Điều gì mà Bộ GD-ĐT mong muốn tăng thêm 1 năm học THCS?

(Dân trí) - “Với lý do học thêm 1 năm để phân luồng sớm ta cần phải làm thật rõ, liệu học sinh và cha mẹ học sinh có chịu học xong THCS không thi vào cấp 3 - THPT?" - đó là ý kiến của nhiều giáo viên khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo tăng thời gian học THCS lên 5 năm.

Theo dự thảo Tờ trình về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến, vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông, với 2 phương án có những ưu điểm và hạn chế riêng. Cụ thể:

Phương án 1: Giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học (5 năm học giáo dục tiểu học và 5 năm học giáo dục trung học cơ sở), giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) được thực hiện trong 2 năm học.

Ưu điểm: So với phương án 9 năm học, thời gian thực hiện giáo dục cơ bản thêm 1 năm nên có điều kiện tốt hơn trong việc trang bị kiến thức phổ thông nền tảng; Độ tuổi 16 phù hợp hơn so với độ tuổi 15 trong phân luồng sau giáo dục cơ bản; Giáo dục trung học phổ thông trong 2 năm học so với 3 năm học sẽ thuận tiện định hướng nghề nghiệp hơn, đáp ứng được nhu cầu tăng thêm số phòng học/ lớp để phục vụ dạy học tự chọn; Giáo dục trung học cơ sở trong 5 năm học (thêm 1 năm học) sẽ tận dụng cơ sở vật chất đồng thời tăng thêm số lớp, số giáo viên của nhà trường, thuận tiện sinh hoạt chuyên môn; Thực trạng giáo dục phổ thông hiện hành cho phép thực hiện.

Hạn chế: Nếu thực hiện theo phương án này đòi hỏi phải điều chỉnh quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 (về thời gian của mỗi cấp học giáo dục phổ thông) và phải cơ cấu lại các yếu tố trong hệ thống giáo dục hiện hành.

Phương án 2: Giáo dục cơ bản được thực hiện trong 9 năm học (5 năm học giáo dục tiểu học và 4 năm học giáo dục trung học cơ sở), giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) được thực hiện trong 3 năm học.

Ưu điểm của phương án này là đảm bảo quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 và đảm bảo sự ổn định của hệ thống giáo dục hiện hành.

Hạn chế của phương án này là thời lượng 9 năm học dành cho trang bị kiến thức phổ thông nền tảng, đặc biệt là giáo dục hướng nghiệp ở trung học cơ sở còn ít so với yêu cầu mới; Giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm học ở trung học phổ thông là nhiều.

Đáng chú ý, trong dự thảo mới nhất của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (tháng 8/2014), tại phụ lục Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phần Kế hoạch giáo dục được xây dựng theo phương án 1 - giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học.

Nếu dự thảo được Quốc hội thông qua, học sinh chỉ học cấp 3 có 2 năm!

Nếu dự thảo được Quốc hội thông qua, học sinh chỉ học cấp 3 có 2 năm!

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho biết: “Việc điều chỉnh hệ thống giáo dục phổ thông nhằm thực hiện có chất lượng định hướng phân luồng là hướng đi đúng, phù hợp với quy luật chung, song câu hỏi đặt ra là cần bao nhiêu năm để dừng chương trình giáo dục cơ bản, giáo dục định hướng nghề nghiệp cần thực hiện trong bao lâu? Về vấn đề này, thế giới đã áp dụng nhiều phương án, nhưng phương án nào là phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam?

Cô Lê Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng: “Việc thay đổi số năm học sẽ kéo theo nhiều xáo trộn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… và chi phí lớn trong khi hiệu quả chưa rõ, cần có sự nghiên cứu kỹ về cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn”.

Cùng quan điểm, nhà giáo Phan Đăng Hùng, Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn: “Chương trình và sách giáo khoa cho lớp 10 này khác với lớp 10 bậc THPT. Số lượng giáo viên các loại cần và đủ cho số lớp 10 tăng lên, giáo viên lớp 10 này lấy ở đâu Cao đẳng Sư phạm hay Đại học Sư phạm? Tổng kinh phí phục vụ cho sự đổi mới này, thời gian vào cuộc... Vì sự thay đổi này phải được Quốc hội thông qua và bổ sung sửa đổi Luật giáo dục đã ban hành năm 2009, nên sự đồng thuận phải rất cao.

Với lý do học thêm 1 năm để phân luồng sớm ta cần phải làm thật rõ, liệu học sinh và cha mẹ học sinh có chịu học xong THCS không thi vào cấp 3 - THPT? Có bao nhiêu em có thể ra đời? Theo truyền thống ở Việt Nam ta, hầu hết các gia đình bất kể giàu nghèo, sang hèn con học xong THCS đều hướng cho con học lên cấp 3 - THPT - và phải thi vào đại học. Hiện nay các trường THPT công lập và Tư thục đã thu hút hầu như tất cả học sinh học xong THCS vào THPT nhất là ở thành phố. Bên cạnh trường THPT chưa có loại hình trường dạy nghề, TCCN,TC nghề hấp dẫn để thu hút các em. Vậy thì điều mà Bộ GD-ĐT mong muốn thêm 1 năm cho bậc THCS để ra đời có phải là điều dân muốn không? Rồi đại bộ phận các em lại học lên cấp 3, sau 2 năm các em cũng đều 18 tuổi ra đời.

Với lý do đó, nhà giáo Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta không nên “Tự làm khổ ta, khổ Quốc hội “ đưa ra Đổi mới này. Cứ để học sinh THCS học 4 năm như cũ. Ta chỉ nên cân nhắc tính toán bậc THPT nên để 2 hay 3 năm. Nếu là để phân luồng theo yêu cầu mới thì bậc THPT chỉ nên để 2 năm là vừa. Vì để phân luồng học sinh không cần phải học quá nhiều môn học như hiện nay, và để hướng nghiệp thì chỉ nên cho học sinh học những điều mà CÁI NGHIỆP đó cần và tăng cường thực hành, gắn với cuộc sống... Ta phải mở thêm các loại hình trường phổ thông hướng nghiệp, loại trường này thường chỉ cần thời gian 2 năm mà thôi. Ta cần thực tế một chút: Học sinh học xong THCS không thể bắt các em không được thi vào THPT. Nếu là mục tiêu chuẩn bị cho Đại học - Cao đẳng thì các nước họ cũng chỉ cần có 1 năm dự bị Đại học mà thôi”.

Lý do cũng thuyết phục vì số năm 3 cấp vẫn là 12 năm, mà có thể làm tốt nhiệm vụ phân luồng cho học sinh sau khi học xong bậc THCS. Thời gian để thực hiện chưa rõ sẽ thi hành từ năm nào, nhưng để có 1 sự đồng thuận cao chắc chắn Bộ GD-ĐT còn phải tính toán nhiều.

Hồng Hạnh