Điểm ưu tiên: Nên nghiên cứu lại...

Sau những “lình xình” quanh “đề án tăng học phí”, dư luận lại đang hướng sự chú ý vào một “điểm nóng” mới: Diện được cộng điểm ưu tiên khi thi vào đại học.

Theo thông tin trên một số tờ báo, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2005 (Luật sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2006) đã căn cứ vào cụm từ “Vùng kinh tế đặc biệt khó khăn” trong Luật để không đưa nhiều vùng trước nay vẫn được cộng điểm ưu tiên vào diện ưu tiên.

 

Theo quy chế hiện hành, diện được cộng điểm ưu tiên gồm các thí sinh thuộc KVI (miền núi, vùng cao);  KVII (các thị xã  và các TP không thuộc TW, các huyện ngoại thành của các TP trực thuộc TW); KV III - nông thôn. Được biết, số thí sinh ở các khu vực này chiếm tới gần 85% số thí sinh trúng tuyển năm 2004.

 

Dựa trên thực tiễn điều kiện tiếp cận GD của các khu vực có khác nhau, đầu tư cho GD giữa các vùng miền cũng khác nhau dẫn đến kết quả học tập giữa các vùng miền không đồng nhất. Vụ Đại học- Sau Đại học (ĐH-SĐH), Bộ GD-ĐT đã đề xuất chế độ ưu tiên nên được giữ như quy định hiện hành, nghĩa là ưu tiên nên được phổ rộng như cũ.

 

Tuy nhiên, về khu vực được cộng điểm ưu tiên, ý kiến của ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT đăng trên báo điện tử VietNamNet là: “Nghị định chỉ quy định vùng đặc biệt khó khăn chứ không có khó khăn” đã khiến dư luận không khỏi lo ngại.

 

Những người làm tuyển sinh thì hiểu rằng theo tinh thần này thì diện ưu tiên sẽ bị co hẹp lại.

 

Nếu dự thảo Nghị định như trên được thông qua thì sẽ có khoảng 60% thí sinh thuộc các khu vực ưu tiên :KVI, KVII, KVIII - nông thôn có thể trúng tuyển vào ĐH, CĐ hàng năm sẽ không được cộng điểm ưu tiên nữa.

 

Và như thế, nhiều người trong số thí sinh này có thể sẽ mất đi cơ hội học ĐH, CĐ. Hệ quả là các vùng này sẽ phát triển chậm hơn nữa vì thiếu cán bộ có trình độ.

 

Điều may mắn hơn là Nghị định chưa được chính thức ban hành nghĩa là điều khoản trên vẫn còn có thể được nghiên cứu, sửa chữa tạo cho con em các vùng khó khăn thêm cơ hội được học tập ở các bậc ĐH, CĐ như những vùng phát triển của đất nước.

 

Với tinh thần ấy, có lẽ Bộ GD - ĐT nên nghiên cứu lại, giống như trường hợp đề án tăng học phí gần đây.

 

 

Theo Tiền Phong