Dòng họ tiến sĩ bên bờ sông Lam

Thắp nén nhang trên bàn thờ cố Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, lòng tôi chộn rộn niềm vui khi được đứng trước ngôi nhà thờ Nguyễn Tài, dòng họ "trâm anh" bên dòng Lam xanh.

"Ngái ngôi chi mà anh nỏ về...", câu hát mang đậm âm hưởng dân ca đất Nghệ đưa tôi về làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An.

Bên ấm chè xanh xứ Nghệ là câu chuyện về dòng họ Nguyễn Tài hiện có hàng chục tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ, cử nhân đang cố gắng hết mình góp sức dựng xây đất nước; chuyện về nhiều gia đình trong dòng họ này vun vén hết gia sản để giúp con học thành tài; chuyện về đạo trồng người của dòng họ... Những câu chuyện được nghe, được thấy về dòng họ Nguyễn Tài như tắm táp cho tâm hồn người thêm lòng yêu thương, tinh thần hiếu học, đạo làm người ăm ắp nhân văn.

Với 4 chữ lót: “Công - Danh - Tài - Đức”

Bên chiếc bàn gỗ đơn sơ trước nhà thờ họ, anh Nguyễn Tài Dũng, hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Nguyễn Tài ở làng Thượng Thọ, cháu gọi cố Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn bằng bác, nói về dòng họ mình với đức tin đạo học, đạo làm người như dòng chảy tiếp nối. Họ Nguyễn Tài về lập nghiệp và định cư tại huyện Thanh Chương cách đây khoảng 6 thế kỷ.

Dòng họ nơi đây có 4 chi lấy 4 chữ lót "Công - Danh - Tài - Đắc" làm tên đệm như để nhắc nhở cháu con các thế hệ phải thường xuyên tu dưỡng làm người có ích cho dòng họ, cho đất nước.

Dòng họ Nguyễn Tài vẫn luôn tự hào về 2 vị đại khoa danh giá nhất của họ tộc mình dưới thời Trần. Đó là Nguyễn Hiền (đỗ Trạng nguyên khi mới 12 tuổi) và vị Hoàng giáp đầu tiên của Việt Nam là Nguyễn Trung Ngạn (đỗ khoa Giáp Thìn khi mới 16 tuổi). Đây là 2 vị thần đồng nổi tiếng của đất nước, là tấm gương sáng cho con cháu dòng họ nghĩ đến để rèn mình.

Dòng họ tiến sĩ bên bờ sông Lam - 1
Nơi thờ cố Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn ở xã Thanh Văn.

Cách đây 5 đời, cụ Nguyễn Tài Tuyển đậu tiến sĩ đồng khoa với chí sĩ Phan Đình Phùng. Gia phả dòng họ còn ghi rõ, khi làm bài thi, vua Tự Đức có đưa ra chủ ý "giữa việc chiến và hòa" với thực dân Pháp bấy giờ để hiểu tâm trạng các sĩ tử. Nguyễn Tài Tuyển đã viết bài thi với chủ ý là đánh, trong bài thi của ông có đoạn "Thần thà đắc tội với triều đình còn hơn đắc tội với hậu thế".

Đọc bài thi của Nguyễn Tài Tuyển, vua Tự Đức đã bút phê "Văn chương hữu khí". Sau một thời gian được bổ làm tri phủ Nghĩa Hưng, Nguyễn Tài Tuyển đã cáo quan về quê dạy học. Trong bài giảng của thầy Tuyển, trước lúc lên lớp thầy thường răn dạy học trò: Học để tự hiểu mình. Lời dạy của tiền bối luôn được con cháu dòng họ Nguyễn Tài sau này nhắc nhở để rèn mình.

Truyền thống hiếu học của dòng họ Nguyễn Tài như một dòng chảy không ngừng nghỉ, nhiều người trong dòng họ còn làm nức lòng người đất Nghệ như Nguyễn Tài Trí, Nguyễn Tài Ưu, Nguyễn Tài Nghệ, Nguyễn Tài Thực, Nguyễn Tài Tốn, Nguyễn Tài Thiện...

