Đừng phủi “sạch trơn” giá trị SGK hiện nay

(Dân trí) - “Tôi rất bất bình trước việc một số người phủi “sạch trơn” giá trị SGK hiện nay. Chúng ta không nên quy kết, phủ nhận công sức của đội ngũ những người viết sách mà cần tìm ra những vấn đề chưa phù hợp trong sách để điều chỉnh cho phù hợp hơn”.

Đại diện cho Hội Cựu giáo chức Việt Nam, GS Nguyễn Mậu Bành trao đổi với đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá chương trình-SGK phổ thông.

GS Bành cũng khẳng định: “Tình từ khi cách mạng tháng 8 thành công đến nay, lần đầu tiên ở nước ta các em học sinh có một bộ SGK đẹp”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì đánh giá SGK là xác định mức độ đáp ứng của SGK đối với mục tiêu giáo dục; sự phù hợp với trình độ chuyên môn của giáo viên và trình độ nhận thức của học sinh; sự thống nhất với nội dung, yêu cầu của chương trình và tính hiệu quả của SGK trong quá trình giáo dục. Do đó việc nhận định về SGK cần có cơ sở khoa học đảm bảo tuân theo Luật giáo dục.

Ông Hiển cũng thẳng thắn nhìn nhận là do hạn chế về thời gian và các điều kiện thực hiện nên việc đánh giá SGK lần này chủ yếu dựa vào mức độ đảm bảo tính khoa học và sư phạm; mức độ đảm bảo thống nhất với chương trình và mức độ đảm bảo tính khả thi.

SGK hiện tại ưu điểm nhiều hơn bất cập

“Trong số 12 tiêu chí mà Bộ GD-ĐT gửi về các Sở GD-ĐT để yêu cầu đánh giá SGK thì có 8 tiêu chí mà phần lớn những người tham gia cho rằng SGK hiện tại đạt được, chỉ có 4 tiêu chí là phần lớn phản đối”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Theo những nhà giáo tham dự hội thảo thì nội dung trong SGK mới của hầu hết các môn học đều đảm bảo tính chính xác, khoa học, hiện đại, tương đối cập nhật với sự phát triển của khoa học công nghệ và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

“Cách trình bày của SGK giúp giáo viên dễ dàng xác định trọng tâm bài giảng, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm bài học. SGK không chỉ nêu nội dung kiến thức mà đã chú trọng đến việc thiết kế các hoạt động học tập, nên thực sự trở thành tài liệu định hướng giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, hỗ trợ học sinh tự học, tự phát hiện và chiếm lĩnh tri thức mới”, đại diện Hội khuyến học Việt Nam nhìn nhận.

Các đại biểu cũng nhất trí rằng hiện nay cấu trúc sách nhìn chung là hợp lý với bố cục thống nhất, mục tiêu bài học rõ ràng, ngôn ngữ trong sáng theo chuẩn phổ thông, phù hợp với tâm lý học sinh. Chất lượng giấy in tốt, khổ sách rộng, trình bày đẹp… giúp cho học sinh dễ sử dụng và thích thú.

“Sạn” không ít những có thể “làm sạch” được

GS Nguyễn Mậu Bành thẳng thắng nhìn nhận: “Hiện nay SGK có nhiều ưu điểm nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều bất cập. Chính điều này đã làm cho dư luận và xã hội bất bình”.

Minh chứng cho sự bất cập trên, GS Bành chỉ ra: “Nhiều thuật ngữ trình bày trong một số SGK còn khó, trừu tượng hoặc chưa chuẩn xác, chưa nhất quán trong một lớp, giữa các lớp, giữa các cấp học. Cách trình bày một số SGK có đôi chỗ khá rườm rà, khó hiểu, như ở SGK môn Giáo dục công dân và môn Sinh học THPT...”.

Tán đồng với nhận định của GS Bành, các nhà khoa học thuộc liên hiệp các hội KHKT Việt Nam đánh gia thêm: “SGK hiện nay còn có một số bài yêu cầu kiến thức còn nặng, dài dòng, yêu cầu ghi nhớ máy móc nhiều, chưa phù hợp với phần đông học sinh mà chỉ phù hợp với những học sinh tự giác và học lực khá, giỏi...

Việc phân phối thời lượng ít khiến cho giáo viên khó đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức hoạt động học tập của học sinh”.

Thực tế và cũng là điều bất cập nhất hiện nay, các đội ngũ nhà giáo cho rằng: “Do trong qua trình viết SGK, các tác giả chưa thực sự chú ý đến điều kiện vùng miền, trình độ nhận thức của từng học sinh vùng nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số. Chính vì điều này mà một số cuốn SGK trở nên rất khó với những đối tượng này”.

Nhìn nhận những vấn đề bất cập về SGK, Thứ trưởng Hiển thừa nhận SGK vẫn còn nhiều “sạn” nhưng vẫn có thể “sạch được”. Do đó không nên viết lại chương trình SGK khi mà bộ sách hiện nay đang có khá nhiều ưu điểm.

“Những sai sót đó có thể điều chỉnh và sửa đổi cho phù hợp. Nếu cần thiết thì có thể đính chính những phần đó phát miễn phí cho học sinh. Hiện nay nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển vẫn thực hiện theo phương thức này”, ông Hiển kết luận.

Nguyễn Hùng