“Điên… do loạn chữ”

“Sống trong toán, chết vùi trong lý. Những trái tim thấy hóa kinh hoàng. Đêm mơ văn nhỏ lệ hai hàng. Ngày sử, địa chập chờn ám ảnh”. Câu nói vui của học trò đã không còn là chuyện nhỏ khi số thanh thiếu niên mắc bệnh rối loạn, căng thẳng thần kinh gia tăng trong mùa thi.

Sĩ tử tại... bệnh viện

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, trong ba năm trở lại đây, số bệnh nhân nhập viện ở độ tuổi 16 -18 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 là 5-10 ca/ngày.

Các kiểu “điên… do loạn chữ” của các bệnh nhân về cơ bản là giống nhau. Em thì lảm nhảm những câu thơ, lẫn lộn công thức lý hóa. Có em lúc nào cũng nghĩ có người đang theo dõi mình học, có em thì cầm bất cứ cái gì cũng cho là sách.

Theo các bác sĩ tại Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, dấu hiệu để người nhà nhận ra các em bị mắc bệnh là: mất ngủ, cáu gắt, dễ gây gổ. Ngồi vào bàn học, phòng thi sẽ có triệu chứng đau đầu, bụng đau thắt, ra nhiều mồ hôi, hoa mắt. Học thì khó nhớ, mau quên, thậm chí khó khăn trong việc hiểu tiếng Việt. Nặng hơn nữa là các em có ý nghĩ tự tử, khóc cười vô cớ, quậy phá…

Lý giải về điều này, PGS-TS Tâm lý học (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), Nguyễn Hồi Loan cho biết, đây là một “căn bệnh” của ý thức hệ tư tưởng phong kiến Việt Nam. Với 80% dân số làm nông nghiệp, ý thức tiểu nông muốn thoát nghèo nên cha mẹ, dòng họ luôn tìm mọi cách để con em mình có học vấn. Một nguyên nhân nữa là do quan niệm xã hội chưa được tuyên truyền rộng rãi nên các em chỉ thấy một con đường lập nghiệp duy nhất là vào đại học.

Với khoảng 1,2-1,5 triệu thí sinh dự thi đại học (cả hai đợt) hàng năm, trong khi chỉ tiêu vào các trường đại học, cao đẳng chỉ khoảng 400.000/năm, như vậy sẽ có đến 2/3 số thí sinh không đạt được nguyện vọng của mình. Do đó, sau mùa thi, tâm lý căng thẳng trước khi thi của thí sinh sẽ được thay bằng tâm lý chán nản khi biết tin trượt.

Nên tạo tâm lý thoải mái

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Hồi Loan cho rằng, các bậc cha mẹ nên tạo một tâm lý thật thoải mái cho con cái trong việc trượt, đỗ, phải chuẩn bị tinh thần đón nhận trong trường hợp các em có kết quả xấu nhất. Bởi có nhiều cách làm giàu tri thức khác nhau, không học đại học các em học nghề, nếu vẫn muốn học đại học vẫn có các hệ tại chức, đào tạo từ xa.

Bác sĩ N.T.H (trung tâm Nghiên cứu tâm lý ứng dụng, thuộc Viện Tâm lý học) chia sẻ, các bậc cha mẹ hãy thấu hiểu với con cái để giảm bớt gánh nặng tâm lý thi cử. Chú ý tới dinh dưỡng cho các em hơn, quan tâm một cách dịu dàng và tạo không khí vui vẻ trong gia đình. Về phía các em học sinh, phải xác định học vấn, sức khỏe và kinh tế của gia đình để mạnh dạn đề đạt mong muốn của mình với cha mẹ.

Các em học sinh nông thôn vẫn nên tham gia các lao động của gia đình bình thường, có thể với liều lượng bớt đi. Các em học sinh thành phố nên ít nhất có những lao động tự phục vụ mình: giặt giũ, dọn dẹp, thể thao nhẹ nhàng… Bởi đó là khoảng thời gian cho não nghỉ ngơi và tạo hưng phấn cho lần học tiếp theo.

Lời khuyên của PGS-TS Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan về cách học để không stress:

 

- Học cách tư duy, luyện trí nhớ hàng ngày

 

- Nói không với bệnh lười, ngủ ngày

 

- Học cách đặt câu hỏi

 

- Đánh dấu từ khoá, định nghĩa, ghi chú

 

- Lập biểu đồ, hình vẽ hay dàn ý

 

- Viết tóm tắt những mục quan trọng lại trên một tờ giấy khác.

 

- Học nhóm

 

- Thư giãn: hít một hơi sâu, vươn vai, duỗi bàn tay và chân khoảng 5 giây, sau đó thả lỏng

 

- Nên xem lại kiến thức trong những ngày sát kỳ thi

Theo Sài Gòn Tiếp Thị