Tiếp nối truyền thống của dòng họ, hiện nay chi họ Nguyễn Tài ở xã Thanh Văn có nhiều tấm gương hiếu học làm nức danh dòng họ và có những đóng góp quan trọng cho đất nước như: cố GS-TS Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngôn ngữ học phương Đông, được Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh; nhà giáo Nguyễn Tài Đại đã bí mật tham gia phong trào Việt Minh, giành chính quyền, sau đó được bầu làm Ủy viên dự khuyết Huyện ủy Thanh Chương.

Năm 1946, ông về Chiêm Hóa, Tuyên Quang trực tiếp làm việc tại Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, rồi làm Chánh Văn phòng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau đó, ông Nguyễn Tài Đại làm Trưởng ty Giáo dục tỉnh Nghệ Tĩnh; PGS.TS Nguyễn Tài Trung, nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đại học Kiến trúc Hà Nội; Tiến sĩ Y khoa, Đại tá Nguyễn Tài Lương, giảng viên Học viện Quân y; Tiến sĩ Nguyễn Tài Đường; Tiến sĩ Nguyễn Tài Hội; Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa; Đại tá Nguyễn Tài Hướng; Đại tá Nguyễn Tài Đáp... và nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, người đã viết nhiều ca khúc đi cùng năm tháng.

Dòng họ Nguyễn Tài ở làng Thượng Thọ chỉ có khoảng 100 hộ dân nhưng hiện có gần 20 tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ, cử nhân. Điều đáng nói là tất cả những giáo sư, tiến sĩ của dòng họ đều trưởng thành từ "gốc lúa, bờ tre hồn hậu".

"Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng"

Cách đây hơn 10 năm khi cổng trường đại học là một "vũ môn" cực khó, con em trong dòng họ Nguyễn Tài ở Thanh Văn đã tự bảo nhau "Vào học đại học là điều kiện bắt buộc đối với bản thân". Anh em thi nhau, bạn bè đua nhau học. Chính vì vậy, cách đây hàng chục năm, dòng họ Nguyễn Tài bên dòng sông Lam đã phổ cập đại học.

Dòng họ tiến sĩ bên bờ sông Lam - 2
Anh Nguyễn Tài Dũng đứng bên tấm bia đề cao đạo học ở nhà thờ chi họ Nguyễn Tài.

Nghèo mấy cũng ráng cho con học, đó là tư tưởng mà các bậc phụ huynh của dòng họ này bảo nhau trong những lần tế tổ, họp họ. Con em giỏi được động viên, khích lệ, em nào chưa ngoan chưa giỏi được các chú, các bác trong họ kèm cặp, nhắc nhở luyện rèn.

Chính vì vậy, đến nay con em trong dòng họ Nguyễn Tài ở Thanh Văn không một em nào vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến nền nếp gia tộc. Những ngày về miền quê này tìm hiểu tư liệu cho bài viết, chúng tôi thực sự ngạc nhiên và khâm phục đạo học nơi đây. Nhiều gia đình đến nay vẫn phải ở trong những ngôi nhà chưa kiên cố, cuộc sống sinh hoạt tằn tiện, đạm bạc nhưng vẫn đang tiếp sức cho 2-3 đứa con làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Có gia đình buộc phải bán nhà tìm chỗ ở thanh đạm hơn để lấy tiền cho con ăn học. Nhiều ông bố, bà mẹ làm việc quần quật suốt ngày đêm để kiếm tiền bắc cầu học cho con trưởng thành. Tài sản giá trị đối với người dân nơi đây không phải là căn nhà lầu, xe hơi, tiền, vàng... mà tài sản được họ quý trọng nhất, gìn gìn bảo vệ nhiều nhất là việc học, việc trồng người.

Trời gần đứng bóng, dưới cái nắng ngột ngạt đầu hè, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Tài Thí, xã Thanh Văn. Sinh năm 1948, vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Tài Thí viết đơn xung phong vào chiến trường đánh giặc. Tết Mậu Thân năm 1968, Nguyễn Tài Thí và đồng đội quần nhau với giặc ở chiến trường Thừa Thiên - Huế. Trong một trận đánh sinh tử để bảo vệ cố đô Huế, ông bị thương phải cưa đi một chân.

Dòng họ tiến sĩ bên bờ sông Lam - 3
Dù vất vả nhưng vợ chồng anh Nguyễn Tài Thí đã nuôi 4 người con ăn học thành tài.

