Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Bộ GD-ĐT lúng túng!

(Dân trí) - Phụ huynh, học sinh, giáo viên còn hoài nghi; đội ngũ giáo viên còn thiếu, thời lượng tiết học thì thấp hơn mức trung bình của thế giới; thiết bị dạy học cũng không có… Đó là những bất cập sau 1 năm thực hiện đổi mới chương trình - sách giáo khoa lớp 10 phân ban thí điểm.

Thông tin trên được Bộ GD-ĐT đưa ra tại Hội nghị “Sơ kết một năm thực hiện đổi mới giáo dục THPT của các tỉnh vùng núi phía Bắc” tổ chức sáng 22/6 tại Hà Nội.

 

Đổi mới chương trình phổ thông là giai đoạn cuối cùng để thực hiện đổi mới toàn bộ chương trình - sách giáo khoa từ cấp tiểu học đến cấp phổ thông. Tháng 8/2006, Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện phân ban giáo dục phổ thông. Đây là những bước quan trọng để Bộ hoàn thiện sách giáo khoa, tài liệu, thiết bị dạy học và bồi dưỡng giáo viên, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, đổi mới thi cử trong giáo dục phổ thông.

 

Sau 1 năm thực hiện thí điểm ở 89 trường THPT thuộc 21 tỉnh, thành trong cả nước, chương trình đã gặp nhiều vấn đề bất cập.

 

Ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ THPT Bộ GD-ĐT cho biết: Nhiều cán bộ giáo viên, phụ huynh, học sinh còn nhiều băn khoăn, hoài nghi về vấn đề đổi mới phổ thông vì những lần phân ban thí điểm trước đây chưa giải quyết thành công những vướng mắc phát sinh trong việc áp dụng phương án phân ban, công tác tổ chức phân ban và chỉ đạo thực hiện giáo dục.

 

Bên cạnh đó, các điều kiện đảm bảo về chất lượng giáo dục còn thiếu thốn và bất cập như đội ngũ giáo viên còn thiếu và chưa đồng bộ. Ở vùng khó khăn vẫn còn thiếu giáo viên ở các môn tự nhiên, đặc biệt là giáo viên Tin học và ngoại ngữ.

 

Về cơ sở vật chất, học sinh chủ yếu học 1 buổi/ngày với thời lượng 1.050 tiết/năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới, nên khó cho việc bố trí kế hoạch giáo dục. Các trường đều thiếu thiết bị dạy học, phòng thực hành, sân chơi bãi tập, đặc biệt là máy tính để học môn Tin học.

 

Ông Tần lý giải: Để thiết bị dạy học kịp với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đã chủ động việc ban hành danh mục tối thiểu, bộ mẫu thiếu bị, song do nhiều nguyên nhân nên cung ứng thiết bị cho các trường chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của chương trình nhất là các môn có nhiều thí nghiệm và thực hành.

 

Về công tác quản lý, chỉ đạo mặc dù đã rút kinh nghiệm trong các lần thực hiện thí điểm phân ban trước đây, song việc tổ chức thực hiện chỉ đạo đổi mới chương trình - sách giáo khoa THPT lần này Bộ GD-ĐT vẫn còn lúng túng.

 

Được biết, năm học 2006-2007, việc triển khai chương trình - sách giáo khoa lớp 10 THPT với quy mô khá rộng lớn gồm 2.352 trường (trong đó 1.725 trường công lập, 627 trường ngoài công lập) với 40.025 lớp và hơn 1 triệu học sinh lớp 10.

 

Cũng theo ông Tần, Bộ GD-ĐT đã thực hiện công tác tuyên truyền mạnh về chủ trương đổi mới chương trình - sách giáo khoa và phân ban THPT đến từng cha mẹ học sinh và nhân dân để tránh sự hoài nghi, băn khoăn về chủ trương này.

 

Tuy nhiên, để giải quyết những bất cập trên thì Bộ GD-ĐT cần khắc phục “sự lúng túng” tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thành đổi mới chương trình - sách giáo khoa lớp 11, 12 trong các năm học tiếp theo.

 

Hồng Hạnh