Dự thảo Luật GDĐH: Không “né” vấn đề nóng

Sau thời gian tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo Luật giáo dục đại học (GDĐH) dự kiến trình Quốc hội vào ngày mai (25/5).<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1827/Du-thao-luat-Giao-duc-dai-hoc.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Dự thảo luật Giáo dục đại học</b></a>

Dự thảo Luật GDĐH: Không “né” vấn đề nóng
Khi kết quả kiểm định chất lượng được công bố, học sinh không còn tù mù trong chọn lựa trường. Trong ảnh: Học sinh Tiền Giang tham dự tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2012.
 
Dự thảo Luật GDĐH: Không “né” vấn đề nóng
Trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh), phó trưởng ban soạn thảo, cho biết:
 
- Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội phối hợp với ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo lần thứ hai Luật GDĐH. Bản dự thảo này đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo và cán bộ quản lý qua nhiều kênh khác nhau. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp cũng như kết luận của những người chủ trì, ủy ban tiếp tục hoàn thiện dự thảo lần thứ ba của Luật GDĐH trình Quốc hội thông qua.

"Cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ, thực hiện quy chế và chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo, hình thức đào tạo theo niên chế hoặc học chế tín chỉ; in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học; công bố công khai các thông tin liên quan về văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH." - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

 
* Ở kỳ họp trước, khi dự thảo Luật GDĐH được trình, có đại biểu đánh giá đây là luật “né” vì nội dung dự luật né tránh các vấn đề nóng bỏng của GDĐH. Dự thảo lần thứ ba giải quyết vấn đề này như thế nào?
 
- Nếu những vấn đề “nóng” của GDĐH bị “né” trong dự thảo lần một, sau đó được xử lý một cách khái quát trong dự thảo lần hai thì trong dự thảo lần ba, những vấn đề này đã được xử lý một cách cụ thể và triệt để.
 
* Chẳng hạn vấn đề tự chủ đại học từng bị cho là nửa vời, hình thức. Trong dự thảo trình Quốc hội lần này, vấn đề này có được điều chỉnh?
 
- Đúng là trong dự thảo lần thứ nhất, vấn đề tự chủ đại học còn rất mờ nhạt. Trong dự thảo lần thứ hai, quyền tự chủ được đưa vào nhưng dưới hình thức được giao, có điều kiện. Còn trong dự thảo lần thứ ba, tự chủ được xem là thuộc tính của cơ sở GDĐH. Khi cơ sở được phép hoạt động thì có đầy đủ các quyền đã được quy định cụ thể trong dự thảo luật. Đây là một sự tiến bộ rất lớn về tự chủ đại học trong dự thảo luật.
 
* Cụ thể, cơ sở GDĐH có những quyền tự chủ như thế nào?
 
- Dự thảo quy định rõ cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động chủ yếu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, bảo đảm chất lượng GDĐH; được tự chủ trong những hoạt động khác phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường.
 
Trong đào tạo, các trường được tự chủ phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo; tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh là thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh; tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; thủ trưởng cơ sở GDĐH tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình GDĐH để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở GDĐH trên cơ sở thẩm định của hội đồng thẩm định giáo trình do thủ trưởng cơ sở GDĐH thành lập.
 
* Được giao nhiều quyền tự chủ, người ta cũng lo ngại tình trạng “cá mè một lứa” khi chất lượng các cơ sở GD-ĐT còn chênh lệch nhau quá nhiều. Dự luật xử lý vấn đề phân tầng đại học ra sao?
 
- Dự thảo lần ba đã bổ sung các điều khoản và làm rõ phân tầng cơ sở GDĐH. Điều 4 của dự thảo nêu rõ phân tầng cơ sở GDĐH là việc phân chia hệ thống cơ sở GDĐH thành các loại trường khác nhau dựa trên chất lượng đào tạo và kết quả nghiên cứu khoa học. Điều 9 của dự thảo nêu các cơ sở GDĐH được phân tầng thành các đại học nghiên cứu, các đại học ứng dụng và các trường cao đẳng huấn luyện nghề nghiệp. Trên cơ sở phân tầng này, điều lệ trường đại học sẽ quy định xếp hạng chất lượng trong từng nhóm trường dựa vào kết quả kiểm định chất lượng GDĐH.
 
Điều 12 của dự thảo luật nêu rõ phân tầng cơ sở GDĐH theo chất lượng đào tạo và kết quả nghiên cứu khoa học để có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với vị trí, vai trò, năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH. Theo đó Nhà nước đầu tư ngân sách có trọng điểm để hình thành một số cơ sở GDĐH chất lượng cao theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội, các ngành khoa học và công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
 
Việc phân tầng đại học đã được quy định trong dự thảo luật theo hướng củng cố chất lượng đào tạo của các trường đại học theo định hướng ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo kỹ thuật viên. Đồng thời tập trung đầu tư phát triển các trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Các đại học nghiên cứu này có vai trò đặc biệt quan trọng để chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế tri thức khi nước ta hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Như vậy, phân tầng đại học đã được xử lý một cách cụ thể trong dự thảo luật lần này. Khái niệm này không được đề cập trong các dự thảo luật trước đây.
 
* Như vậy, có rất nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo, kết quả nghiên cứu khoa học của các trường. Dự thảo có những quy định đủ mạnh để buộc các trường phải nghiêm túc thực hiện các tiêu chí bảo đảm chất lượng cũng như kiểm định chất lượng?
 
- Điều 49 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở GDĐH trong việc bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH. Theo đó, cơ sở GDĐH xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng GDĐH; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở GDĐH; được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD-ĐT công nhận để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở GDĐH. Cơ sở GDĐH có trách nhiệm thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT, của cơ sở GDĐH và phương tiện thông tin đại chúng khác.
 
Theo Võ Hùng
Tuổi Trẻ