Du học sinh: “Tết đến âm thầm trong đêm giao thừa!”.

(Dân trí) - “Ngày Tết, những công dân Việt Nam ít ỏi trên sa mạc phủ đầy tuyết trắng vẫn tụ họp bên nhau, tự tay sửa soạn phông màn, bàn ghế, cùng nhau chế biến những món ăn cổ truyền của dân tộc, nâng ly chúc mừng năm mới... Tết đến âm thầm trong đêm giao thừa, tan biến lặng lẽ khi buổi sáng đầu tiên của năm mới bắt đầu”, một số du học sinh nổi tiếng, chia sẻ cảm xúc nhân dịp Tết Nguyên đán.

Nguyễn Trung Dũng- Du học sinh Kazakhstan: “Tết đến âm thầm trong đêm giao thừa”.

Được biết, đây là năm thứ hai Dũng ăn tết xa nhà. Theo em, cái xa này không chỉ được cảm nhận bởi tình cảm gia đình mà còn là không khí của một ngày lễ lớn của dân tộc. Bởi vì em đang là lưu học sinh học tập tại nước ngoài.

Nguyễn Trung Dũng
Nguyễn Trung Dũng

Nguyễn Trung Dũng- chàng trai từng gây xôn xao trong kỳ tuyển sinh ĐH 2012 với bức tâm thư gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về lỗi sai trong đề thi tiếng Anh. Sau khi theo học tại Học viện Ngoại giao, Trung Dũng xin được học bổng du học tại Hungary, Kazakhstan, Áo và Thổ Nhĩ Kỳ. Cậu bé sinh năm 1994 quyết định chọn Kazakhstan để theo đuổi ước mơ.

Tết năm nay đến sớm hơn mọi năm, đúng 2 tuần sau kì nghỉ Tết dương lịch của sinh viên tại đây. Mặc dù Dũng đang bắt đầu một kì học mới với đống bài tập và giáo trình, nhưng mỗi lần mở facebook hay lướt một trang báo mạng Việt Nam,em vẫn không thể tránh được cảm xúc bị xáo trộn, nôn nao chờ đến đêm giao thừa, tò mò xem năm nay Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có hoạt động gì mới không, mong ngóng đợi chương trình Táo Quân, và tất nhiên là không quên gọi điện về cho gia đình để cập nhật xem nhà mình năm nay có gói bánh chưng không, mua đào hay mua quất chưng Tết, chị gái năm nay làm những loại mứt gì, món bò kho của mẹ có ngon như mọi năm không …

“Nhưng, tất cả chỉ có thể là được nghe, được nhìn qua đường truyền Internet hay màn hình điện thoại, cứ như đang xem một trận đá bóng qua vô tuyến mà không được có mặt tại sân thi đấu để hòa chung vào cái không khí rộn ràng đó, sự nhớ nhung từ đó mà bắt đầu len lỏi vào từng nhịp tim. Nó không hẳn là buồn, không hẳn là cô đơn, không hẳn là tủi thân, mà chỉ là một khoảng trống mong manh dễ làm em xúc động mỗi khi được đánh thức”, Dũng nói.

Dũng cho biết thêm, em đang học tập tại thủ đô Astana, Kazakhstan. Chỉ có duy nhất 2 sinh viên Việt Nam và 3 gia đình Việt kiều tại đây nên không khí Tết Nguyên Đán dù có, vẫn không đủ để sưởi ấm sự trống trải trong tiết trời giá lạnh âm hai mấy độ.

Mặc dù vậy, theo em, sự xa xôi đôi khi làm ta cảm nhận rõ ràng hơn giá trị của gia đình, của hai từ đồng bào, của hai tiếng dân tộc. Tại đây, những công dân Việt Nam ít ỏi trên sa mạc phủ đầy tuyết trắng vẫn tụ họp bên nhau, tự tay sửa soạn phông màn, bàn ghế, cùng nhau chế biến những món ăn cổ truyền của dân tộc, nâng ly chúc mừng năm mới, hòa điệu trái tim trong tình yêu dân tộc, để sáng sớm hôm sau, ai nấy lại trở về với công việc của mình.

