Đôi vợ chồng nghèo nuôi 4 con học hành thành đạt

(Dân trí) - Ngày ra riêng, hai vợ chồng ông chỉ có 5 lít gạo, một chiếc xuồng con, một căn nhà nhỏ được dựng lên giữa một mô đất xung quanh chỉ toàn ao hồ và cây tạp. Vượt lên những khó khăn thiếu thốn, họ cùng chung sức lo cho các con ăn học thành tài.

Ông Nguyễn Văn Học (sinh năm 1950, ngụ ấp Thới Hiệp, xã Xuân Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) sinh ra trong một gia đình có đến 12 người con. Là anh trai lớn trong gia đình, nên mới hết lớp 5, cậu bé Học khi ấy đã phải nghỉ để lo cho gia đình và các em.

Ông Học trải qua nhiều ngành nghề, mới 12 tuổi đã biết cầm máy lái đò lên tận Ba Thê (núi Sập, An Giang), rồi thì chăn trâu, kéo lúa …để mưu sinh. Với tuổi thơ trải qua bao cơ cực, ông Học ý thức được rằng sự vất vả ấy chính là do thiếu học.

Rồi ông lập gia đình,6 đứa con lần lượt ra đời, ông Học cho biết: “Thời buổi đó việc học rất khó khăn nhưng tôi nhất quyết cho tụi nó đi học đàng hoàng. Tôi hay nói với các con “mấy đứa con phải gắng mà học, chỉ có học mới thoát khỏi nghèo khổ”.

Từ quyết tâm đó, ông Học và vợ của ông, bà Nguyễn Thị Kim Đồng, làm việc chẳng một chút ngơi nghỉ để lo cho các con ăn học. Khi chưa đủ tiền mua ruộng, ông bà đi cày thuê cuốc mướn, ai mướn gì làm nấy, khi thì cấy lúa mướn, phát bờ, làm cỏ, khi thì đi cắm câu, lưới cá để bán kiếm đồng vô, đồng ra.

Công việc thì vất vả, con cái lại đang ở tuổi ăn học, tuổi chơi khiến hoàn cảnh gia đình ông Học càng khó khăn hơn. Nhưng ông bà lúc nào cũng nghĩ tới cái chữ cho con và có lẽ đó là động lực lớn nhất để ông bà làm việc không kể ngày hay đêm.

“Không mua tivi vì sợ con thích xem hơn thích học”

Anh Hải Hành, người con thứ 4 của ông Học cho biết: “Điều mà anh em tôi thấy được ở ba mẹ là ngoài sự làm việc không ngơi nghỉ thì ba mẹ rất tiết kiệm trong chi xài từ cái ăn đến cái mặc. Đặc biệt, trong khi hàng xóm nhà nào cũng có tivi chỉ có nhà tôi là không có mặc dù ba mê xem thời sự, mẹ thích xem cải lương. Ba chỉ sợ chúng tôi thích xem tivi hơn học, hao phí thời gian nên ba nhất quyết không sắm tivi. Sau này khi con cái thành công rồi ông mới chịu để anh em tôi mua tivi.”

Trong 6 người con của ông Học, chỉ có 2 người không học đuợc đến nơi đến chốn. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, người con trai lớn của ông bà là Nguyễn Thanh Hiện chỉ học hết lớp 8 rồi nghỉ. Người con thứ 5 của ông bà cũng chỉ học hết lớp 8 là nghỉ học để phụ giúp bố mẹ chăm lo mấy công ruộng.

Ông Học cho biết, ông rất buồn vì phải cho con nghỉ học nhưng vì hoàn cảnh không thể khác được. Anh Hiện tâm sự là lúc đó anh cũng muốn học nhưng thấy ba mẹ khó khăn quá nên quyết định nghỉ để xin đi học nghề. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự 2 năm, anh Hiện đi học nghề sửa máy và bây giờ đã có một tiệm sửa máy ở Nông trường Sông Hậu.

Tuy nhiên, ông Học cũng thấy hạnh phúc vì 4 người con còn lại đều học được đại học. Đó cũng là niềm an ủi lớn lao của ông bà khi bước vào tuổi già. Người con thứ 2 Nguyễn Thạnh Hiệu đã tốt nghiệp ĐH thuỷ sản và được giữ lại làm cán bộ khoa Thuỷ sản trường ĐH Cần Thơ. Hiện nay, anh Hiệu đang theo học Thạc sĩ tại trường.

Người con thứ 3 tốt nghiệp ĐH Cần Thơ chuyên ngành Kinh tế và đang công tác tại Nông trường Sông Hậu, Cần Thơ. Người con thứ 4 tốt nghiệp ĐH Cần Thơ chuyên ngành Ngữ văn đang công tác tại công ty cổ phần thủy sản Bình An (khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ). Người con gái út đang học năm cuối ĐH Cần Thơ chuyên ngành Luật.

Bà Kim Đồng thì bộc bạch: “Chúng tôi rất tự hào với 6 đứa con của mình mặc dầu hai đứa không học ĐH nhưng với mấy công ruộng như hiện nay chúng tôi cũng an tâm về già và cho những đứa theo nghề nông có một chút vốn để làm ăn như người ta.”

Vợ chồng ông Học vẫn thường nhắc nhở các con là bằng mọi giá cũng phải cho các cháu của ông được ăn học đàng hoàng. Tết năm rồi, gia đình ông đã thành lập được quỹ học bổng dòng họ Nguyễn từ số tiền tiết kiệm của ông bà và của các con đóng góp để vừa khen thưởng cho các cháu học giỏi vừa giúp đỡ các con cháu trong gia đình và trong dòng họ khi gặp khó khăn trong việc học hành.

Năm 2005, gia đình ông Học đã được biểu dương là gia đình hiếu học cấp xã. Đó cũng là phần thuởng thể hiện sự công nhận của chính quyền địa phương cho những cố gắng trong học tập của một gia đình hiếu học tiêu biểu.

Huỳnh Hải