Đỗ nguyện vọng 2: Không đơn giản!

(Dân trí) – Từ ngày 20/8, các trường ĐH,CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Với số lượng hơn 238.000 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên không trúng tuyển NV1 nên thí sinh tham gia xét tuyển NV2 phải hết sức cẩn trọng, để đỗ vào trường mình đăng ký sẽ không đơn giản.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2272/Diem-chuan-diem-thi-DHCD-2013.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Điểm chuẩn, điểm thi ĐH-CĐ 2013</b></a>

Hàng nghìn thí sinh điểm cao trượt NV1

Do năm nay điểm thi cao nên số lượng thí sinh đạt 9 điểm/môn trượt đại học rất nhiều. Điển hình nhất là trường ĐH Y Hà Nội, số lượng thí sinh dự thi là hơn 11.000 thí sinh, trong khi đó chỉ tiêu của trường chỉ có hơn 1.000. Điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa được trường ấn định là 27,5 điểm. Do trường lấy điểm chuẩn theo ngành nên nhiều thí sinh thi vào trường đạt 27 điểm cũng không được chuyển sang ngành khác, đành chấp nhận xét tuyển xét tuyển sang trường khá.

Học viện Cảnh sát Nhân dân điểm chuẩn năm nay cũng cao đột biến. Điểm chuẩn khối A đối với nữ lên tới 27,5 điểm, nam 26,5 điểm. Khối C mức điểm từ 22,5 đến 26 điểm. Khối D1, mức điểm chuẩn từ 19,5 đến 25,0 điểm. Học viện An ninh, mức điểm chuẩn khối A từ 24,5 đến 27 điểm. Tương tự, nhiều trường khác của khối trường công an mức điểm chuẩn cũng từ trên 20 điểm trở lên. Không chỉ khối các trường Công an mà khối các trường quân đội điểm chuẩn năm nay cũng cao không kém.
 
Thí sinh kết thúc môn Lý tại điểm thi trường ĐH Việt Bắc. (Ảnh: Thanh Luân)
Thí sinh dự thi đại học năm 2013. (Ảnh: Thanh Luân)

Khối ngành kinh tế các trường tốp trên như ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính… mức điểm chuẩn của nhiều ngành cũng từ trên 20 điểm trở lên.

Hàng nghìn thí sinh trượt ở các trường ĐH trên sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học khác. Do vậy, với những thí sinh có mức điểm bằng sàn hoặc trên sàn rất khó có khả năng đỗ bởi các trường ĐH,CĐ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đều hoàn toàn muốn chọn thí sinh giỏi và mức điểm xét từ cao xuống thấp.

Cụ thể, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dành gần 1.000 chỉ tiêu để xét tuyển NV2. Mức điểm xét tuyển mà Học viện đưa ra không thấp, khu vực phía Bắc mức điểm nhận hồ sơ từ 18 điểm đến 19,5 điểm, khu vực phía Nam từ 16 điểm trở lên. ĐH Khoa học xã hội nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội xét tuyển ở nhiều ngành học, mức điểm từ 18 trở lên và chỉ tiêu cũng rất ít. Cụ thể, 21 chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho ngành Chính trị học; 7 nguyện vọng 2 ngành Hán Nôm; 34 chỉ tiêu ngành Nhân học; 38 chỉ tiêu Thông tin học; 48 chỉ tiêu Triết học.

Trường ĐH Giáo dục chỉ tuyển 15 chỉ tiêu bổ sung cho ngành sư phạm Lịch sử (lấy điểm 18). Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) tuyển 50 nguyện vọng 2 ngành Kinh tế; 41 chỉ tiêu ngành Tài chính ngân hàng; 29 chỉ tiêu ngành Kinh tế phát triển, nhưng mức điểm nhận hồ sơ là 21 đến 21,5 tùy khối thi. Học viện Ngân hàng Hà Nội chỉ xét tuyển bổ sung 30 chỉ tiêu vào ngành Ngôn ngữ Anh dành cho thí sinh dự thi khối D1, mức điểm xét tuyển từ 23 điểm trở lên. ĐH Điện lực mức điểm chuẩn xét tuyển NV2 năm nay từ 18,5 điểm trở lên, ĐH Xây dựng, mức điểm xét tuyển cũng từ 18 điểm trở lên…

Cân nhắc chọn ngành!

Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm nay dành tới gần 900 chỉ tiêu để xét tuyển NV2, mức điểm xét tuyển từ 15,5 đến 16,5 ở nhiều ngành.

Nhận định về mức điểm chuẩn xét tuyển NV2 năm nay, trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Chỉnh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết: “Theo kinh nghiệm của năm trước, điểm chuẩn xét tuyển NV2 bao giờ cũng tăng hơn so với mức điểm nhận hồ sơ. Ví dụ, năm 2012, khối B mức điểm chuẩn NV1 là 14,5 nhưng mức điểm chuẩn NV2 từ 14,5 - 21,5 điểm tùy từng ngành; khối A, điểm chuẩn NV1 là 13, mức điểm chuẩn NV2 từ 13 - 20 điểm tùy từng ngành; khối D1, mức điểm chuẩn NV1 là 13,5, mức điểm chuẩn NV2 từ 13,5 - 19 điểm tùy từng ngành. Do vậy, thí sinh hết sức cân nhắc để nộp hồ sơ xét tuyển NV2”.

Cũng theo ông Chỉnh, mọi năm thí sinh được nộp giấy chứng nhận điểm thi bằng bản phôtô nên trường thường gọi nguyện vọng 2 gấp đôi thí sinh để tránh “ảo”. Năm nay, thay đổi là thí sinh có 3 giấy chứng nhận điểm thi bằng dấu đỏ để nộp xét tuyển nên trường cũng sẽ tính toán cẩn thận hơn trong việc gọi thí sinh.

Chia sẻ với thí sinh trong việc xét tuyển NV2, ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Điện lực cho biết: “Tham gia xét tuyển NV2, thí sinh hết sức cân nhắc lựa chọn ngành nghề vì thí sinh tham gia xét tuyển nguyện vọng này đều có nguyện vọng học ngành mình yêu thích nên có ngành điểm chuẩn tăng cao so với mức điểm nhận hồ sơ tới 4 - 5 điểm, có ngành chỉ tăng khoảng 1 - 2 điểm hoặc bằng. Ví dụ, các thí sinh hàng năm xét tuyển vào trường ĐH Điện lực thường là các em từ khối các trường kỹ thuật như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH dựng Hà Nội chuyển sang nên điểm chuẩn nhiều ngành tăng".

Thí sinh lưu ý, nguyên tắc xét tuyển nguyện vọng 2 là lấy từ điểm cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu, không liên quan đến thời gian nộp hồ sơ sớm hay muộn. Chính vì vậy, việc tìm hiểu kỹ thông tin về trường, lượng hồ sơ nguyện vọng 2 thí sinh nộp cho trường (được công khai), chỉ tiêu, hạn cuối nộp hồ sơ, điểm trúng tuyển nguyện 2 hàng ngày của trường... là rất cần thiết để thí sinh có lựa chọn đúng đắn. Đã có không ít thí sinh điểm khá cao nhưng trượt cơ hội 2 vào ĐH một cách đáng tiếc vì lựa chọn vội vàng.

Hồng Hạnh