Điểm trúng tuyển ĐH 2005 cao hơn năm trước?

Sau 2 đợt thi ĐH, nhiều trường ĐH, Học viện đều đã triển khai công việc chấm thi. Bước đầu, kết quả chấm thi ở các trường cho thấy số bài thi có điểm cao tương đối nhiều, có những bài đạt điểm tuyệt đối.

Trường ĐH Dân lập Thăng Long (Hà Nội) là đơn vị tổ chức chấm thi sớm nhất – bắt đầu từ ngày 11/7. Cho đến nay đây cũng là trường duy nhất đã công bố điểm thi của tất cả các môn thi.

 

Ở phía Nam, trường ĐH Kinh tế TPHCM bắt đầu chấm thi từ ngày 12/7. Tuy nhiên, với số lượng thí sinh dự thi lớn (hơn 40.000 thí sinh), công tác chấm thi của trường này dự kiến kéo dài đến cuối tháng mới kết thúc. Để kịp tiến độ, trường đã huy động hơn 300 cán bộ chấm thi từ nhiều đơn vị khác nhau như: ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên, một số trường THPT.

 

Theo thông tin từ một số cán bộ tham gia công tác chấm thi, chất lượng bài làm của các thí sinh trên cả nước đồng đều hơn năm ngoái. Ông Trương Hồng Khánh – Phó Trưởng ban chấm thi ĐH Kinh tế TPHCM – nói: “Số bài thi có điểm cao tương đối nhiều, có không ít bài thi đạt điểm tuyệt đối. Do vậy, chắc chắn điểm chuẩn năm nay sẽ cao hơn năm trước”. ý kiến của cán bộ có trách nhiệm các trường khác như ĐH Nông lâm TP HCM, ĐHDL Lạc Hồng (Đồng Nai)... cũng tương tự.

 

Tình hình chấm thi tại các trường ĐH ở khu vực Hà Nội cũng chung xu hướng đó. Một cán bộ phụ trách tổ chấm môn Toán (Hội đồng chấm thi trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Hiện nay ngay tại khu vực chấm thi trong trường, chúng tôi đang triển khai chấm môn Toán khối B cho một số trường bạn.

 

Qua kết quả chấm vòng 1, chúng tôi đoán đó là của trường ĐH Y Hà Nội. Sở dĩ đoán như vậy vì điểm các bài thi rất “đẹp”, chấm rất thích. Thí sinh làm bài tốt, làm đến đâu đúng đến đấy”. Vị giám khảo này cho biết, trong 4 ngày qua, loạt bài của đơn vị đó đã có hàng trăm bài thi được điểm 10 ở vòng chấm đầu tiên (Theo quy định, các bài thi đều phải qua 2 vòng chấm độc lập rồi mới khớp điểm để có kết quả chấm cuối cùng). Rất tiếc, cũng trong loạt bài đó vẫn có điểm 0 (ước chừng khoảng trên dưới 10 bài thi). Loạt bài này hiện đang được bắt đầu chấm vòng 2.

 

Theo nguồn tin riêng, chấm tại trường ĐH Sư phạm hiện nay (môn Toán) ngoài bài thi của thí sinh trường ĐH Y Hà Nội còn có bài thi của các trường ĐH Y Hải Phòng và từ 18/7 có bài thi của trường ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội. Ngoài ra, tổ chấm môn Toán trường ĐH Sư phạm HN cũng đã cử người đến chấm thi ngay tại các trường ĐH Kinh tế quốc dân (từ 15/7), ĐH Thương mại (từ 16/7).

 

Tuy nhiên, điểm thi của thí sinh 2 trường khối A này không bội thu điểm 10 như loạt bài đã chấm ngay tại trường ĐH Sư phạm. Ví dụ, tại ĐH Thương mại, cho đến hết ngày 18/7 mới chỉ có rất ít bài thi được điểm 10. Các bài thi chủ yếu đạt điểm trung bình (điểm 4, điểm 5, điểm 6). Tình hình ở ĐH Kinh tế quốc dân khá hơn, điểm 10 xuất hiện nhiều hơn (ở khoảng hàng chục bài thi), điểm trung bình khá (6, 7, 8) xuất hiện với tần suất cao hơn.

 

Môn Vật lý không có kết quả lạc quan bằng môn Toán. Tuy nhiên, theo nhận xét của các cán bộ chấm thi thì tình hình làm bài thi năm nay của môn Vật lý khá hơn năm ngoái. Hiện tổ chấm môn Vật lý Hội đồng chấm thi ĐH Sư phạm HN đang chấm cho các trường ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐHDL Phương Đông (đều ở Hà Nội).

