Điểm sàn khối A, D: 13; khối B, C: 14

(Dân trí) - Sáng nay, Hội đồng xác định điểm sàn tuyển sinh ĐH gồm 30 thành viên đã họp bàn và quyết định mức điểm sàn của các khối A, D là 13 điểm; khối B, C là 14 điểm. Với mức điểm này, hơn 600 nghìn thí sinh đã chính thức trượt ĐH.

Thống kê điểm của Trung tâm tin học, Bộ GD-DT cho thấy, trong kết quả dự thi của  444.785 thí sinh dự thi khối A có gần 157.000 thí sinh có mức điểm từ 13 trở lên và sẽ có 80.000 thí sinh đỗ theo NV1.

 

Các trường sẽ còn 19.000 chỉ tiêu cho các NV 2, 3 đối với những thí sinh còn lại. Tỷ lệ chọi của các nguyện vọng này sẽ là 1/4,03. Với mức điểm sàn của khối A là 13, đã có hơn 300.000 thí sinh không có cơ hội xét tuyển.

 

Đối với khối B, số thí sinh từ 14 điểm trở lên khoảng 37.000 thí sinh và 16.000 thí sinh trong số này sẽ đỗ theo NV 1. NV2, 3 của khối này sẽ là 4.500 chỉ tiêu. Tỷ lệ chọi của  nguyện vọng của khối này là 1/5,21. Đã có hơn 100.000 thí sinh không có cơ hội xét tuyển với mức điểm sàn là 14.

 

Đối với khối C, số thí sinh có số điểm từ 14 trở lên là 25.717 thí sinh, dưới sàn khối C có 143.827 thí sinh không được xét tuyển. Sẽ có 14.000 thí sinh trên sàn của khối C trên sàn sẽ đỗ theo NV1. NV2, 3 khối C 3.500 chỉ tiêu. Tỷ lệ chọi của NV 2, 3 là 1/6,48.

 

Đối với khối D, từ 13 điểm trở lên có 52.500 thí sinh trên sàn nhưng chỉ có gần 20.000 thí sinh trúng tuyển theo NV1. Chỉ tiêu NV 2, 3 của khối này là 4.500 chỉ tiêu. Tỷ lệ chọi của NV 2, 3 là 1/7,25. Dưới sàn khối D là 93.000 thí sinh không được xét tuyển.

 

Như vậy, với mức điểm sàn được xác định của kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, đã có khoảng 600.000 thí sinh đã không có cơ hội xét tuyển vào ĐH. 31.500 chỉ tiêu NV2, 3 là cơ hội đỗ ĐH cho các thí sinh trên mức điểm sàn nhưng lại trượt NV1.

 

Điểm sàn năm nay được xác định trên kết quả của 898.166 thí sinh dự thi. Theo Vụ trưởng ĐH và sau ĐH Trần Thị Hà, việc định điểm sàn phải căn cứ vào chỉ tiêu của từng vùng miền và phổ điểm của từng khu vực. Ngoài ra, cũng tính đến những thí sinh ở vùng lân cận có khả năng dịch chuyển đến khu vực đó để đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3.

 

Nói rõ hơn về điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết: “Việc xác định điểm sàn xét tuyển nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh vào ĐH. Những thí sinh nào có điểm thi ba môn trên điểm sàn xét tuyển thì mới được dự tuyển. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội thuận lợi cho những thí sinh có tổng điểm ba môn quá thấp chủ động tìm các cơ hội học tập và tìm việc làm khác.

 

Mặt khác, mức điểm này cũng làm quy mô thí sinh đươc tham gia xét tuyển sẽ ít hơn, làm cho công tác tuyển sinh thuận lợi hơn. Quy định điểm sàn sẽ bảo đảm chắc chắn tất cả thí sinh có điểm từ điểm sàn trở lên được xét tuyển vào đại học”.

 

Cũng theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, điểm sàn được xác định trên cơ sở thống kê điểm thi trên toàn quốc cho các khối A, B, C, D và điểm này hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả bài làm của thí sinh. Hội đồng định điểm sàn bao gồm Ban chỉ đạo tuyển sinh, các trường, đại diện các Sở Giáo dục, ban Khoa giáo, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Quốc hội…

 

Ngày 12/8 hàng năm, Bộ GD-ĐT họp để xác định mức điểm sàn cho các kỳ thi tuyển sinh ĐH.

 

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố mức điểm sàn, các trường sẽ lên phương án tuyển NV 2 cho thí sinh. 

Minh Hạnh

Dòng sự kiện: Chấm thi ĐH 2006