua, bài văn điểm 0 mà ông lỡ “cho” cậu học trò ngày nào giờ đã úa vàng, nhưng trong lòng ông vẫn đau đáu một niềm ân hận khôn nguôi. Ông hy vọng cậu học trò ngày ấy đọc được những dòng này và thầy trò sẽ có dịp hội ngộ.

Những dòng tâm sự của người thầy giáo già tên Tân từng dạy học ở Đồng Nai được một thành viên trên Diễn đàn Giáo dục có nickname là nguyennuthang gửi lên.

Dân trí xin phép trích đăng lại với mong muốn “Câu chuyện chỉ là kỷ niệm riêng tư của một người thầy song cách nhìn, cách suy nghĩ của ông lại gợi mở cho chúng ta một vấn đề thuộc phạm trù tâm lý giáo dục có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp trồng người” - đúng như bạn nguyennuthang đã viết.

“Ông Tân trầm ngâm đứng nhìn tủ sách cũ. Thật khó khăn khi phải loại bỏ những quyển sách đã gắn bó với ông trong quãng đời dạy học. Đang phủi bụi cho một quyển sách dày, ông Tân thấy một tờ giấy tập gấp đôi từ bên trong rớt ra. Vừa thoáng nhìn, lòng ông bỗng chùng lại. Giấy đã ố vàng nhưng ông vẫn nhận ra đó là một bài làm văn cũ của học trò. Tuy ngày tháng ghi trên giấy đã rất lâu nhưng tên, điểm và lời phê vẫn rõ ràng.

Đây là bài làm của L.T, một học sinh năm xưa khi ông còn dạy tại trường T.N ở tỉnh Đồng Nai. “Bài văn điểm 0” năm nào ông tưởng đã thất lạc nay lại tìm ra. Ông gượng nhẹ cầm bài văn trong tay, lòng bồi hồi, xúc động. Những hình ảnh ngày xưa của lớp 11D2 tưởng đã chìm vào lãng quên giờ đây đang trở lại trong tâm trí ông như một cuốn phim quay chậm.

Sáu năm sau ngày đất nước được giải phóng, ông Tân tiếp tục sự nghiệp dạy học tại  Đồng Nai cho đến khi được thuyên chuyển về TPHCM. Trường trung học T.N (thuộc tỉnh Đồng Nai) là nhiệm sở lâu nhất trong suốt cuộc đời dạy học. Năm học đáng nhớ nhất với ông Tân là năm ông được nhà trường phân công dạy Văn khối lớp 11 và kiêm thêm vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 11D2.

Đa phần học sinh trong lớp xuất thân từ các gia đình lao động nghèo nên các em tương đối ngoan, dễ dạy. Việc hướng dẫn lớp của ông Tân nhờ thế khá thuận lợi, suôn sẻ. Cả học kỳ I, không có em nào bị gọi lên phòng giám thị hay bị phê bình kiểm điểm dưới cờ. Nhưng cuối học kỳ II , lớp đã xẩy ra một sự cố khiến ông không thể nào quên được.

Khi cho học sinh làm bài viết số 5, ông Tân đã ra một đề có tính khái quát để kiểm tra kiến thức cũng như kỹ năng làm bài của học sinh trước khi thi học kỳ 2. Đề bài tương đối ngắn gọn: “Hãy phát biểu cảm tưởng về một trong những tác phẩm văn học nước ngoài mà em đã học”.

Ông Tân chấm bài của lớp 11D2 sau cùng. Gần hết xấp bài, ông thấy hầu hết học sinh làm bài tốt. Có vài em viết dài trên 5-6 trang. Nhưng chấm tới bài của L.T, ông hơi bị bất ngờ vì cậu học trò này viết chỉ vẻn vẹn có mấy dòng: “Trong những tác phẩm văn học nước ngoài đã học, tuy có những tác phẩm nổi tiếng như “Hăm-lét” của Sếc-pia, “Những người khốn khổ” của Vich-to Huy-gô, “A.Q chính truyện” của Lỗ Tấn v.v… Nhưng em nhận thấy những tác phẩm nước ngoài không làm em chú ý và ưa thích vì nó hoàn toàn xa lạ với em. Nếu em có hiểu những tác phẩm  này thì sự suy nghĩ và tưởng tượng của em cũng khác hẳn vì nó phụ thuộc theo hình thức mỗi nước. Mong thầy thông cảm vì em đã có những cảm tưởng không giống thầy. Nhưng mỗi người có một tư tưởng khác nhau, thưa thầy”.

