Đình chỉ học nữ sinh mang tài liệu photo: ĐH Luật TPHCM đang họp xem xét lại mức kỷ luật

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM cho biết Hội đồng kỷ luật nhà trường đang họp để xem xét lại hình thức kỷ luật đối với nữ sinh viên mang tài liệu photo vào trường.

Theo bà Quỳ, hiện nay đương sự (nữ sinh viên N.A. - PV) chưa có ý kiến gì và cũng chưa xuất hiện nên hiện nay Hội đồng kỷ luật đang mời em này lên để làm việc theo đúng luật. Sau khi sự việc xảy ra, trường đã liên lạc rất nhiều lần với nữ sinh này nhưng cả gia đình và bản thân sinh viên này đều tắt máy điện thoại. Nhà trường đang cử người xuống tận nhà để mời sinh viên này lên họp.

Hội đồng kỷ luật của trường ĐH Luật TPHCM đang họp xem xét lại hình thức kỷ luật đối với sinh viên mang tài liệu photo vào trường
Hội đồng kỷ luật của trường ĐH Luật TPHCM đang họp xem xét lại hình thức kỷ luật đối với sinh viên mang tài liệu photo vào trường

"Trường Luật chúng tôi phản ứng tích cực với dư luận trái chiều vừa qua. Tôi cũng khẳng định việc sinh viên này vi phạm luật sở hữu trí tuệ là có nên hôm nay hội đồng kỷ luật không xem xét lại chuyện có sai phạm hay không. Hội đồng đang xem xét lại thái độ của sinh viên này, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trường cũng sẽ đưa ý kiến nếu thật sự tích cực sẽ quyết định lại. Trường chúng tôi luôn chú ý những góp ý của dư luận nhưng không vì thế mà chạy theo dư luận để giải quyết”, bà Quỳ nói.

Trước đó vào chiều qua (14/2), trường ĐH Luật đã có văn bản chính thức phản hồi thông tin việc đình chỉ học tập 1 năm đối với sinh viên N.T.N.A. lớp Dân sự 40A1 với hành vi tàng trữ và đưa vào trường trái phép 8 tài liệu photo vi phạm quyền tác giả và quy định của Nhà trường. Nhà trường khẳng định việc ra quyết định kỷ luật sinh viên nêu trên dựa theo các văn bản: Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009; Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hành vi sao chép tác phẩm và chuyển giao trái phép tác phẩm cho người khác của sinh viên N.A là hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Cụ thể hành vi trên đã xâm phạm quyền sao chép tác phẩm, quyền truyền đạt tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả là Trường ĐH Luật TPHCM được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Hành vi vi phạm này được quy định tại khoản 6, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Trường hợp photo giáo trình của sinh viên này không thỏa mãn các điều kiện được quy định trong điểm a khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Nữ sinh viên này đang học năm thứ hai và đã photo 8 cuốn sách của 8 đầu giáo trình khác nhau, nghĩa là sinh viên này không chỉ vi phạm một lần mà là 8 lần trong 8 môn học khác nhau. Không những thế, sinh viên này còn lôi kéo các sinh viên khác vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, chuyển giao lại các tác phẩm vi phạm bản quyền cho sinh viên năm thứ nhất. Dù bạn sinh viên năm thứ nhất đã từ chối nhận vì biết là vi phạm Nội quy của Nhà trường, nữ sinh viên này vẫn khuyến khích và thuyết phục để bạn sinh viên năm thứ nhất nhận giáo trình photo.

Phía nhà trường cho rằng nội quy trường học được Hiệu trưởng ký ban hành trên cơ sở các quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 20 Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng và Điều 22 Quy chế Công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về trách nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học.

Hơn nữa, với tư cách là một trong hai cơ sở đào tạo pháp luật lớn nhất của cả nước, hàng năm Nhà trường cung cấp cho xã hội hàng nghìn cử nhân luật – là những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, cho nên việc xây dựng nội quy của phải đáp ứng mục tiêu định hướng phong cách, đạo đức, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật cho sinh viên.

Văn bản của trường nêu: “Có ý kiến cho rằng đây là một hình thức kỷ luật quá “nghiêm khắc”. Chúng tôi cho rằng đối với sinh viên này, nếu việc vi phạm chỉ mang tính hiện tượng, vi phạm lần đầu và duy nhất thì đây có thể xem là một hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Cần khẳng định rằng, việc sinh viên không có ý thức tôn trọng quyền tác giả, sao chép và phân phối tài liệu học tập của Nhà trường sẽ dẫn đến tình trạng các cơ sở photocopy vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ thông qua hành vi in ấn và phát hành trái phép các tài liệu đó.

Vì vậy, nhà trường kiên quyết xử lý để ngăn chặn nhằm cảnh báo, tăng tính hiệu quả giáo dục, giúp sinh viên nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là đối với sinh viên ngành luật – những người trong tương lai có thể trở thành những người bảo vệ, thực thi công lý”.

Lê Phương