Tuyển sinh 2018: Thí sinh cân nhắc kỹ việc ghi thứ tự ưu tiên thay đổi nguyện vọng

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT cho rằng: "Trong những ngày tới đây khi thay đổi nguyện vọng các em nên suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi gửi thứ tự nguyện vọng lên hệ thống. Nếu đã gửi rồi thì không thay đổi được nữa và hệ thống sẽ tôn trọng thứ tự nguyện vọng các em đã sắp xếp”.

Đó là một trong những nội dung được giải đáp trong Ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2018 do Báo Tuổi trẻ, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH và trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức sáng nay 15/7 tại Hà Nội.

Thành viên Ban tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ là những chuyên gia có uy tín của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các thầy cô đến từ các trường ĐH-CĐ khu vực phía Bắc...
Thành viên Ban tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ là những chuyên gia có uy tín của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các thầy cô đến từ các trường ĐH-CĐ khu vực phía Bắc...

Điểm đầu vào thấp, không đồng nghĩa chất lượng thí sinh thấp hơn năm ngoái

"Theo em được biết, với mặt bằng điểm năm nay, một số trường sẽ "vơ bèo, vạt tép", các thầy đã có chiến lược thế nào để ổn định chất lượng đầu vào của sinh viên?", một thí sinh băn khoăn.

Trả lời vấn đề này, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT cho biết, để đảm bảo yêu cầu đào tạo chất lượng cao, hiện nay nhà nước đã có nhiều chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư tài năng ở các trường để đáp ứng nhu cầu học tập chương trình chất lượng cao (với một mức học phí vượt lên trên mức đại trà) để đáp ứng yêu cầu của các em.

Theo bà Phụng, phân khúc của chất lượng đào tạo ở hệ thống giáo dục đại học hiện nay đang ngày càng rõ và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học. Bên cạnh đó, chúng ta còn có các trường giảng dạy các chương trình quốc tế. Đó là nói chung về chất lượng giáo dục đại học.

“Cũng vì có sự phân khúc ngày càng rõ nét, cho nên cũng có một số trường yếu thế về sự cạnh tranh trong toàn hệ thống. Trong toàn hệ thống đang chú ý đến chất lượng thì cũng có một số trường gặp khó khăn. Vì vậy, nếu theo dõi các phương tiện truyền thông một vài ngày gần đây các em đã thấy có những thông tin đã phản ánh rằng, năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự quy định ngưỡng điểm chất lượng đầu vào. Đó là tiến trình đảm bảo sự tự chủ cho các trường đại học.

Chính sự tự chủ đó cũng là để phân khúc chất lượng đào tạo trong hệ thống để các em học sinh có thông tin tốt hơn, chứ không phải tất cả mọi trường đều theo ngưỡng mà Bộ GD&ĐT đưa ra.

Như vậy, các em đã có thông tin những trường nào chất lượng đào tạo cao, chú trọng đến chất lượng đầu vào - chất lượng quá trình - chất lượng đầu ra; những trường nào gặp khó khăn trong duy trì chất lượng phải hạ thấp chất lượng đầu vào mới mong có nguồn tuyển sinh”.


Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT giải đáp băn khoăn của thí sinh.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT giải đáp băn khoăn của thí sinh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định: “Bộ Giáo dục cũng đã thông tin rất rõ cho xã hội, thí sinh để các em lựa chọn. Đối với một số trường đưa ra ngưỡng chất lượng đầu vào quá thấp thì chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo của nhà trường và lãnh đạo của các nhà trường đã thay đổi chính sách chất lượng của mình.

Cho đến ngày 18/7 là ngày cuối cùng các trường công bố ngưỡng đầu vào, nếu có trường vẫn đưa ra với mức quá thấp thì Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra, thanh tra điều kiện đảm bảo chất lượng của trường đó, nếu như không đủ theo đúng quy định Bộ có thể giảm chỉ tiêu, dừng tuyển sinh để đảm bảo chất lượng của hệ thống giáo dục nói chung. Đó là chính sách chất lượng nói chung với toàn hệ thống”.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Không phải năm nay điểm đầu vào thấp hơn năm ngoái mà chất lượng giáo dục đại học hay chất lượng của thí sinh năm nay thấp hơn. Bởi vì đề thi năm nay có tính phân loại cao hơn và điểm ưu tiên khu vực ảnh hưởng đến khoảng 83% thí sinh hưởng điểm này đã giảm 1/2.

Do vậy điểm đầu vào của các trường chắc chắn thấp hơn năm ngoái. Điều đó chỉ phản ánh tương quan điểm thi với một đề thi cụ thể mà không phải là chất lượng nói chung. Những nội dung này các em phải phân biệt rõ giữa chất lượng đầu vào của một vài trường ở tốp thấp trong hệ thống với mặt bằng điểm nói chung để có nhận định phù hợp”.

