Điều gì cần nhất với một tân sinh viên?

(Dân trí) - Lần đầu tiên đặt chân đến ngưỡng cửa giảng đường, điều mà một tân sinh viên cần nhất phải chẳng là một chỗ trọ giá rẻ, một mức học phí “dễ thở” nhất hay một môi trường học tập thực sự phù hợp với mình? Có lẽ, tất cả những điều đó đều rất quan trọng nhưng chưa phải là điều cần nhất.

Vậy điều gì là cần gì nhất đối với tân sinh viên? Dân trí đã có cuộc trao đối khá thú vị về vấn đề này với PGS.TS Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng trường ĐH Y tế công cộng: 

“Lính mới” dưới góc nhìn của những “vị tướng”  thường có hình ảnh như thế nào, thưa ông? 

Chúng ta lại bắt đầu một ngày khai giảng năm học mới. Để có mặt hôm nay tại các giảng đường ĐH, các bạn tân sinh viên đã vừa trải qua nhiều tháng ngày học tập vất vả, các bạn đã trải qua nhiều kỳ thi cam go và mang đậm dầu ấn của sự cạnh tranh không khoan nhượng, các bạn đã khắc phục những khó khăn của riêng mình để chiến thắng. Chúng ta đều thống nhất rằng những sinh viên của chúng ta thực sự là những người chiến thắng cho tới giờ phút này. 

Như vậy, đặt chân được đến ngưỡng của ĐH là một chiến thắng rất đỗi tự hào và liệu điều này có khiến cho các chàng lính mới của ta sẽ tự “ru ngủ” trong chiến thắng, thưa ông? 

Các bạn tân sinh viên vừa kết thúc những phần kiến thức cơ bản được trang bị ở bậc học phổ thông, phần kiến thức cơ bản đó của các bạn chưa đủ để bản thân các bạn thể hiện điều gì cả và vì vậy, xã hội cũng chưa thể chấp nhận các bạn. Nếu muốn tiếp tục là những người chiến thắng ở những chặng tiếp theo, mà những chặng tiếp theo này thực chất lại quan trọng hơn nhiều, thì các bạn phải bắt đầu một quá trình học tập mới, quá trình học nghề đề phục vụ những yêu cầu cụ thể của cuộc sống.  

Quá trình này tiếp tục quá trình trước ở việc nó cho phép các bạn tiếp nhận những thông tin logic một cách khá linh động, nhưng quá trình này khác quá trình trước ở mức độ tập trung vào các kiến thức chuyên ngành.

Quá trình học nghề đó tập trung trong 4 năm học ở bậc đại học, với những kiến thức được thiết kế sao cho sau khi kết thúc 4 năm học đó thì các bạn có thể thực hành nghề nghiệp ở mức độ cơ bản. Trong 4 năm đó, các bạn thông qua các tương tác với thầy, với bạn để định hình cho mình một nhân cách nghề nghiệp.

Có thể nói, 4 năm học đó là 4 năm hình thành những hành vi nghề nghiệp cơ bản để một cá thể đủ tự tin để bước vào phục vụ một nhu cầu xã hội cụ thể.  

4 năm học ĐH thế nào thì được coi là một chiến thắng đối với một sinh viên, thưa ông? 

Kết quả của 4 năm học đó sẽ là thành công nếu sinh viên đó được xã hội chấp nhận và được coi là không thành công nếu sinh viên đó không được xã hội chập nhận. Chẳng hạn như trong tổng số 100% sinh viên tốt nghiệp khoá một của ĐH Y tế công cộng đã có tới trên 90% được tiếp nhận tại các cơ quan đơn vị khác nhau sau 45 ngày nhận bằng tốt nghiệp thì đó chính là thành công của sinh viên ĐH Y tế công cộng.  

Những sinh viên nào đã đáp ứng những nhu cầu tuyển chọn để được tiếp nhận sớm như vậy? Những sinh viên được chấp nhận sớm nhất, vào những vị trí được coi là tốt nhất chính là những sinh viên đã có định hướng mục tiêu học tập rất rõ ngày từ đầu và có được một kết hoạch dài hơi cho việc thực hiện những kế hoạch đó.  

Môi trường ĐH phải chăng cũng là một môi trường rất khắc nghiệt nên không phải tất cả sinh viên nào cũng có thể chiến thắng? 

Môi trường đại học khác với các môi trường khác là ở chỗ nó được thiết kế để cho sinh viên phát huy cao độ tính chủ động của mình trong quá trình học. Môi trường này không có các bài mẫu, các cách suy luận mẫu. Môi trường này khuyến khích sự sáng tạo trong học tập, sự năng động trong học tập bằng cách cung cấp những nền tảng cơ bản thông qua các bài giảng, những tài liệu, thông tin cơ bản, thông qua việc hướng dẫn sinh viên cập nhật các nguồn thông tin khác nhau trên mạng (cả tiếng Anh và tiếng Việt). 

Cách học tập theo kiểu đó, giống như mô phỏng thực tế, sẽ giúp cho những ai thích hợp với nó thì tồn tại và phát triển, thậm chí phát triển vượt bậc, và ngược lại những ai không thích hợp với nó thì tối đa chỉ tồn tại được ở mức trung bình và ngày càng khó khăn trong việc nắm bắt những cơ hội phát triển. 

Và trong môi trường này không có chỗ đứng cho sự may mắn? 

Quyết tâm và nghị lực của chính sinh viên sẽ trở thành một lực hút mạnh nhất tới tất cả các cơ hội tốt nhất, chứ không phải như ai đó nói cơ hội sẽ chỉ tới với những người may mắn.  

4 năm học không phải là thời gian quá dài, nhưng cũng không phải là ngắn. Bốn năm đó đủ để tích lũy và xây dựng một kho dữ liệu kiến thức cho riêng mình đối với những người biết phương pháp làm việc và biết tranh thủ sự hỗ trợ của những người có kinh nghiệm. Cơ hội sẽ tìm đến với những người như vậy sau khi 4 năm kết thúc.  

Xin cảm ơn ông!

Mai Minh
(Thực hiện)