Dự thảo thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH,CĐ: Nên đơn giản hóa hơn!

(Dân trí) - Sử dụng từ “ Người thân” không được tham gia các Ban tuyển sinh hay Ban in sao đề thi... là thiếu xác định; ghi: “sử dụng văn bằng tốt nghiệp không hợp pháp” chưa được chỉnh sửa cho phù hợp; Nên thống nhất điểm ưu tiên về thang điểm 20; Có thể đơn giản hóa bằng cách không dùng mã vạch trên Giấy chứng nhận kết quả thi...

Đó là những điểm cần chỉnh sửa trong Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 mà PGS.TS Lê Trọng Thắng, trường ĐH Mỏ - Địa chất góp ý.

PGS.TS Lê Trọng Thắng, trường ĐH Mỏ - Địa chất nhận định: “Thực hiện Nghị quyết 29, Hội nghị trung ương 8 khóa 11 về Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, Bộ Gíao dục và Đào tạo đã không ngừng nỗ lực nhằm đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Có thể nói, với sự quyết tâm cao và tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của xã hội, đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã được thực hiện một cách kỹ lưỡng.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Quy chể thi tốt nghiệp THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015. Có thể nói, cả hai bản quy chế này đều được chuẩn bị hết sức công phu, nội dung có tính kế thừa đối với các quy chế trước đây và được bổ sung thêm những quy định mới phù hợp với yêu cầu của công tác đổi mới trong thi và tuyển sinh”.

Nên thống nhất điểm ưu tiên về thang điểm 20

Nên thống nhất điểm ưu tiên về thang điểm 20

Quy chế thi THPT quốc gia: Một số điểm chỉnh sửa chưa phù hợp!

Những điểm tích cực của quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia là đã phát huy được những mặt tích cực của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, những mặt tích cực của Thi ba chung và bổ sung thêm một số điểm mới. Việc đưa môn ngoại ngữ vào môn bắt buộc là phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Mặt khác, nội dung Quy chế cũng đưa ra sự lựa chọn thay thế cho những đối tượng thí sinh chưa có điều kiện học tốt môn ngoại ngữ là phù hợp với điều kiện hiện nay ở nước ta. Việc sử dụng thang điểm 20 có ưu điểm làm tăng độ chính xác của việc chấm bài thi và phù hợp với đặc điểm của các môn thi, ngoại trừ đối với môn ngoại ngữ nên sử dụng thang điểm cao hơn và quy đổi về thang điểm 20.

Việc cho phép thí sinh miễn thi ngoại ngữ khi đạt chứng chỉ theo quy định như trong nội dung dự thảo là phù hợp. Cách xét tốt nghiệp kết hợp giữa kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp là hợp lý, bảo đảm đánh giá khách quan kết quả học tập của thí sinh và hạn chế được khả năng học lệch.

Tuy vậy, trong nội dung Quy chế cũng còn một số vấn đề cần trao đổi để Cơ quan soạn thảo có thể xem xét chỉnh sửa, cụ thể: Trong Ban thư ký nên bổ sung thêm tổ Giao bài thí để làm nhiệm vụ giao và nhận bài thi cho tổ chấm. Với cơ cấu tổ chức như vậy sẽ hạn chế tiếp xúc giữa tổ giao bài và tổ làm phách, cũng như tổ phách và tổ chấm thi; Tại khoản 3, mục b, Điều 9 Quy định nhiệm vụ của trường THPT làHoàn thiện dữ liệu đăng ký dự thi và chuyển dữ liệu cho sở GDĐT; in và gửi Giấy báo dự thi cho thí sinh” trong khi đó việc làm công tác chuẩn bị như đánh số báo danh, xếp phòng thi lại do Ban thư ký Hội đồng tuyển sinh thực hiện.

Trường THPT muốn in được Giấy báo dự thi cần phải có đầy đủ dữ liệu. Nếu muốn thực hiện được việc in giấy báo dự thi như quy định thì cần phải bổ sung thêm quy chế trách nhiệm chuyển dữ liệu của Hội đồng tuyển sinh cho các trường liên quan; Điều 14, khoản đ chỉ nên quy định không được đánh dấu đối với bài thi tự luận mà không cần phải quy định đối với bài thi trắc nghiệm. Bởi vì, trên bài thi trắc nghiệm không đánh Phách và quy trình xử lý bài thi là quy trình mở; Trong Quy chế sử dụng từ “ Người thân” không được tham gia các Ban tuyển sinh hay Ban in sao đề thi... là thiếu xác định, rất khó cho người thực thi.

Nên diễn đạt “người thân” như trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng và được quy định cụ thể đối tượng; Tại khoản 4, Điều 50: Xử lý thí sinh vi phạm quy chế ghi: “ tước quyền vào học các trường ngay trong năm đó. Mục b ghi: “sử dụng văn bằng tốt nghiệp không hợp pháp” có lẽ là nội dung được sử dụng lại trong Quy chế tuyển sinh đại học cao đẳng trước đây, nhưng chưa được chỉnh sửa cho phù hợp. Vì thực tế thí sinh đang dự thi tốt nghiệp.

Có lẽ điều quan trọng còn lại trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia là cần phải cụ thể hóa quy chế phối hợp giữa các đơn vị cũng như chi tiết hóa lịch trình thực hiện các nội dung công việc giữa các đơn vị. Đây là vấn đề dễ gây nên những bất cập trong quá trình thực hiện tổ chức thi. Bởi vậy nó có ý nghĩa quyết định nhiều đến sự thành công của đợt thi.

Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ: Nên thống nhất điểm ưu tiên về thang điểm 20

Việc hoàn thiện dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015 đã cho thấy được đầy đủ bức tranh về phương án tuyển sinh theo tinh thần đổi mới.

Nội dung Quy chế cũng được Ban sọan thảo kế thừa tốt Quy chế tuyển sinh trước đây và bổ sung những nội dung thích hợp theo các phương án xét tuyển cũng như tổ chức thi tuyển sinh riêng, nhưng vẫn bảo đảm tính tự chủ của các trường. Việc cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo từng đợt được xử lý bằng sử dụng mã vạch là giải pháp đúng. Quy định thí sinh đã trúng tuyển đợt nào đó thì không được nộp tiếp giấy chứng nhận kết quả thi vào các đợt sau đã giải quyết được đồng thời hai vấn đề: vừa bảo đảm được quền lợi tối đa cho thí sinh, nhưng đồng thời hạn chế được lượng thí sinh ảo thường gây khó khăn cho các trường khi tuyển sinh.

Trong quy chế cũng có nội dung cần trao đổi như: nên thống nhất điểm ưu tiên về thang điểm 20 và việc xét tuyển cũng thực hiện theo cùng thang điểm đối với tất cả các trường; Có thể đơn giản hóa bằng cách không dùng mã vạch trên Giấy chứng nhận kết quả thi mà ghi luôn dòng chữ quy định riêng cho từng đợt xét tuyển.

Có thể nói, việc ban hành Dự thảo của quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy năm 2015 là kết quả quan trọng cho việc triển khai các bước tiếp theo. Tuy nhiên, để bảo đảm thắng lợi công tác thi và tuyển sinh theo hướng đổi mới đề ra thì công tác tổ chức, triển khai thực hiện không kém phần quan trọng, đòi hỏi các đơn vị liên quan trong hệ thống phải có sự phối hợp chặt chẽ và cụ thể trong việc giải quyết các nhiệm vụ đặt ra.

PGS.TS. Lê Trọng Thắng

Trường Đại học Mỏ-Địa chất