Đổi mới bậc đại học: Liệu có đủ dũng cảm?

(Dân trí) - Lâu nay nhiều trường, nhiều cuộc hội thảo vẫn mạnh miệng hô hào "Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục" nhưng có đổi mới phương pháp được không và hiệu quả đến đâu là câu hỏi mà lời giải là nỗi buồn, nỗi trăn trở của nhiều thế hệ tâm huyết với nghề, với tương lai của đất nước.

Có giáo viên dạy 1.000 tiết/năm

 

Thực tế ở các trường phổ thông cũng tiến hành đổi mới phương pháp dạy học nhưng chỉ đổi mới những tiết "hội giảng” mà "hội giảng" mỗi năm chỉ có một lần, còn lại là giảng dạy theo phương pháp truyền thống: "thầy đọc trò chép".

 

Từ bậc tiểu học cho đến đại học chất lượng dạy và học đều "có vấn đề". Ở bậc tiểu học thì "lạm phát học sinh giỏi", bậc phổ thông thì quá nhiều học sinh "ngồi nhầm lớp", còn đại học thì sinh viên ra trường thiếu kỹ năng làm việc (?!)...

 

Thực trạng đó là do đâu? Có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể phủ nhận giáo viên và phương pháp dạy học đã góp phần đưa đến "thành tích" ấy. Có lẽ mọi người sẽ hiểu vì sao bậc tiểu học lại "lạm phát học sinh giỏi" khi biết chuyện: Một cô giáo đã tát và mắng học sinh ngu vì "tội" nói cho thầy thanh tra biết đề thi đã được cô giáo cho biết trước (?!).

 

Ở bậc phổ thông, học sinh luôn ao ước giờ học nào cũng là giờ "thao giảng" vì giờ đó cô dạy rất hay, rất nhiệt tình và rất dễ hiểu bài. Còn lại thì... khó hiểu và chỉ hiểu bài ở lớp học thêm (mà có phải tất cả học sinh đều có điều kiện để học thêm đâu?!). Còn ở bậc đại học nghe nói nhiều trường bình quân một cán bộ giảng dạy một năm "ôm"gần 520 tiết. Cá biệt có người mỗi năm dạy cả 1.000 tiết. Đó là chưa kể nhiều người còn "chạy sô" hợp đồng thỉnh giảng ở trường này trường nọ... thì thời gian đâu để nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức mới, trau dồi chuyên môn và tìm tòi đổi mới phương pháp?

 

"Thạc sĩ hóa"... giảng đường!

 

Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, đến năm 2010 chúng ta phải có 20.000 tiến sĩ (TS), thạc sĩ (Th.s). Thế là các trường sẽ chạy đua đào tạo TS, Th.s. Có thể nói,"thạc sĩ hoá" đã trở thành cao trào trong cả nước; không có thạc sĩ thì không phong "cấp, chức", không được đứng lớp dạy ĐH. Vậy là người ta theo học để lấy bằng. Sau 2 - 3 năm ai chẳng bảo vệ xong, "bảo vệ thành công" luận án và lấy bằng TS, Th.s!!! Nhiều sĩ tử suốt thời gian học có biết phòng thí nghiệm nằm ở đâu, thư viện chỗ nào! Thời gian đâu có để họ dành cho nghiên cứu, đào sâu...

 

Mặt khác, rất lạ là có nhiều thầy làm việc không đúng, thậm chí khác hẳn chuyên môn mình có; họ vẫn dạy, vẫn vui vẻ nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh hay học viên cao học. Thầy phản biện không đúng chuyên môn cũng phản biện, cũng cho điểm 9/10 hay 10/10, rồi vỗ tay, rồi liên hoan, rồi khen nhau... Đó là một sự thực, một lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Con số mà TS Vũ Minh Giang đưa ra trong một hội nghị khoa học còn đáng phải trăn trở hơn nữa: 60% luận án Th.s chỉ dùng làm tài liệu tham khảo, 30% luận án TS là vô bổ.

 

Với thực tế đó, giáo dục Việt Nam thật khó đào tạo được đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc đòi hỏi năng lực thật sự, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO.

 

Giải pháp căn cơ nhất là phải đổi mới ở bậc đại học, trước hết là khâu cán bộ, giảng viên. Một trường đại học của Trung Quốc đã cho thôi việc một lúc 45 giảng viên vì vẫn dùng "phương pháp đọc chép". Liệu chúng ta có đủ dũng cảm làm như vậy để có một đội ngũ giảng viên chất lượng, đủ năng lực và có phương pháp tốt để nâng cao chất lượng giáo dục?

 

Phạm Được