Bạn đọc viết:

Đừng vội trách khi trẻ con lười đọc sách

(Dân trí) - Trẻ con thời nay lười đọc sách. Thì có gì lạ, tivi nối mạng, các em có thể xem phim hoạt hình, xem hàng trăm clip hài hước và vui nhộn; các em say sưa chơi game trên điện thoại đến đờ đẫn, mụ mị. “Đọc sách mệt lắm, con không thích.”

Đừng vội trách trẻ con chán sách khi người lớn cũng lạnh nhạt và quay lưng với sách báo. Chúng ta có thể thấy một phản ứng dây chuyền trong gia đình: bố mẹ sôi sục kể về những tin nóng, tin giật gân trên mạng xã hội, con trẻ dạy nhau hát ầm ĩ mấy bài nhạc chế xuyên tạc, hợm hĩnh và cười ầm ĩ. Những câu chuyện đẹp người tốt việc tốt, những quyển sách thú vị đâu còn mấy ai chia sẻ trên facebook, bởi chia sẻ đâu có nhận được tín hiệu từ phía bạn bè, không có sự cộng hưởng khiến ai đó yêu sách thấy mình lạc lõng.

Nhưng đừng vội nản lòng và mải chạy theo trào lưu. Tôi tin những cuốn sách luôn trở thành bạn đồng hành, bạn tri kỷ thầm lặng của mỗi chúng ta. Ngày nhỏ, tôi chỉ ao ước đọc truyện tranh Đô rê mon nhưng chẳng có tiền mua, mượn truyện cũng khó nếu đấy không phải là bạn thân.

Khi làm mẹ của hai đứa trẻ, tôi thấy các con mê tít bộ truyện nổi tiếng này và thường phải nghe bố mẹ mắng mỏ vì tội mê truyện. Khi thấy con gái nhỏ chưa biết chữ cứ cầm quyển truyện xem chăm chú và đòi mẹ đọc truyện Đô rê mon mỗi tối trước giờ ngủ, tôi mới cảm nhận rõ rệt độ "thôi miên" của bộ truyện nổi tiếng này. Sức tưởng tượng vô biên, mỗi nhân vật đều có cá tính điển hình và quan trọng nhất bộ truyện đáp ứng được hàng ngàn câu hỏi rắc rối, những mơ ước rất trẻ con của lũ trẻ: được vui chơi thỏa thích, được sáng tạo, được tò mò khám phá. Những cuốn truyện tranh hấp dẫn ấy trở thành phần thưởng cho các con khi con chăm học, phụ giúp bố mẹ việc nhà hay chỉ đơn giản là con làm được việc tốt với bạn bè xung quanh.

Năm nào tôi cũng đi hội sách, những quyển sách được tôi lựa chọn kĩ càng theo sở thích của tôi và các con. Phải mua sách thật đều kẻo em tị với anh, em gái bé vẫn là những quyển truyện tranh sặc sỡ sắc màu, anh lớn là cuốn truyện cổ tích dày dặn, những quyển truyện thiếu nhi hấp dẫn của các nhà văn tên tuổi như Võ Quảng, Trần Hoài Dương...

Tôi luôn mong muốn trẻ con yêu thích việc đọc sách bằng cách chia sẻ, rủ nhau cùng đọc sách. Thật thú vị khi chứng kiến cảnh lũ trẻ xúm xít ngồi ở phòng khách, trên ghế đá cạnh vườn hoa nhỏ xinh mà chăm chú đọc sách, xem tranh và cười đùa rộn rã. Chị đọc em nghe, chị làm cô giáo, em làm học sinh đọc sách, làm bài, chấm điểm y như thật. Hóa ra trẻ con vẫn thích đọc sách, trẻ con mừng húm khi bố mẹ cùng yêu thích truyện tranh giống mình.

Tôi nghĩ, để trẻ con yêu sách thì cần để trẻ đọc sách đúng sở thích của con, sau đó mới hướng trẻ tới những cuốn sách dày đặc chữ với nhiều nội dung và ý nghĩa. Biện pháp đơn giản nhất tôi vẫn làm, đó là dành thời gian đọc những cuốn sách thiếu nhi này, hiểu sơ qua nội dung câu chuyện và gợi mở vài chi tiết thú vị để kích thích con đọc sách.

Trẻ con trong xóm thích đến nhà tôi đọc sách, có lẽ các bạn nhỏ thấy tôi luôn vui vẻ chào đón, sẵn lòng để các bạn bày trò xếp sách báo đầy sàn nhà và chơi trò bán sách, thêm giấy trắng, bút màu để các bạn kẻ vẽ. Lũ trẻ láu lỉnh bày cách tiết kiệm tiền mua truyện bằng cách chia nhau mua các tập khác nhau, cho nhau mượn đọc thỏa thích. Bố mẹ sẽ phát cáu vì con ham đọc truyện tranh. Tôi thường nhắc con học xong bài, làm xong việc nhà hãy đọc truyện, cần sử dụng quỹ thời gian hợp lý thì mới được tiếp tục mua sách, mua truyện mới.

Bản thân tôi khi chia sẻ về những cuốn sách thú vị với bạn bè xung quanh trong câu chuyện thường ngày thì thật mừng, tôi thấy bạn bè tôi cũng luôn trân trọng và yêu mến sách và tất nhiên rồi quà tặng cho lũ trẻ con bao giờ cũng là sách. Hẳn là sách vẫn còn nguyên giá trị trong dòng chảy bộn bề của cuộc sống!

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!