Du học chẳng đùa với... chuyện ăn

Nếu hỏi điều gì làm sinh viên Việt Nam sống và học tập ở nước ngoài “đau đầu” nhất? Chắc chắn câu trả lời là... chuyện ăn uống!

Đau đầu chuyện “Thực”

Đau đầu không phải vì thiếu thốn thức ăn. Thức ăn rất nhiều, và tương đối chịu được với sinh viên Việt. Nhưng vì bữa ăn ở ta có nhiều rau quen rồi nên khi thưởng thức thực đơn kiểu "Bển" (ít rau, vì rau đắt quá!), xót ruột là chuyện đương nhiên với du học sinh, kể cả là "ma cũ".

Đa số du học sinh Việt nhăm nhe mua đồ ăn Việt Nam, hoặc đồ châu Á, cho dễ nuốt. Đồ ăn Âu chỉ được sinh viên ta đoái hoài khi party hoặc thỉnh thoảng đổi món, chứ quyết không đổi khẩu vị. Đấy cũng là một kiểu rất dưa cà mắm muối, suy cho cùng cũng là một lối tư duy khá cũ của nhiều người trẻ.

Nơi N.Hạnh (Deventer, Hà Lan) ở, có 2 cửa hàng bán đồ châu Á, một của người Hà Lan và một của một cặp vợ chồng trẻ Việt kiều. Trong căng tin trường Hạnh học cũng có nhiều món, nhưng với những bạn nào không quen thì rất khó ăn vì toàn các món như salad trộn phomát rồi súp khoai tây, mấy cái món bánh mì với pho mát kẹp thịt nguội... nên đồ ăn châu Á vẫn được ưu tiên hơn cả.

Hà Lan còn dễ, ở nhiều nước châu Âu khác, các cửa hàng kiểu này thường tập trung ở các thành phố lớn, khiến cho việc đi lại cũng gặp nhiều bất tiện.

Tại Anh, các cửa hàng châu Á chủ yếu chỉ bán xì dầu, nước mắm, các loại gia vị... còn rau, thịt thì vẫn mua chủ yếu ở các siêu thị. H.Hiền (Moscow, Nga) kể: Từ Moscow đến Matx (nơi có chợ Vòm) hay Salut của người Việt rất xa nên chủ yếu cuối tuần các sinh viên Việt Nam mới đi chợ và bỏ tủ lạnh ăn cả tuần.

Ở Nga, sữa và các sản phẩm từ sữa nhiều và không đắt nhưng sinh viên Việt không thích vì béo nên hay mua đồ "Tây" về nấu thành đồ Việt cho dễ ăn. Hơn nữa, người Nga thường ăn súp và bánh mỳ chứ không ăn cơm.

Được cái gạo Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ...bên này đủ cả, trong đó gạo mình rẻ nhất, chỉ khoảng 30 nghìn/cân. Những rau gia vị ăn kèm như húng, thơm, kinh giới... không chỉ ở Nga mà ở các nước châu Âu thật sự rất hiếm và đắt".

Vân Anh ở Bolivia nói nhiều khi thèm rau muống, rau ngót... Cũng chẳng biết đào đâu ra vì ở đây không bán. Còn ở Đức, chỉ có mùa đông nước này mới nhập rau từ các nước khác nên giá cả phải chăng, còn mùa hè chủ yếu là rau tự trồng nên giá rất đắt.

Theo lời kể của một du học sinh thì mấy tháng mới có rau mùng tơi một lần nên các sinh viên ta toàn nấu rau spinach (gần giống rau mồng tơi nhưng chát hơn) với riêu cua.

Huy, đang du học tại Montreal (Canada) cho biết các loại rau quê nhà ở bên này đầy đủ cả, nhưng các loại rau gia vị thì đắt gấp mấy lần ở Việt Nam (khoảng 3,4 đô Canada/mớ)

Và những sự “thực” thú vị

Muôn vàn chuyện dở khóc dở cười về chuyện "thực" của du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, kể ra cũng chẳng khác mấy chuyện ăn uống đã thành giai thoại của sinh viên ký túc là mấy.

Nếu bạn còn chưa biết "tình cảnh" của du học sinh thế nào, xin mời đọc những câu chuyện dưới đây, đó thực sự là những kinh nghiệm tự lập rất đáng trân trọng.

