Đường đến Stanford

Duy Thức du học trên đất Mỹ từ thời học trung học. Ngày đó, Thức đã thành công trong các kỳ thi tin học quốc gia Mỹ: giải nhì cuộc thi tin học Mỹ mở rộng năm 2000 và giải nhất năm 2001.

Nhờ thành tích học tập và hoạt động đặc biệt xuất sắc, Duy Thức được chọn vào Trường đại học Carnegie Mellon (CMU) - một trong ba trường đầu ngành công nghệ thông tin của Mỹ. Trường CMU đích thực là môi trường thích hợp để chàng trai trẻ vẫy vùng. Thức bắt đầu nghiên cứu ngay từ năm thứ nhất. Hiện Thức đã có mười công trình, trong đó tám được công bố ở hội nghị quốc tế, hai được chọn đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Tốt nghiệp xuất sắc toàn diện trên mọi lĩnh vực, Thức được khắc tên trên bảng đồng lưu giữ tại Trường CMU.

Do vậy có tới bảy trường đại học đồng ý cấp học bổng tiến sĩ cho Thức: MIT, Stanford, Carnegie Mellon, Berkeley, USC, Washington, Massachusetts Amherst. Vũ Duy Thức có quá nhiều lựa chọn những đại học tên tuổi lớn của thế giới vào năm anh 22 tuổi.

Cuối cùng Stanford đã “thắng”. Trước khi chọn Stanford, anh đã nhiều lần đến thăm trường và rất ấn tượng với con đường thẳng tăm tắp, những bờ cỏ tuyệt đẹp, không gian rộng lớn hài hòa giữa kiến trúc cổ kính và hiện đại, các sinh viên rất đam mê học tập, thân thiện và gần gũi. Nhưng vẻ quyến rũ bên ngoài của Stanford chưa phải là lý do chính để cựu học sinh Trường Phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) chọn lựa.

Nếu bạn được cùng một lúc bảy học bổng làm tiến sĩ, bạn chọn cái nào? Bạn sẽ làm gì khi cả bảy trường đều là những trường tên tuổi? Vũ Duy Thức đã phải trả lời những câu hỏi không đơn giản đó...

Thức nói: “Chính mối quan hệ mật thiết và gắn bó với các công ty tại Thung lũng Silicon của chương trình công nghệ thông tin ở Stanford khiến tôi quyết định chọn nơi đây”. Stanford từ lâu đã giữ vai trò khởi xướng và nuôi dưỡng tinh thần đổi mới công nghệ, ý thức thương mại ở Silicon, bắt đầu từ khi giáo sư Frederick Terman có ý tưởng hình thành và hai cựu sinh viên của trường (Bill Hewlett và David Packard) đặt nhà máy ở thung lũng này, để rồi huyền thoại Hewlett-Packard ra đời.

Duy Thức đã từng tham gia những cuộc gặp gỡ với Sergey Brin, một trong hai cựu sinh viên của Stanford sáng lập Google. Thức rút ra bài học cho mình: “Họ đã có những ý tưởng táo bạo, tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả và họ đã có đủ kiên nhẫn và nghị lực để theo đuổi đến cùng những ý tưởng này, góp phần thay đổi bộ mặt của Internet”.

Đề tài nghiên cứu tiến sĩ của Vũ Duy Thức thuộc lĩnh vực trí thông minh nhân tạo: nghiên cứu tìm ra các giải pháp cho tác nhân tự nâng cao hiệu suất trong môi trường tương tác với các tác nhân khác. Nghĩa là máy tính sẽ được “dạy” để “hiểu” sở thích người đang tìm thông tin, tự động cho ra những thông tin dựa trên sở thích đó. Hệ thống nắm bắt sở thích truy tìm thông tin này nếu thành công sẽ ưu thế hơn hệ thống tìm kiếm Google hiện tại.

Theo Đặng Tươi
Tuổi Trẻ