Du học sinh “bay”

Giới du học sinh Việt Nam tại Singapore và ở một vài nước trong khu vực đang kháo nhau về sự phát triển lớn mạnh của “đội ngũ bay”. Xin nói ngay là từ “bay” được sử dụng đúng theo nghĩa đen: Sinh viên nhưng sử dụng máy bay như đi chợ!

1.001 lý do “bay”

 

Có người thì bay sang nước này nước nọ để thăm thú hoặc đi chơi với bạn bè bất kỳ lúc nào rảnh. Có người thì bị đuổi học và hết hạn visa cư trú nên giấu gia đình bay đi bay về bằng hộ chiếu phổ thông để "lánh nạn".  Có người vì nhớ người yêu tại quê nhà nên cứ tranh thủ cuối tuần, kỳ nghỉ là bay.

 

Thậm chí có người bay đi bay về để kiếm tiền từ việc mua đi bán lại những món hàng điện tử như máy tính xách tay, điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, máy iPod... Nhưng tất cả họ đều có một đặc điểm chung là, cho dù "bay" với cường độ cao như vậy nhưng gia đình không hề hay biết và cứ đinh ninh rằng con em mình đang chuyên tâm đèn sách học hành!

 

Với những du học sinh bị đuổi học và hết hạn visa cư trú, họ dùng hộ chiếu phổ thông của mình để bay về Việt Nam, mướn khách sạn bên ngoài ở trong thời gian ngắn để giấu gia đình. Sau đó, họ quay trở lại Singapore thường là trong vòng 15 ngày như một khách du lịch bình thường để tìm kiếm một trường nào đó chấp nhận học với điều kiện dễ dãi hơn so với trường trước.

 

Nếu vẫn không kiếm được trường, thì họ lại bay trở về Việt Nam hay đi du lịch sang các nước khác trong thời gian ngắn để hợp thức hóa việc xuất nhập cảnh vào Singapore, sau đó lại tiếp tục hành trình kiếm trường.

 

Tất nhiên, mọi chi phí "đi lại và giao dịch" sẽ được họ dựng lên bằng lý do này hay lý do khác nghe rất chính đáng để gia đình tiếp tục chu cấp. Chưa kể là sự nở rộ của hàng không giá rẻ khiến chuyện đi lại cũng không thành vấn đề quá lớn với giới du học sinh.

 

Kiểm soát dấu hiệu “bay” của con em

 

Có thể gia đình không biết chính xác "lịch bay", "hành trình bay", "đội bay" của con em mình như thế nào, nhưng họ có thể phát hiện được những dấu hiệu của việc "bay thường xuyên" của con em mình.

 

Theo kinh nghiệm từ một số gia đình, họ có thể kiểm soát dấu hiệu "bay" của con em mình như sau:

 

- Thường xuyên trao đổi với Hội đồng quản lý nhà trường hay Phòng quản lý học sinh, sinh viên của trường về lịch học, sự tham gia trên lớp, điểm số của học sinh hay sinh viên.

 

- Theo dõi sát tình hình học tập của con em mình bằng cách lấy tên đăng nhập (username) và mật mã (password) được nhà trường cấp riêng để truy cập thường xuyên trên website của trường.

 

- Kiểm tra hộ chiếu về việc xuất nhập cảnh mỗi khi con cái về nước.

 

- Giữ liên lạc với nhóm bạn thường chơi với con em mình trong trường hay nhóm bạn ở chung nhà.

 

- Kiểm soát hiệu quả việc chu cấp tiền học, chi phí sinh hoạt.

 

Hoàng Cửu Long
(Từ Singapore)
Thanh Niên