Đội tuyển IMO Việt Nam hy vọng đoạt “đủ loại huy chương”

(Dân trí) - Chiều qua, 26/7, kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48 kết thúc với sự tham dự của hơn 500 học sinh đến từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ. 6 học sinh của Việt Nam dù không giải được trọn vẹn 6 bài thi, nhưng các em đều rất rạng rỡ và tự tin.

“Tôi hy vọng đoàn Việt Nam năm nay sẽ đoạt đủ các loại huy chương vàng, bạc, đồng” - ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó trưởng đoàn đội tuyển Olympic Toán Việt Nam trao đổi với báo giới. Kết quả của kỳ thi này sẽ được công bố trong vòng hai ngày tới.

Vào thời điểm trước khi kỳ thi này diễn ra, nhận định về khả năng đoạt huy chương của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam, PGS.TS Vũ Đình Hoà, Trưởng đoàn đội tuyển Olympic Toán Việt Nam cho biết: “Mức độ đề thi rất khó, ngay cả các nhà toán học khi vào phòng thi chưa chắc đã làm nổi.

 

Không thể so sánh được kỳ thi năm nay với năm trước, vì phải xem xét sự tương quan giữa các đội. Giải được xếp từ trên xuống đến 50%, cho nên đội mình thế này nhưng phải xem các đội bạn nữa mới có thể biết kết quả cao hay thấp, đứng thứ bao nhiêu.

 

Nhưng phải nói rằng các em rất quyết tâm, đợt bồi dưỡng vừa qua các em đã có sự trưởng thành vượt bậc. Đó là sự nỗ lực lớn của tập thể giáo viên, dù năm nay lực lượng này thiếu vắng rất nhiều thầy giáo giỏi”.

 

Mặc dù cả 6 thành viên của đội tuyển Việt Nam đều đang rất hồi hộp chờ kết quả nhưng Đỗ Xuân Bách, học sinh khối chuyên ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội) đã rất tự tin và “hy vọng em sẽ đạt huy chương bạc. Tuy vậy, nếu được huy chương vàng thì em cũng không quá bất ngờ!”

 

Đội tuyển Olympic Toán Việt Nam năm nay liệu có thắng lớn? Câu trả lời chỉ được biết sau 48 tiếng đồng hồ nữa. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung, Trưởng ban tổ chức cuộc thi nói: “Chúng ta không đặt bất cứ một mục tiêu cụ thể nào về huy chương. Vấn đề quan trọng nhất là các em đã cố gắng hết sức mình và gây được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế”.

 

Thời điểm này vẫn còn quá sớm để bàn về chuyện của “hậu” đội tuyển Olympic Việt Nam. Nhưng, PGS.TS Vũ Đình Hoà vẫn rất tha thiết khi chia sẻ tâm sự của mình về tương lai của những học sinh sẽ đoạt giải: “Tôi đã từng nói với Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân rằng đối với những học sinh được giải, việc khuyến khích các em bằng vật chất không quan trọng bằng việc tạo cho các em điều kiện được rút ngắn thời gian học ĐH”.

 

Cũng theo ông Hoà, thành tích của các đội tuyển thi Olympic quốc tế trước hết phải ghi nhận công lao của bố mẹ và thầy cô đã dạy các em 12 năm học phổ thông, tiếp đó là nỗ lực của các thầy cô bồi dưỡng cho đội tuyển. Ngoài sự quan tâm của thầy cô, bố mẹ các em, sự định hướng của Nhà nước rất quan trọng. Trong khi đó, năm nay, Bộ GD-ĐT lại thay đổi một số chính sách đối với học sinh giỏi, gây bất lợi cho đội tuyển.

 

“Dù vậy, tôi cũng rất phấn khởi vì được biết sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ mở lại hệ thống trường chuyên lớp chọn. Quan điểm của tôi là ngoài giáo dục phổ cập thì phải có giáo dục chuyên sâu để tạo sân chơi cho các em có năng khiếu giúp cho khả năng đó không bị mai một.

 

Thêm nữa, thật sai lầm khi nhiều người nghĩ rằng các em học toán giỏi mà chuyển sang học ngành khác là một tổn thất. Toán học có tính định hướng chung cho các ngành khoa học khác. Vì thế, học sinh giỏi toán học các ngành khác thì chúng ta càng mừng vì ngành toán đã cung cấp được cho các ngành khác những nhà khoa học tài năng” - PGS.TS Vũ Đình Hoà cho hay. 

 

Những bất lợi của đội tuyển IMO Việt Nam

 

Theo các lãnh đạo của đoàn học sinh Việt Nam thì đá bóng trên sân nhà có nhiều lợi thế, nhưng đội tuyển Olympic Toán học thi tại sân nhà có nhiều bất lợi. Bất lợi đầu tiên là một đội ngũ các nhà toán học “gạo cội” (chẳng hạn các thầy cô ở Viện Toán học) năm nay đã không tham gia giảng dạy các em được vì họ phải huy động vào đội ngũ ra đề thi.

 

Vậy học sinh Việt Nam sẽ được lợi thế vì đề thi sẽ do chính những thầy cô giáo Việt Nam ra đề nên sẽ hợp gu hơn các em?

 

Trả lời cho câu hỏi này, GS.TSKH Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, Phó trưởng Ban tổ chức IMO 2007 cho biết: "Chúng ta cũng không được phép ra đề thi mà đề là do các nước chuyển đến và nước chủ nhà chỉ làm nhiệm vụ duy nhất chọn ra 30 bài bảo đảm chất lượng và chưa từng có trong các kỳ thi”.

 

Còn về chấm thi, nước chủ nhà cũng không hề có lợi gì vì theo nguyên tắc của IMO, nước chủ nhà không được chấm bài mà nước ra đề thi đó sẽ chấm bài của đội tuyển chủ nhà. Với chấm thi, thậm chí chúng ta còn gặp bất lợi vì bài toán nước nào đặt ra thì nước đó biết rất rõ cách giải nó, còn chúng ta chỉ được tìm hiểu bài toán này trong một thời gian ngắn sau khi nó được chọn.

 

Cùng đó, khi để nước bạn chấm bài cho mình thì chúng ta sẽ bị vặn hỏi nhiều hơn những năm trước, khi còn “mang chuông” sang nước bạn!

M.M