Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Hơn 34.000 tỷ được phân bổ như thế nào?

(Dân trí) - Trao đổi với PV <i>Dân trí </i>, ông Phạm Ngọc Phương - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ GD-ĐT cho biết: “Hơn 34.000 tỷ khái toán đưa ra gồm nhiều nội dung. Biên soạn chương trình, SGK chiếm một tỷ trọng nhỏ, khái toán chỉ khoảng hơn 100 tỷ đồng”.

Cũng theo ông Phương thì Bộ GD-ĐT đang dự kiến đưa ra phương án thực hiện lần lượt triển khai đại trà việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 theo cả ba cấp, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; đến năm học 2020-2021 (với cấp Trung học phổ thông); 2021-2022 (với cấp Trung học cơ sở) và 2022-2023 (với cấp Tiểu học) các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và SGK mới đến các lớp cuối của mỗi cấp học. Thời gian thực hiện kéo dài 7 năm. Con số 34.275 tỷ thực hiện kéo dài theo cả một chu kỳ dự kiến 7 năm chứ không chỉ đơn thuần là dành cho việc biên soạn chương trình, viết SGK, viết sách giáo viên.

Tiết lộ về khái toán kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho hay: Sẽ có 5 đầu mục lớn trong việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK. Ứng với mỗi đầu mục này thì Bộ GD-ĐT cũng đưa ra dự kiến kinh phí khái toán dựa trên định mức chi tài chính hiện hành theo quy định của Bộ Tài chính.

Cụ thể, đầu mục biên soạn chương trình, SGK, sách giáo viên khái toán khoảng 105 tỷ. Danh mục này sẽ thực hiện các nội dung triển khai chủ yếu như Xây dựng Chương trình tổng thể và Chương trình các môn học của lớp 12; Biên soạn SGK, sách giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12; Tổ chức thẩm định chương trình và SGK…

Đầu mục tổ chức dạy thử nghiệm chương trình, SGK mới khái toán khoảng 910 tỷ đồng. Việc tổ chức dạy thử nghiệm được lựa chọn triển khai ở 13 đại diện cho cả nước. Tổng số trường cả 3 cấp học tham gia là khoảng 600 (tiểu học dự kiến hơn 250 trường, THCS dự kiến hơn 250 trường và THPT dự kiến hơn 80 trường) với khoảng 340.000 học sinh. Như vậy chúng ta chọn mẫu thử khoảng 2% (tổng số các trường trong cả nước). Sẽ có khoảng 20.000 giáo viên tham gia dạy thí điểm.

Để thực hiện việc triển khai thí điểm thì chúng ta phải tập huấn, bồi dưỡng dạy thử nghiệm cho giáo viên và cán bộ quản lý. Bên cạnh đó phải cấp SGK thử nghiệm (cung cấp miễn phí) cho 34.000 học sinh và cấp sách giáo viên cho khoảng 20.000 giáo viên dạy học thử nghiệm…

Đầu mục triển khai dạy học đại trà theo chương trình, SGK mới khái toán khoảng hơn 8.000 tỷ. Khi thực hiện triển khai đại trà sẽ có khoảng 30.000 trường, 15 triệu học sinh tham gia. Bên cạnh đó phải tập huấn, bồi dưỡng dạy học đại trà theo chương trình và SGK mới cho giáo viên và cán bộ quản lý khoảng 900.000 người.

Đầu mục trang bị thiết bị dạy học khái toán khoảng hơn 20.000 tỷ. Các nội dung triển khai chủ yếu ở danh mục này là bổ sung, thay thế khoảng 50% thiết bị dạy học tối thiểu hiện này đã có; Trang bị mới thiết bị cho chương trình, SGK mới theo yêu cầu…

Đầu mục cuối cùng đó là ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục cả nước khái toán khoảng hơn 5.000 tỷ. Nội dung hoạt động chủ yếu là xây dựng kênh truyền thông giáo dục phục vụ đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông gắn với xây dựng xã hội học tập; Tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy, học (học liệu mở, mô phỏng thí nghiệm ảo…), kiểm tra đánh giá và thi.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT phân tích: Con số chiếm phần lớn kinh phí của đề án là trang thiết bị dạy học (hơn 20.000 tỷ) thì ngân sách được Bộ Tài chính rót trực tiếp xuống các địa phương để mua sắm. Ở đây cũng cần phải lưu ý, nếu không có đề án thì hạng mục này vẫn phải thực hiện hàng năm. Khi có Đề án thì ngân sách hàng năm phục vụ hạng mục này cũng sẽ được điều chỉnh.

Nguyễn Hùng