Tại Nga: "Hết tiền thì ăn trứng với thịt gà, có tiền thì ăn rau với thịt lợn" đó là câu nói của các du học sinh tại đây.

Nhiều khi sinh viên ở đây nhớ món gì ở nhà là tụ tập nấu nấu nướng nướng: chè đỗ đen, đỗ đỏ, bún dọc mùng (dọc mùng khô), phở...

Mới đây thôi, họ còn rủ nhau vào rừng nướng thịt, phát hiện một cái hồ toàn trai, bắt cũng phải được gần 10 cân đủ để nấu cháo cho 17 người và phát hiện một loại rau dại "nghi ngờ" là rau dền. Thế là "ấm".

H.Hiền kể, có những đợt sinh viên hết tiền thì ăn mỳ tôm 3 rúp với trứng, chứ đành bấm bụng không mua rau vì đây là món tư sản nhất!

Tại Anh: Một bạn du học sinh ở đây kể hồi mới qua chẳng biết nấu ăn, toàn ăn đồ fastfood, đến cuối tháng tính tiền mới... suýt xỉu nên quyết định ăn chung với một bạn gái.

Ai dè, cô nàng cũng đoảng khiến cho anh chàng từ 70kg xuống còn có 45kg cùng với các món ăn kinh dị như rau xà lách xào, kho thịt gà với rau thì là...

Cuối cùng chàng ta chỉ còn cách tự học nấu ăn, thỉnh thoảng rủ bạn gái đến ăn cho vui. Theo kinh nghiệm của các du học sinh cũ ở đây thì nên vào mấy cửa hàng Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khối đồ ăn châu Á mà giá rẻ bất ngờ.

Sinh viên làm partime, lương bao giờ cũng thấp nhất, chỉ 7$/giờ nên nhiều khi eo hẹp thì mì Thái giá 1 bảng mới vừa hết hạn (ví dụ như bây giờ là tháng 5 mà hạn là 5/2006) được tận dụng triệt để.

Tại Thụy Điển: Giống như ở các nước khác, du học sinh bên này cũng hay ăn chung với nhau, vừa vui vừa tiết kiệm. N. và B. thì chia nhau, người nấu cơm, người rửa bát.

Theo 2 bạn thì ở bên này ăn uống cũng chả khác gì so với hồi ở Việt Nam, sáng ra bánh mì nhanh gọn, trưa mỗi đứa một hộp cơm, tối về nấu nướng nhiều hơn một chút để hôm sau có đồ ăn trưa. Cuối tuần làm bữa ăn tươi. Thế là đủ tuần.

Tại Úc: Các du học sinh ở đây truyền tụng nhau câu chuyện tưởng đùa hoá ra thật. Số là sinh viên ở đây lúc túng thiếu thường chọn mì ăn liền quá hạn giá 3 đôla Úc/thùng.

Hồi đấy nhiều bạn hy vọng mình... đau bụng, chỉ vì nghe nói ở Anh có trường hợp ăn thực phẩm quá hạn kiện được 1 triệu bảng, mà luật Úc cũng áp dụng các điều luật như Anh! May mà  không có du học sinh nào của ta bị sao suốt mấy năm!

Tại Đức: Hồi Tết, K. từ Hamburg về nước, mọi người ở nhà cứ kêu sao đi Tây mà gầy, đen, nghĩ chắc là do tiết kiệm quá. Hóa ra là do K. lười quá nên bỏ bữa rồi ngồi lướt net khuya. Lâu dần thành quen, nếp sinh hoạt bị đảo lộn.

Một thời gian dài, K. ngày chỉ 2 bữa, mỗi bữa cách nhau 12 tiếng (bữa 3h chiều, bữa 3h đêm), đến một hôm tự nhiên đau bụng khó thở đi chẩn đoán mới biết bị viêm dạ dày. Lúc đấy tá hỏa thì đã muộn.

Học hành chát bụp vì bụng thường xuyên đau. Thế mới biết, du học sinh xa nhà, việc "thực" điều độ chính là điều quan trọng nhất. Không làm tốt khâu này, đến việc học đã là một đỉnh núi khó trèo chứ đừng nói đến cơ hội tìm hiểu văn hoá (mà không phải mỗi lúc có được)!

Theo Hồng Anh
Sinh viên Việt Nam