Trở về quê nhà với thương tật trên người, chỉ còn một chân nhưng ông Thí vẫn miệt mài lao động theo khả năng của mình. Rồi ông cưới vợ và sinh được 4 đứa con. Để có tiền nuôi con ăn học, hàng chục năm trời, Nguyễn Tài Thí và vợ là bà Nguyễn Thị Phiệt không có trọn được giấc ngủ ngon. Họ quần quật lao động. Bên cạnh 4 sào ruộng khoán, 2 vợ chồng ông Thí còn chăn nuôi cả ngàn con gà, lợn, vịt, hàng chục nong tằm. Hàng ngày, người dân xã Thanh Văn vẫn thầm cảm phục anh thương binh Nguyễn Tài Thí chỉ còn 1 chân nhưng lao động còn hơn cả người bình thường.

Từ sự tảo tần của mẹ, mồ hôi ướt đầm của cha trên mảnh ruộng, nương vườn, 4 đứa con của ông Thí bảo ban nhau học thành tài. Các con ông xem việc học như một sự báo hiếu với cha mẹ. Lần lượt vào đại học, con trai đầu của vợ chồng ông Thí là Nguyễn Tài Văn hiện đang là Trạm phó thủy nông ở huyện Phú Thiện, Gia Lai; con thứ 2 Nguyễn Tài Tiến hiện là bác sĩ chuyên khoa I ở Bệnh viện Đa khoa Nghệ An; con thứ 3 Nguyễn Tài Toàn, giảng viên Đại học Vinh, 29 tuổi, nhưng hiện Toàn đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ nông lâm; con gái út Nguyễn Thị Hậu, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, hiện đang công tác ở Viện Kiểm sát huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Cùng chung nỗi vất vả với cha mẹ, đến trường học thì thôi chứ về nhà là 4 đứa con của ông Thí lại thay quần áo lao động để chia sớt công việc với cha mẹ. Ngoài việc chăn trâu, cắt cỏ, những ngày hè, những đứa con của ông Thí còn thay nhau đóng than tổ ong chở đi khắp đường làng, ngõ xóm để bán.

Nhiều đêm, Văn, Tiến và Toàn đóng gạch, đóng than suốt đêm. Học đại học, nhiều sinh viên trông nghỉ hè để giải lao, để đi du lịch..., còn anh em Toàn trông nghỉ hè để lao động kiếm tiền cho năm học tiếp theo. Cứ vậy, vượt qua từng nấc thang khó khăn, các con của ông Nguyễn Tài Thí đã học thành tài.

"Vợ chồng tui quán triệt với con cái khi còn học, công việc chính xác định là việc học. Giờ các con đã vào làm là phải phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chính vì vậy, dù tuổi đời còn trẻ nhưng 3/4 đứa con của tui đã được kết nạp Đảng. Vào Đảng là để trui rèn nhân cách theo hướng tốt chứ không phải để làm ông này, bà nọ" - ông Thí nói vậy.

Không riêng gì gia đình ông Nguyễn Tài Thí, trong dòng họ Nguyễn Tài ở làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn có rất nhiều gia đình cha mẹ cả một đời vun vén cho con theo đạo học. Nhiều gia đình phổ cập đại học cách đây hàng chục năm như gia đình anh Nguyễn Tài Tiên, Nguyễn Tài Thân, Nguyễn Tài Ngô, Nguyễn Tài Vượng... Không chỉ lo chú tâm trong việc học, trong những năm chiến tranh, dòng họ Nguyễn Tài cũng đã đưa tiễn hàng trăm con em lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Rời Thanh Văn khi mặt trời đã xuống bóng, chiều hoàng hôn ở đồng quê như bức tranh thuỷ mặc, trên con đê làng hàng trăm học sinh tíu tít chuyện lớp, chuyện trường. Chúng tôi thấy lòng mình ấm lại khi nghĩ đến chuyện học ở dòng họ Nguyễn Tài mình được thấy, được nghe. Và xa hơn, kỷ niệm một thời cắp sách lại dội về mà lâu nay ngược xuôi giữa dòng đời, nhiều lúc mình đã lãng quên.

Theo Dương Sông Lam
CAND