Xếp ưu tiên nguyện vọng thế nào?

Băn khoăn về xếp ưu tiên nguyện vọng được nhiều thí sinh đặt câu hỏi tại ngày hội tư vấn. Theo ThS. Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT, quy chế năm nay không thay đổi so với năm 2017. "Việc xét tuyển với tất cả các nguyện vọng đều bình đẳng như nhau. Các trường sẽ xét tuyển theo điểm số từ trên xuống không phân biệt là nguyện vọng nào. Chỉ có những thí sinh ở cuối danh sách tương ứng với số chỉ tiêu tuyển sinh, nếu thí sinh bằng điểm nhau thì các trường sẽ vận dụng tiêu chí phụ để chọn thí sinh trúng tuyển", thầy Hùng cho biết.

Cũng chung băn khoăn về nguyện vọng, một thí sinh đặt câu hỏi: “Em đăng ký xét tuyển theo nguyện vọng ưu tiên như sau: NV1- ĐH Y Hà Nội, NV2 – ĐH Y Thái Nguyên và NV3 – ĐH Y Hải Phòng. Giả sử em đỗ Y Thái Nguyên mà muốn đăng ký chuyển sang Y Hải Phòng có điểm thấp hơn thì có được không?”

Đến thời điểm hiện tại, không ít thí sinh vẫn chưa nắm rõ quy chế xếp nguyện vọng.
Đến thời điểm hiện tại, không ít thí sinh vẫn chưa nắm rõ quy chế xếp nguyện vọng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT trả lời: “Về mặt kỹ thuật thì hệ thống xét tuyển không cho phép điều này. Các em đã được quyền đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và các em được quyền xếp nguyện vọng của mình theo thứ tự ưu tiên thì hệ thống sẽ phải tôn trọng thứ tự ưu tiên của các em – không xét lộn xộn giữa thứ tự ưu tiên thấp hơn với thứ tự ưu tiên cao hơn. Bởi hệ thống phần mềm này áp dụng cho tất cả các em tham gia vào hệ thống.

Riêng đối với em nào đỗ NV2 nhưng lại muốn đi học NV3 có nghĩa rằng, thứ tự nguyện vọng ưu tiên của các em chưa chính xác với nhu cầu ưu tiên của chính mình. Do đó, trong những ngày tới đây khi thay đổi nguyện vọng các em nên suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi gửi thứ tự nguyện vọng lên hệ thống. Nếu đã gửi rồi thì không thay đổi được nữa và hệ thống sẽ tôn trọng thứ tự nguyện vọng các em đã sắp xếp”.

Một phụ huynh đặt câu hỏi về xếp ưu tiên nguyện vọng cho con.
Một phụ huynh đặt câu hỏi về xếp ưu tiên nguyện vọng cho con.

Đăng kí nguyện vọng ra sao để có cơ hội đỗ cao?

Đó là câu hỏi của một thí sinh gửi đến Ban tư vấn tuyển sinh. Trả lời băn khoăn trên, ThS Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng. Song thí sinh cần để thứ tự các nguyện vọng theo cách xếp các ngành yêu thích lên trước. Việc xét tuyển sẽ tự động xét từ trên xuống dưới theo thứ tự nguyện vọng. Nếu trúng tuyển ở nguyện vọng nào thì thí sinh sẽ phải dừng ở nguyện vọng đó, không có quyền xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.

Các thí sinh được tư vấn giải đáp thắc mắc 1-1 với các chuyên gia giáo dục.
Các thí sinh được tư vấn giải đáp thắc mắc 1-1 với các chuyên gia giáo dục.

TS. Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính tư vấn cho bạn trẻ trên như sau: "Hoặc là các bạn chọn trường và đăng kí nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường. Hoặc các bạn chọn ngành yêu thích, phù hợp và đăng kí nguyện vọng vào ngành đó của nhiều trường khác nhau".

Nhằm hỗ trợ thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2018, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT); Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức Ngày hội tư vấn xét tuyển 2018 vào ngày 15/7 tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Thành viên Ban tư vấn của Ngày hội là những chuyên gia có uy tín của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các thầy cô đến từ các trường Đại học, Cao đẳng khu vực phía Bắc... Với sự tư vấn của các chuyên gia giáo dục, thí sinh có thêm thông tin quan trọng để cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng phù hợp nhất cho hành trang tương lai của mình. Theo thông tin từ BTC, có trên 200 trường ĐH, CĐ và các cơ sở giáo dục tham gia Ngày hội.

Lệ Thu