Du học qua ý kiến của những người trong cuộc

(Dân trí) - Theo ước tính, hiện nay Việt Nam có khoảng gần 40.000 học sinh đang học tại nước ngoài, trong đó 65% là du học tự túc. Đây có phải là điều đáng mừng? Vì sao phần lớn học sinh muốn được học tập tại nước ngoài?

Anh Phạm Anh Tuấn (chuyên viên chương trình hỗ trợ Bộ Nội vụ về việc hiện đại hoá và thực hành chính sách đào tạo):

 

Theo tôi việc thanh niên lựa chọn du học là điều tự nhiên trong quá trình phát triển của xã hội. Những học sinh học tập tốt thường có cơ hội đi du học theo các chương trình học bổng. Với những em có điều kiện du học tự túc  thì không nhất thiết các em phải học Đại học. Hiện nay có rất nhiều  trường đào tạo nghề tốt tại  nước ngoài để các em lựa chọn. Khi học xong các em sẽ là những chuyên viên lành nghề, đây cũng là lực lượng đang thiếu tại Việt Nam.

 

Chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế.  Tiến tới, các cơ quan tuyển dụng  sẽ không quan trọng việc bằng cấp    sẽ đánh giá theo năng lực.

 

Anh Đỗ Xuân Trường (đang làm việc tại trường Kinh tế Quốc dân) – tốt nghiệp đại học tại Australia và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Thái Lan:

 

Hiện nay đầu vào Đại học ở Việt Nam tương đối khó khăn. Chính sự quan trọng về bằng cấp tại Việt Nam đã gây áp lực cho số các em trượt Đại học. Bằng cách này hay cách khác họ cố kiếm một chiếc bằng Đại học. Với những gia đình khá giả, thay vì để con ôn thi cho năm sau các bậc phụ huynh quyết định để con cái đi du học tự túc. Du học có mặt tốt và không tốt.

 

Thường thì cuộc sống tại các nước ngoài  đối với học sinh Việt Nam hoàn toàn mới mẻ. Các em hầu như đều đi làm để trang trải thêm cho cuộc sống. Chính điều này đã giúp các em cứng cáp và nhìn nhận cuộc sống một cách thực tế. Điều nhìn thấy ngay là vốn ngoại ngữ được tăng cường rất nhiều. Điều này tạo điều kiện rất tốt cho công việc của các em sau này.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả đều tốt như sự mong muốn của cha mẹ. Không ít gia đình thất vọng khi đứa con mình mong đợi sau vài năm du học chỉ mang về những thói hư tất xấu. Ở Việt Nam họ đã quen sống trong chiều chuộng sung sướng, nay được ra nước không người kèm cặp, họ càng trở lên tự do buông thả. Kết quả là bị trục xuất về nước mà không thêm được một chút kiến thức nào.

 

Ông Phạm An  Chất – Giáo viên nghỉ hưu:

 

Ngoài những nhu cầu về học tập để đảm bảo tương lai sau này, du học còn có ưu điểm về mặt kiểm soát xã hội. Đã có những gia đình cho con cái đi du học, ngoài mục đích lĩnh hội kiến thức mới, họ còn mong muốn con mình được tiếp xúc với môi trường mới, tránh những bạn bè xấu tại Việt Nam.

 

Phải nói thật rằng hiện nay  các cháu ở lứa tuổi từ 14 - 20 rất dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn. Ở môi trường mới các em sẽ không có cơ hội để bộc lộ những thói xấu bản thân, dần dần những thói xấu sẽ bị triệt tiêu, thay vào đó là những tư duy mới, cách nhìn cuộc sống mới. Tất nhiên cũng có những trường hợp cá biệt, nhưng theo số này tôi nghĩ rằng không nhiều.

 

Dương Khánh – cựu sinh viên trường Quản lý phát triển Singapore:

 

Du học nước ngoài đào tạo cho sinh viên Việt Nam có sức làm việc dẻo dai và sự nhanh nhẹn trong công việc. Ngoài cơ hội học tập tại môi trường đào tạo tiến bộ, sinh viên cũng được tiếp xúc với những thói quen tốt. Dù đi du học bằng hình thức nào cũng đáng hoan nghênh. Họ sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ nhanh chóng.

 

Hiện nay học sinh, sinh viên Việt Nam tại nước ngoài được đánh giá là rất cần cù, chịu khó. Theo em, cũng không ngại việc những học sinh Việt Nam ở lại nước ngoài làm việc, có thể nghĩ rộng hơn. Ở Việt Nam, cơ sở làm việc chưa đủ điều kiện để họ phát triển chuyên môn, nếu cứ cố trở về nước tất năng lực sẽ dần bị mai một.

 

Thanh Trầm (thực hiện)