Bạn đọc viết:

Đọc sách - cây cầu kết nối trẻ với môn Tập làm văn

(Dân trí) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ không thích môn Tập làm văn ở bậc tiểu học và sau này là môn Ngữ văn ở bậc phổ thông. Theo tôi, một trong số các nguyên nhân đó, là việc trẻ ít đọc sách do không được rèn thói quen đọc sách từ nhỏ.

Đúng là không phải cha mẹ nào cũng có thể dạy con học, không phải thầy cô giáo nào cũng biết cách truyền cảm hứng yêu thích văn học đến cho trẻ và không phải đứa trẻ nào cũng có điều kiện được quan sát thực tế, nhất là khi môi trường sống đang ngày càng đô thị hóa như hiện nay. Nhưng có một cách vô cùng đơn giản và chắc chắn để con học giỏi văn mà ai cũng có thể làm được là hãy cho con đọc sách, đọc hàng ngày, đọc hàng tuần như một thú vui, một sự giải trí, một thói quen không thể thiếu.

Đọc sách nhất là những tác phẩm văn học sẽ giúp ích rất lớn trong quá trình học văn của trẻ. Chưa nói đến những tri thức mà sách mang lại, chỉ riêng về mặt từ ngữ thôi, ta đã có thể tin cậy gần như hoàn toàn vào sự trau chuốt, tỉ mỉ, chính xác mà các tác giả đã công phu “chưng cất” lại từ thực tế cuộc sống. Mỗi cuốn sách là cả một kho từ vựng vô cùng phong phú. Ta biết rằng để biểu đạt một nội dung nào đó, trước hết phải có vốn từ. Từ ngữ trong khi viết văn chính là nguyên liệu, là con thuyền chuyên chở những ý tưởng. Một đứa trẻ vốn từ nghèo nàn thì đương nhiên sẽ gặp khó khăn khi làm văn dẫn đến không thích, ghét bỏ môn văn. Đọc nhiều sách chắc chắn sẽ giúp vốn từ của trẻ được cải thiện. Thường xuyên tiếp xúc với những câu văn hay, trẻ sẽ dần biết cách đặt câu, dùng từ...

Tác dụng của việc đọc sách có thể không nhìn thấy ngay mà nó ngấm dần từ từ theo năm tháng. Bạn cứ cho con đọc và yên tâm rằng một ngày nào đó khi lượng đủ thì chất sẽ đổi. Lấy ví dụ từ chính bản thân tôi, việc đọc sách từ nhỏ đã giúp tôi phần lớn trong quá trình học văn. Lúc đầu, khi cách viết còn non nớt thì bắt chước lại những từ, những câu mình thích, sau đó mới có sự sáng tạo riêng trong từng văn cảnh, dần dần từng bước sẽ đến lúc viết được một cách dễ dàng, tự nhiên như dòng chảy có sẵn trong mình. Tin tưởng vào cách học này nên tôi cũng áp dụng lại cho con.

Để trẻ ham đọc sách thì có rất nhiều cách, nhưng theo tôi, cách quan trọng nhất vẫn là cha hoặc mẹ phải làm gương về tình yêu sách. Chỉ cần các bậc phụ huynh bớt thời gian trong ngày để đọc một vài trang sách. Mọi người thường viện cớ không có thời gian nhưng thực tế tôi nhìn thấy bao nhiêu khoảng trống mà bạn có thể tận dụng được như lúc đứng đợi đón con, khi nấu cơm, trước giờ đi ngủ, ở bến tàu, bến xe.., mỗi ngày khoảng 30 phút thôi là đủ.

Để trẻ ham đọc sách, cha mẹ nên bồi đắp tình yêu sách cho con ngay từ nhỏ. Thực ra trẻ đã được tiếp xúc với từ ngữ trong sách từ rất sớm, thông qua những khúc hát ru à ơi của mẹ, những bài đồng dao có vần có điệu, sau đó là những câu chuyện ngộ nghĩnh, đáng yêu về các loài vật, rồi đến thế giới cổ tích thần kì về các nàng tiên, công chúa, hoàng tử. Thế nhưng khi lớn lên, phần lớn những đứa trẻ ấy đều bị “triệt tiêu” tình yêu sách bởi các phương tiện truyền thông nghe nhìn, các trò chơi game trong máy tính, điện thoại. Xem phim hoạt hình hay đọc truyện tranh nhiều không phải là xấu nhưng vô hình trung làm nghèo đi lượng từ vốn đã ít ỏi của trẻ vì ở đó các từ ngữ thường bị cắt giảm tối đa, lời lẽ thông tục, ít chọn lọc. Vậy trách nhiệm của cha mẹ là phải gạt bỏ bớt những “vật cản” này và khơi gợi lại tình yêu thích sách trong mỗi đứa trẻ. Tôi biết có nhiều người mẹ khi con được điểm tốt hay có thành tích đáng khen thay vì thưởng những món quà mang tính vật chất thì thường mua sách để tặng cho con. Việc ấy thật hay!

Kể cả những người không có điều kiện kinh tế để dành riêng cho sách một ngân quỹ vẫn có thể có sách cho con đọc. Giống như tôi, dù rất thích sách nhưng hiếm khi tôi có tiền mua sách cho con, cách mà tôi làm rất đơn giản là đi mượn, thấy ai có sách hay thì hỏi mượn ngay. Học tập mẹ, con tôi khi đến lớp cũng rất chịu khó mượn sách của các bạn, mặc dù hơi nhát nhưng thấy sách là cháu mạnh dạn hẳn lên...

Tôi tha thiết mong các bậc phụ huynh hãy quan tâm đầu tư thích đáng vào việc đọc sách cho con, trước khi mong con học tốt môn tập làm văn. Một môn học không chỉ theo con suốt những năm tháng đến trường mà còn có tính hữu dụng cao trong đời sống hàng ngày.

Dư Phương Liên

(Hà Đông, Hà Nội)

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!