Điểm thưởng học sinh giỏi: Giám đốc Sở nói gì?

Những năm gần đây, năm nào, Bộ GD-ĐT cũng đưa vấn đề "nên bỏ điểm thưởng học sinh giỏi" trong tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng rốt cuộc vẫn phải để đó với lý do nhiều địa phương không muốn bỏ. Vậy các Sở GD-ĐT nói gì?

Nên bỏ...

 

Trong nhiều cuộc họp từ Sở đến Bộ, GĐ Sở GD - ĐT Ninh Bình Ngô Thành Hưng luôn bảo lưu ý kiến nên bỏ chế độ cộng điểm thưởng. Cả 2 thời điểm quy định cộng điểm thưởng cho HS hiện nay đều không cần thiết: cộng điểm cho học sinh giỏi (HSG) lớp 9 vào lớp 10 và vào ĐH. Mức điểm thưởng đối với bằng giỏi là 2 điểm áp dụng hiện nay là quá cao.

 

Ông Hưng cho rằng, đối với HSG thì đương nhiên sẽ vào được ĐH. Cho nên, duy trì chế độ cộng điểm thưởng sẽ tạo kẽ hở cho một số thầy cô ở một số trường làm sai lệch kết quả thực học của HS để cố gắng làm đẹp thành tích để được thưởng. Đôi khi, từ những vấn đề gian dối chính giáo viên đã không định hướng được sức học cho HS khiến HS cũng lầm tưởng. 

 

Ông dẫn dụ: ở địa phương, đã có trường hợp HS THCS tốt nghiệp loại giỏi, nhưng thi vào lớp 10 có môn chỉ đạt 0 điểm.

 

GĐ Sở GD - ĐT Thanh Hóa Lê Xuân Đồng phân tích:  Cách đây chục năm, quy định cộng điểm thưởng còn ý nghĩa tạo động lực cho HS phấn đấu, vì bấy giờ, tình hình xã hội không nhiều biến động, việc phân định kết quả HS được khách quan hơn. Đến nay thì "giá trị" của việc cộng thưởng đã bị méo mó, dẫn đến việc đánh giá không khách quan.

 

Theo ông Đồng, bỏ cộng điểm thưởng thì tất cả HS đều từ xuất phát điểm như nhau, không còn hiện tượng gửi gắm, chạy điểm...Có thể cộng thưởng cho HS bằng cách khác: nếu đậu ĐH với điểm cao sẽ được xét cấp học bổng. Nên học hết cấp nào thì kiến thức đánh giá lực học cấp đó, chứ không nên làm cơ sở cộng thưởng vào ĐH. Mức thưởng 2 điểm quá "hời", dễ dẫn đến chuyện "thưởng nhầm".

 

Ông Mạc Kim Tôn, GĐ Sở GD - ĐT Thái Bình nêu 2 lý do cần thiết phải bỏ quy định cộng điểm thưởng: Lý do đầu cũng giống quan điểm của nhiều người là, người giỏi thực sự không cần cộng thưởng cũng vào được ĐH; Thứ hai là, chuyện "cho điểm" hiện nay nó liên quan đến rất nhiều giáo viên, rất nhiều địa phương...không quản được. Thực tế, rất nhiều HS không xứng đáng giỏi cũng được xếp loại giỏi cho thấy việc tổ chức thi cử không nghiêm. Cho nên, bỏ quy định cộng điểm thưởng sẽ loại bỏ được tiêu cực trong thi cử hiện nay.

 

Phó Vụ trưởng Vụ ĐH & Sau ĐH (Bộ GD - ĐT) Ngô Kim Khôi: Một trong những thay đổi của Quy chế tuyển sinh năm tới có thể sẽ bỏ chế độ cộng điểm thưởng.

Vấn đề này đã được đưa ra lấy ý kiến nhiều lần, nhưng chưa tìm được sự đồng thuận của đa số. Đặc biệt là các sở GD - ĐT.  Tới đây, vấn đề này sẽ tiếp tục đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị giao ban GĐ Sở cả nước, tổ chức ngày 17/10.

Có thưởng sẽ hạn chế học lệch?

 

Thận trọng hơn, nhiều nhà quản lý giáo dục lại cho rằng, giữ lại chủ trương thưởng điểm vẫn có vai trò tích cực; nhưng phải xem xét các giải pháp đồng bộ kiểm soát, đánh giá việc xếp loại cho đúng.

 

Theo Nhà giáo Nhân dân Lê Đức Quý, GĐ Sở GD - ĐT Hà Tĩnh, điểm thưởng nhằm khuyến khích HS phấn đấu học toàn diện. Tuy nhiên, khi triển khai ở một số nơi tổ chức thi và chấm thi chưa nghiêm đã biến chủ trương thành "mầm mống" cho những tiêu cực phát sinh.

 

Nếu khâu tổ chức thi được nghiêm túc; đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh những nơi có tiêu cực chạy theo thành tích thì nên duy trì chế độ cộng điểm thưởng cho đối tượng HSG. Bởi, làm tốt chính sách này sẽ hạn chế học lệch của HS và tạo động lực tốt cho các em phấn đấu.

 

Còn với Hiệu trưởng trường ĐHDL Thăng Long Phan Huy Phú: Mỗi mùa tuyển sinh, số HS được cộng điểm thưởng đỗ vào trường không đáng kể mà số ưu tiên khu vực và đối tượng nhiều hơn. Tuy nhiên, trường không quan trọng đầu vào mà đánh giá chất lượng đầu ra. Còn việc cộng điểm thưởng cũng có cái có lợi là tạo động lực cho HS học toàn diện đúng với mong muốn đặt ra, hạn chế học lệch thi khối A chỉ học Toán, Lý, Hóa.

 

GĐ Sở GD - ĐT Hải Phòng Trần Xuân Đình băn khoăn: quy định thưởng phạt trong giáo dục là rất cần thiết. Nhưng thưởng cho đúng thì  tổ chức thi phải nghiêm túc. Muốn làm được,  tất cả các kỳ thi, từ coi thi đến chấm thi phải có mặt bằng chung để đánh giá. Biện pháp đánh giá tốt nhất là nên tổ chức thi trắc nghiệm khách quan, khâu chấm thi chấm bằng máy...là khách quan nhất.

 

Theo ông, đối với những HSG đạt giải quốc gia và quốc tế được thưởng là đương nhiên và nên cho tuyển thẳng vào ĐH. Còn việc xếp loại văn hóa giỏi cho HS hiện nay thì cần phải xem xét lại.

 

Theo Kiều Oanh

Vietnamnet