Cần Thơ:

Đưa học sinh đến di tích để học Sử

(Dân trí) - Trong những ngày qua, nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa tại thành phố Cần Thơ rộn ràng hẳn lên bởi những chuyến tham quan và học tập, sinh hoạt của các em học sinh, thanh niên, đoàn viên đến từ 13 phường của quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Hoạt động đưa các bạn trẻ (chủ yếu là học sinh THCS và THPT) đến các di tích là phong trào thường niên do Quận đoàn Ninh Kiều phối hợp với các phường và trường học tổ chức. Hàng năm, phong trào đã thu hút hàng ngàn lượt học sinh và đoàn viên tham gia.

Đưa học sinh đến di tích để học Sử - 1

Mấy ngày qua, tại di tích văn hóa lịch sử Khám lớn Cần Thơ rất đông bạn trẻ đến tham quan và tìm hiểu.

Điểm đến của các bạn trẻ là di tích lịch sử văn hóa Khám lớn Cần Thơ (đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996) hay di tích Giàn Gừa (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền)…Khi đến đây các em học sinh không chỉ được các thuyết minh viên tận tình hướng dẫn tham quan các hạng mục tại Khám lớn Cần Thơ mà còn được nghe về truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất của cha ông và quá trình đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, nhiều cán bộ, chiến sĩ cộng sản và đồng bào yêu nước ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận bị bắt và giam cầm trong nhà tù này.

Sau phần tham quan các em còn được tham gia các trò chơi để hóa thân vào các vị anh hùng như: Mật Thư - biết các anh hùng giấu thư để qua đồn giặc bằng cách nào; Cướp Ngục - để biết được hành trình gian nan để cứu đồng đội đang bị giam nơi đồn giặc; Vượt Ngục - để thấu hiểu được vì đất nước mà các anh đã hy sinh như thế nào. Sau khi tham gia xong các trò chơi, các em được vệ sinh di tích, lau nhà, quét lá cây để giúp cho các em biết giữ vệ sinh môi trường và bảo tồn di tích.

Đưa học sinh đến di tích để học Sử - 2

Sau khi tham quan, các em học sinh còn được các anh đoàn viên tổ chức các trò chơi dân gian và các trò chơi "Mật Thư", "Vượt Ngục"... để hóa thân vào các chiến sĩ cách mạng năm xưa.

Một nữ sinh Trường THCS Lương Thế Vinh chia sẻ: “Đến những di tích như thế này em thấy thiết thực lắm, nhất là nghe các chị thuyết minh nói về sự anh dũng, mưu trí đấu tranh của các cô chú lãnh đạo, các anh hùng trẻ tuổi như anh Trần Đống (14 tuổi), Nguyễn Ngọc Trai (16 tuổi)… Chúng em cảm phục vô cùng. Riêng cá nhân em cảm thấy với môn lịch sử, để học tốt, nhớ lâu và biết sử nhà thì những kiến thức sách vở chỉ thôi thì chưa đủ mà cần có những chuyến đi thực tế như thế này”.

Đưa học sinh đến di tích để học Sử - 3

Việc đưa học sinh đến di tích, không chỉ tham quan, sinh hoạt, các em còn ý thức lao động, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng (các em học sinh làm vệ sinh tại khu di tích Giàn Gừa).

Nguyễn Hành - Ý Liên