Đổi mới từ thầy

Nghề giáo có đặc thù riêng bởi là việc “trồng người”. Vì vậy, thầy cô phải là gương sáng để HS soi vào và noi theo. Mỗi hành vi, cử chỉ của thầy cô đều có ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách học trò.

Thầy cô luôn là tấm gương với học trò. (Ảnh: Hải Nguyễn)
Thầy cô luôn là tấm gương với học trò. (Ảnh: Hải Nguyễn)
 
Những năm gần đây, ngành giáo dục đã có nhiều cuộc vận động, trong đó có cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung: “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, vi phạm đạo đức nhà giáo và ngồi nhầm lớp”.
    Có thể nói, các cuộc vận động này có sức lan tỏa sâu rộng trong giáo giới. Nhiều thầy cô đã hết lòng vì học sinh (HS) thân yêu. Chúng ta vô cùng cảm phục những thầy cô giáo vùng sâu đã làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, vẫn đau đáu một nỗi niềm: Mang cái chữ đến cho học trò nghèo. Rồi những thầy cô tuổi xuân phơi phới bị bão lũ cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ, để lại cho gia đình, phụ huynh và HS nỗi tiếc thương vô hạn. 

    Nhiều nhà trường đã trở thành điểm sáng của ngành giáo dục. Ghi nhận công lao to lớn này của đội ngũ các nhà giáo, Đảng và Nhà nước đã phong tặng nhiều người danh hiệu cao quý: Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

    Song thật buồn là có một bộ phận nhỏ giáo viên đã đánh mất mình, có những hành vi vô đạo đức, phản giáo dục, gây bức xúc trong xã hội. Không tin được dù đó là sự thật khi trong ngành mô phạm lại có những sai phạm không thể chấp nhận được. 

    Chuyện những “yêu râu xanh” đội lốt thầy như gạ tình lấy điểm, xâm hại tình dục học trò, trưởng phòng GD-ĐT gạ nhiều GV nữ đi nhà nghỉ. Dối trá trong thi cử, ăn cắp công trình khoa học, ăn chặn tiền hỗ trợ chi phí học tập của HS nghèo đã xảy ra nơi này, nơi kia. Đặc biệt bạo lực học đường ngày một gia tăng, trong đó không ít những vụ thầy cô bạo lực học trò hay thầy cô bạo lực nhau. 

    Thời gian gần đây, dư luận xã hội bị sốc khi xem những clip thầy cô bạo lực học trò. Vụ thầy hiệu trưởng đánh học trò thâm tím mông. Thầy hiệu phó đánh nam sinh nhập viện. Cô giáo đánh HS thủng màng nhĩ. Thầy giáo tiểu học đánh HS chấn động não. Hay một thầy giáo ném bút bi khiến một trẻ mẫu giáo 5 tuổi có nguy cơ mù mắt. Chỉ vì một HS lớp 4 nợ 6.000đ tiền mua sách mà cô hiệu phó xách tai, tát HS này ngay trước mặt GV chủ nhiệm cùng toàn thể HS của lớp. Thầy giáo đánh HS chảy máu đầu. 

    Mới rồi, lại lình xình chuyện một cô giáo và phụ huynh đánh nhau ngay trên lớp, trước mấy chục HS tiểu học. Rồi chuyện hiệu trưởng bớt xén khấu phần ăn của các cháu mầm non, lại còn thách thức phụ huynh. Choáng hơn là mới rồi, một cô giáo tiểu học ở Sóc Trăng chứa mại dâm! Đâu rồi đạo đức nhà giáo! Những chuyện trên khiến các nhà giáo chân chính cảm thấy xấu hổ và bị xúc phạm. Thật đau xót!

    Nghề giáo có đặc thù riêng bởi là việc “trồng người”. Vì vậy, thầy cô phải là gương sáng để HS soi vào và noi theo. Mỗi hành vi, cử chỉ của thầy cô đều có ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách học trò. Chả thế mà nhiều phụ huynh phải dùng đến oai của cô giáo để dạy dỗ con điều gì đó. Nếu nhà giáo không gương mẫu, HS sẽ soi gương mờ. Cô giáo gian dối, làm sao dạy HS trung thực, thật thà! Thầy cô hành xử với học trò kiểu xã hội đen, làm sao dạy học trò thương yêu, đoàn kết! Cổ nhân đã dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ”. 

    Nếu từ tấm bé, con trẻ đã méo mó nhân cách, làm sao trở thành công dân tốt cho xã hội? Thế nên học trò (kể cả nữ sinh) đánh nhau rồi hào hứng tung clip lên mạng như một chiến tích là chuyện tất yếu. 

    Bên cạnh sự yếu kém về đạo đức, một bộ phận thầy cô còn yếu kém về chuyên môn và năng lực sư phạm. Nước ngoài, ngành sư phạm được ưu đãi nhưng cũng có lựa chọ kỹ càng. Chỉ có người giỏi thực sự mới được làm thầy. Còn ở ta, câu ca: “Thất nghiệp đuổi gà mới vào sư phạm” từ vài chục năm trước, giờ xem ra vẫn còn nóng hổi. Thế nên chất lượng của giáo dục nước ta cứ thua nhiều nước.

    Tuy chỉ là “con sâu” nhưng vẫn làm rầu “nồi canh”. Ngành giáo dục bị mang tiếng, uy tín và niềm tin với nhà trường bị giảm sút, danh dự nhà giáo hoen ố. Vì vậy, cần xử lý thật nghiêm khắc khi thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo, đặc biệt là cán bộ quản lý để thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp. 

    Ngành giáo dục muốn đổi mới toàn diện, trước hết phải đổi mới từ chính những người thầy, phải có sự thanh lọc những người yếu kém về chuyên môn và đạo đức. Và trên hết, mỗi thầy cô phải luôn tự hoàn thiện bản thân về mọi mặt mới xứng đáng là những “Anh hùng vô danh” như Bác Hồ kính yêu đã phong tặng. 
     
    Theo Trịnh Thị Thuận
    Lao Động