Từ khi bước vào nghề dạy học, ông Tân chưa hề gặp học sinh nào làm bài kiểu này. Viết dài, viết ngắn hay bỏ giấy trắng cũng chẳng có gì lạ với ông. Nhưng bài của L.T khiến ông không thể chấp nhận được. “Đứa học trò viết như thế này thì không phải do vô tình mà nó chủ động trong từng con chữ”. Ông Tân  đánh giá như thế khi trao đổi với một vài đồng nghiệp khi họ nghe chuyện tìm gặp hỏi thăm. “Lẽ nào nó không biết bài văn này hệ số 2 , có ảnh hưởng rất lớn đến điểm học kỳ II và điểm tổng kết cuối năm?”

Ông Tân nghĩ không thể nhẹ tay với thứ học trò ngỗ ngược này được. Thông thường, một bài viết kém hoặc lạc đề, ông cho từ 1 đến 2 điểm. Trừ phi những bài để giấy trắng chẳng viết chữ nào thì ông mới cho điểm 0. Đằng này… Không đắn đo nữa, ông Tân lấy bút đỏ cho một điểm 0 đậm nét với cái gạch dưới thật dài.Và trong khung lời phê, ông chỉ viết một dấu hỏi và hai dầu chấm than đậm nét.

Hôm trả bài, L.T không có mặt trong lớp. Lớp trưởng cho ông Tân hay L.T vắng mặt từ sáng sớm. Bữa đó, ông Tân vẫn lên lớp như thường lệ. Lúc cuối tiết, thay vì lấy bài làm cao điểm nhất cho một học sinh đọc, ông đã chọn bài của L.T. Cả lớp nghe xong cùng “Ồ” lên sửng sốt. Đợi cho trong lớp không còn vang lên những tiếng xầm xì nữa, ông mới chậm rãi đứng lên đưa mắt nhìn cả lớp nói: “Lát hết giờ, các em sẽ nhận bài từ lớp trưởng, còn bài này, thầy sẽ trao đổi với ban giám hiệu trước khi quyết định có trả lại cho L.T hay không. Về giọng điệu bài văn, theo thầy, viết như thế là không được. Có những từ đọc lên nghe không thông lại còn hàm ý thiếu tôn trọng thầy, thách đố người chấm”. Cả lớp im phăng phắc không ai có ý kiến gì .

Hai tiết văn cuối tuần, ông Tân  không thấy L.T có mặt trong lớp và cả tuần sau đó cũng thế. Ông cho gửi giấy báo về gia đình nhưng không nhận được hồi âm. Vài hôm sau nữa, văn phòng nhà trường cho ông hay là L.T đã xin nghỉ học để đăng ký theo học khóa đào tạo chiến sĩ công an ở trên  tỉnh.

Năm học sau, ông Tân được thuyên chuyển về TPHCM. Hôm chia tay với học trò, ông nghe một em nói L.T đã tốt nghiệp trung học bổ túc văn hóa và đang theo học khóa đào tạo sĩ quan công an. Từ ngày đó, ông không có tin tức nào về L.T nữa.

Nhìn lại ngày tháng trên tờ giấy, ông Tân xót xa, bùi ngùi. Thấm thoắt đã gần ba mươi năm trôi qua. Nếu chấm lại, có thể ông sẽ cho điểm bài văn khác. Bao lâu rồi sau ngày về hưu, ông vẫn tự hỏi lòng mình có mức độ trách nhiệm đến đâu khi một học trò sớm giã từ lớp học để vào đời sau khi bị một bài văn điểm 0? Ông cảm thấy có phần trách nhiệm không nhỏ trước bước ngoặt cuộc đời của học sinh này. Nếu như ngày đó tấm lòng ông bao dung hơn thì đã không đánh giá bài văn nghiêm khắc, giáo điều đến thế. Điểm số chắc phải khác và hẳn đã không gây ra cú sốc mạnh cho em”.

M.M
(Lược trích theo Edu.net.vn)