 

Từ 18/7 có thêm ĐH Hùng Vương - Phú Thọ. Việc chấm thi cũng mới đang chủ yếu thực hiện ở vòng 1. Từ chiều 18/7 bắt đầu triển khai chấm vòng 2 (ở những bài đã chấm xong vòng 1). Kết quả vòng 1 cho thấy, hầu như chưa có bài thi nào đạt điểm 10. Điểm 9 có xuất hiện nhưng không nhiều. Số lượng bài thi ở ĐH Thương mại có điểm 7 (vòng 1) trở lên không nhiều.

 

Cũng tương tự như môn Toán, kết quả bài làm của thí sinh trường ĐH Kinh tế quốc dân “nhỉnh” hơn ĐH Thương mại: số lượng bài có điểm 7, điểm 8 nhiều hơn. Nhưng điểm 0 lại khá ít gặp, cho dù ở bài thi của thí sinh trường nào. Một GV trường ĐH Sư phạm HN tham gia chấm thi môn Vật lý ở ĐH Thương mại cho biết: “Với đề thi năm nay, hầu như thí sinh nào cũng đều ít nhất được 1/ 4 điểm”.

 

Ngược lại, cũng với đề thi này, điểm 10 gần như sẽ khó gặp. TS Nguyễn Mạnh Thảo – Tổ trưởng tổ chấm môn Vật Lý, (ĐH Sư phạm HN) – nói: “Phần 1 câu 3 (câu hỏi về lý thuyết) hầu như không có thí sinh nào trả lời chính xác. Vì thế, có những thí sinh làm bài rất tốt – làm được phần 2 câu 5, câu khó nhất đề thi – nhưng lại không làm được phần 1 câu 3 nên không được điểm tối đa”.

 

Theo thoả thuận giữa trường ĐH Sư phạm HN với các trường trên, khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 việc chấm thi sẽ được hoàn thành. Theo kế hoạch, sắp tới trường ĐH Sư phạm HN sẽ tiếp tục chấm cho một số trường khác như Học viện Hành chính quốc gia, ĐH Công đoàn... Còn việc chấm thi của chính trường này thì sẽ bắt đầu triển khai từ 20/7.

 

Bộ GD- ĐT “cương quyết không điều chỉnh” đáp án môn Hóa

 

Ngày 15/7/2005, Bộ môn Hóa của Hội đồng chấm thi ĐH Tây Nguyên đã có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT về việc điều chỉnh đáp án môn Hóa khối A kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005. Có 3 nội dung trong đề nghị đó:

 

1. Nếu thí sinh viết ra Fe2O3 vẫn cho điểm (vì đốt cháy hoàn toàn).

 

2. Bài toán có thể giải theo cách khác không cần theo định luật bảo toàn khối lượng mà đúng kết quả vẫn cho điểm tối đa (lập hệ 2 phương trình 3 ẩn rồi rút ra tổng số mol H2SO4 bằng phương pháp nhóm).

 

3.Thí sinh chứng minh được bài toán có kết quả âm vẫn cho điểm tối đa.

 

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) thì Bộ đã có công văn trả lời cho trường này. Cụ thể như sau:

 

Đối với câu hỏi: Việc viết phản ứng tạo ra FeO hay Fe2O3 có được điểm không, trả lời chính thức của Bộ là: Đốt sắt trong không khí thu được Oxit sắt từ (Fe3O4); tính chất này đã được viết trong sách giáo khoa Hoá học lớp 12, trang 136 dòng thứ 5 từ trên xuống:

 

Các phản ứng tạo ra các oxit sắt khác chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt (và cũng không được dẫn ra trong sách giáo khoa lớp 12). Do đó, nếu thí sinh viết phương trình phản ứng của sắt tác dụng với ôxy tạo ra các oxit sắt khác (Fe2O3, hay FeO) thì không được tính điểm.

 

Đối với hai câu hỏi còn lại: Cách giải theo đáp án chỉ là một trường hợp cơ bản nhất, nếu thí sinh có cách giải khác với đáp án nhưng  có lập luận chặt chẽ, khoa học thì vẫn được tính điểm tối đa. Điều này áp dụng cho tất cả các môn không riêng môn hoá.

Quy trình chấm hai vòng độc lập ở hai phòng chấm thi khác nhau (theo quy chế) sẽ đảm bảo được mức độ chuẩn xác trong việc cho điểm của giám khảo, đặc biệt là trong những trường hợp thí sinh có cách giải khác với đáp án.

 

 

Theo Quý Hiên - Lý Thành Tâm

Tiền Phong