“Sau giây phút đón năm mới ấy, các cô chú thì đi làm, tôi vẫn đi học bình thường. Tết đến âm thầm trong đêm giao thừa, tan biến lặng lẽ khi buổi sáng đầu tiên của năm mới bắt đầu. Nhưng Tết vẫn luôn ở đó, trong trái tim tôi”, Dũng tâm sự.

Ninh Đức Hoàng Long- Du học sinh Hungary: “Nhớ nhất mâm cỗ sáng mùng 1 Tết"

Hoàng Long chụp cùng Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hungary
Hoàng Long chụp cùng Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hungary

Đây là cái tết thứ ba tôi xa Việt Nam. Tôi và các bạn du học sinh khác đều phải tới trường bình thương trong dịp tết này. Tuy nhiên vào cuối tuần qua, chúng tôi đã tham gia chương trình tết cộng đồng hàng năm. Đây là cơ hội để chúng tôi cảm nhận được chút gì đó không khí tết nơi đất khách khi được xem pháo hoa, được lì xì, chụp ảnh cùng cây đào cây quất.

Tháng 7 năm 2014, giọng ca “sởn da gà”, chàng du học sinh Việt Nam có tên Ninh Đức Hoàng Long đã trở thành “hiện tượng mới” trên mạng internet, được báo chí Hungary đưa tin liên tục. Tiếp theo đó, không chỉ một số tờ báo mà truyền hình Hungary cũng đồng loạt phỏng vấn, đưa tin về Long. Thậm chí, tờ báo chính thống nổi tiếng của Hungary còn gọi Hoàng Long là “ngôi sao mới phát hiện trên Internet”.

Ngoài ra, sinh viên chúng tôi cũng có những kế hoạch riêng vào dịp tết Việt. Nhóm thì đi trượt tuyết, nhóm thì đi du lịch. Đêm giao thừa, chúng tôi tập trung ở một kí túc xá (KTX) nào đó liên hoan với nhau.

Mặc dù vậy, vào dịp tết, cũng như những DHS khác, chúng tôi nhớ gia đình, nhớ không khí cùng mọi người dọn dẹp nhà cửa, đi mua đào quất... rồi không khí sáng 1 tết thanh bình đi chùa cầu may. Đặc biệt, nhớ nhất là cả mâm cỗ sáng mùng 1 cùng gia đình. Những món ăn ấy, mặc dù bên này cũng có nhưng không có hương vị của mẹ nấu.

Tuy nhiên, may mắn hơn của em so với các bạn khác là em đi biểu diễn nên các vô chú trong cộng đồng nhiều người biết nên tết nào cũng “chạy show” đi ăn cỗ. Họ thực sự như gia đình thứ 2, thứ 3 của em vậy.

Hà Duy- Du học sinh Liên bang Nga: “Chúng em cùng nấu cơm tất niên, đón giao thừa và gọi về gia đình cập nhật tình hình đón tết”.

Tết Nguyên đán cũng trùng vào dịp thi cuối kỳ của du học sinh ở đây. Thường mọi người sẽ phải đi học, đi thi bình thường và không có thời gian chuẩn bị cũng như đón Tết. Năm nay, may mắn em thi sớm nên được nghỉ đúng vào dịp Tết.

Nguyễn Hà Duy
Nguyễn Hà Duy

Những ngày này, tại thành phố em, mọi người đã cùng nhau gói bánh chưng để có thêm hương vị Tết Việt ở xa xứ. Bọn em sẽ cùng nhau nấu cơm tất niên, đón giao thừa và việc quan trọng nhất là gọi về nhà cho ba mẹ để cập nhật tình hình đón Tết.

Nguyễn Hà Duy, ngành Luật, Đại học Tổng hợp Quốc gia Astrakhan, Liên Bang Nga gửi lời chúc từ đất nước lạnh giá. Hà Duy là trưởng ban tổ chức cuộc thi Miss Du học sinh Việt 2015.

Sau hôm đó, mọi người vẫn đi học, đi làm như bình thường. Đối với em Tết là khoảnh khắc để nhớ về gia đình ở Việt Nam. Cảm xúc chung của những người đón tết xa quê như em là nhớ nhà, nhớ bữa cơm tất niên chiều 30, nhớ khoảnh khắc gia đình quây quần đón giao thừa.

Mỹ Hà (ghi)- Ảnh: NVCC

(Email:myha@dantri.com.vn)