Đua nhau đi học để… thư giãn

Chuyện học tập căng thẳng nói đã nhiều. Tuy nhiên, không phải không có những lớp học mà người học tự nguyện tham gia như tìm đến một nơi giải trí lành mạnh và đem lại niềm vui được làm mới mình.

Rủ nhau đi học đi hành

Các lớp học ngắn hạn (có tổ chức thi lấy chứng chỉ hay không) hiện nay rất nhiều: lớp ngoại ngữ, lớp về kỹ năng sống, âm nhạc, nấu ăn…

Còn những người nghiện học thì đa phần đều là sinh viên, những công chức trẻ mà công việc chính của họ không hề nhàn rỗi.

Những người học cho vui không thuộc diện buổi đi buổi nghỉ hay biến lớp học thành nơi hẹn hò. Trái lại họ có thái độ học rất nghiêm túc.

Nhiều học viên học lớp tiếng Anh của thầy Lê Anh Dũng phố Hàng Bài (Hà Nội) đều khâm phục chị Thu Anh (giảng viên môn Tự động hóa- ĐH Giao thông Vận tải đã tham gia lớp học này… 13 khóa. Chị theo học đã 5 năm ở lớp thầy Dũng, cần mẫn đi học, nắng cũng như mưa từ khi còn là SV của Đại học Bách khoa.

Sau khi tốt nghiệp, có công việc ổn định, chị vẫn đi học vì theo chị: “Đến lớp rất vui. Hòa đồng với các bạn SV khiến mình thấy trẻ lại. Ngoài ra những bài dịch của thầy rất cập nhật với thông tin thời sự nên đi học cũng là một cách để mình tiếp cận với những thông tin mới”.

Thu Hường (SV Đại học Văn hóa) đăng ký học một lớp nấu ăn của Trường Kỹ thuật ăn uống phục vụ Hà Nội với mức học phí 1,5 triệu đồng/khóa. Cô nàng phải đi làm thêm cả mùa hè để có thể tự lo số học phí không hề nhỏ. “Tớ thích nấu ăn từ nhỏ nên quyết tâm học, mặc dù có thể không sử dụng chứng chỉ nấu ăn vào công việc sau này nhưng được học đúng thứ mình thích cũng thú vị lắm”- Hường hào hứng.

Có cung ắt có cầu, các lớp học thêm, các trung tâm và câu lạc bộ đáp ứng nhu cầu học hỏi bổ sung kiến thức về những lĩnh vực rất đời thường xuất hiện ngày càng phong phú: Trung tâm Tâm Việt chuyên dạy về các kỹ năng sống, CLB Tiền hôn nhân (ở cung Văn hóa Hữu nghị), những lớp học nữ công gia chánh của Hội phụ nữ thành phố…

Người đến học ở những địa điểm này ngày càng đông dường như dự báo một xu hướng: Khi nhu cầu ăn no, mặc ấm đã phát triển thành ăn ngon, mặc đẹp thì có lẽ nhu cầu học cũng không chỉ bó gọn trong việc nạp những kiến thức phổ thông hay một nghề để làm “cần câu cơm”.

Học là một thú vui!

Nhiều bạn trẻ đã chứng minh điều đó khi họ tìm ra nhiều hình thức học khá mới lạ. Không chỉ học ở lớp mà những người thích học ngoại ngữ thường tìm đến học hỏi, giao lưu ở các CLB, Hội đồng Anh hay Viện Gớt, các Đại sứ quán…

Đến những câu lạc bộ Tiếng Anh như CLB ở Trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội), bạn có thể thấy cả những người trình độ tiếng Anh rất khá, phát âm chuẩn vẫn đến tham gia. Anh Lê Sử từng là du học sinh ở Đức cho rằng: “Ở đây mọi người tranh nhau nói chứ không có chuyện đùn đẩy nhau như ở lớp học chính khóa”.

Đến CLB vào chiều Chủ nhật hàng tuần bạn sẽ thấy không khí học tập “sôi sục” khi các nhóm quây lại thảo luận, tiếng “diễn thuyết” rào rào cùng với các loại “ngôn ngữ cử chỉ” được sử dụng tối đa. Ban chủ nhiệm CLB còn xây dựng những vở kịch ngắn có liên quan đến đề tài  đang thảo luận do các thành viên CLB thủ vai. Có những vở kịch hài hước giúp cả “diễn viên” và người xem vừa cười nghiêng ngả vừa học được từ mới rất nhanh và lâu quên.

Ngô Phương Anh  - thủ khoa đầu vào trường ĐH KHXH&NV Hà  Nội năm 2003 - chia sẻ: “Ai cũng biết học với niềm hứng thú say mê sẽ hiệu quả hơn là việc học với tâm lý bị ép buộc. Nhưng quan trọng hơn là phải tìm cách biến nghĩa vụ thành niềm say mê.

Mình đang học chuyên ngành Ngôn ngữ rất khó và nhiều người cho là khô khan. Mình tìm cách để học môn này cho “vui” hơn: tham gia các buổi thảo luận, tổ chức các cuộc thi, học theo nhóm, tìm những đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực… Có rất nhiều cách học sáng tạo mà mỗi người có thể tự nghĩ ra”.

Nhận xét về xu hướng này, cô Thúy Bình (Giảng viên phương pháp của Học viện Báo chí & Tuyên truyền) cho rằng: “Nhìn qua thì những người đó (người đi học “cho vui”) dường như đang mất thời gian vào những việc vô bổ. Nhưng thực ra không ai đi học mà không có một mục đích nào đó. Bên cạnh mục đích giải trí lành mạnh thì còn là một cách để bổ trợ thêm những kiến thức mà nhà trường chưa có điều kiện cung cấp được. Cách học này  hoàn toàn tự nguyện và cũng không có thi tuyển ngặt nghèo, người học được tự do lựa chọn nên tính chủ động của họ được nâng cao rõ rệt”.

Ngành giáo dục đang đau đầu đối phó với bệnh thành tích, với nạn bằng giả từ cấp phổ thông đến những học vị cao như thạc sĩ, tiến sĩ… Trong khi đó khá nhiều người đi học không phải vì  bằng cấp, không phải để tăng lương, lên chức, đơn giản vì họ yêu thích.

Theo Bảo Phượng
Tiền Phong