TPHCM:

Èo uột trường tư

(Dân trí) - Eo hẹp về phòng ốc, ít ỏi HS, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở mức đội sổ là “chân dung” của đa số các trường THPT ngoài công lập ở TPHCM hiện nay. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, 70% trường ngoài công lập có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất eo hẹp.

Không thể chối cãi một thực tế là các trường phổ thông ngoài công lập đang ồ ạt ra đời ở TP.HCM. Năm nay có thêm 7 trường THPT ngoài công lập mới được thành lập ở TPHCM. Tại thời điểm đầu năm học 2009-2010, số học sinh (HS) ở các trường THPT ngoài công lập là 32.000 HS, chiếm khoảng 17,7% tổng số HS toàn thành phố.

Tuy nhiên, sự phát triển của các trường ngoài công lập rất không đồng đều. Có trường vươn lên thành hàng “sao”, nhưng cũng có trường phải đối diện với việc phải giải thể.
 
Èo uột trường tư - 1
Học sinh trường THPT dân lập Nhân văn thi tốt nghiệp năm 2009. (Ảnh: Hoàng Hoa)

Trong khi đa số các trường ngoài công lập hiện nay có chất lượng giáo dục ở mức làng nhàng thì một vài trường đã tạo ra thương hiệu cho mình. Trong kỳ tốt nghiệp THPT năm 2009, có đến 7 trường ngoài công lập đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%. Trong số này, trường tư thục Nguyễn Khuyến có 274 HS đạt loại giỏi, trường tư thục Trương Vĩnh Ký có 30 HS đạt loại giỏi.

Còn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009, theo thống kê của Cục CNTT (Bộ GD-ĐT trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến dẫn đầu cả nước về số thí sinh đạt trên 27 điểm (66 em), vượt lên cả nhiều trường tên tuổi của cả nước. Trong năm 2009, trường này cũng có đến 10 thí sinh trúng tuyển hạng thủ khoa.  

Đội sổ ngành giáo dục

Trong số các trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất TPHCM năm 2009 có rất nhiều tên tuổi các trường ngoài công lập. Có 5 trường ngoài công lập đạt tốt nghiệp dưới 50%. Có thể kể đến một số trường như THPT dân lập Nguyễn Trãi (26,44%), THPT tư thục Hữu Hậu (30,56%), THPT dân lập Hưng Đạo (33%). Có khá nhiều trường không có học sinh đạt tốt nghiệp loại giỏi, nếu có chỉ ở con số đếm trên đầu ngón tay.

Còn nếu nhìn vào lượng HS thì nhiều người phải giật mình vì quá ít ỏi. Tổng số HS của một trường tư thục, dân lập có khi ít hơn cả sĩ số một lớp học ở trường công. Tính đến đầu năm học 2009-2010, trường tư thục Thái Bình Dương chỉ có 24 HS, trường dân lập Úc Châu có 27 HS, trường tư thục Lý Thái Tổ có 37 HS, tư thục Phan Huy Ích có 58 HS…

Cơ sở vật chất được xem là một trong những vấn đề nan giải ở trường ngoài công lập. Các trường tư thục, dân lập nay thuê chỗ này, mai thuê chỗ khác. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, các trường ngoài công lập hiện nay thiếu sân chơi, bãi tập, khu nội trú, thiếu giáo dục ngoại khóa, thực hành thí nghiệm.

Phải tự nâng mình để tồn tại

Năm 2009, trong khi một số trường ra đời thì có trường phải tạm ngưng hoạt động như trường tư thục Nhân Trí, hoặc ngưng tuyển sinh như trường dân lập Nguyễn Trãi. Đây cũng là trường được xem là khá chật vật trong sự tồn tại của mình. Sự vươn lên sống sót của trường Nguyễn Trãi khiến người người bất ngờ vì vào năm 2007, chủ đầu tư đã quyết định giải thể. Nhưng vị hiệu trưởng hiện nay là ông V.Đ.K quyết tâm vực dậy.

Số phận long đong của trường THPT dân lập Nguyễn Trãi bắt đầu từ chính sự thiếu đầu tư của những người bắt đầu kinh doanh giáo dục. Nói như ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM là đầu tư theo kiểu “mì ăn liền”. Trường Nguyễn Trãi khi phải thuê từ kho đông lạnh đến văn phòng sở công an, trường cao đẳng để làm phòng học. Địa điểm học thay đổi xoành xoạch từ quận 3, quận 5 qua quận 1 rồi về quận Tân Phú, Tân Bình.

Mỗi lần chuyển địa điểm như vậy là mỗi lần HS vơi dần đi. Sĩ số HS một lớp có lúc chỉ còn 2 em. Vị hiệu trưởng này nhận tất tần tật các HS bị đuổi từ các trường khác. Có những em bị đuổi từ 4 trường THPT đã đến “trú” tại trường Nguyễn Trãi.

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, đã qua đi cái thời dễ dãi thành lập trường tư thục, dân lập như cách đây mấy năm. Hiện nay, cơ sở vật chất là yếu tố quyết định của việc hình thành một ngôi trường. Trong giai đoạn mới thành lập, khoảng từ 3 đến 5 năm thì có thể còn đi thuê mướn địa điểm chứ sau đó thì các trường ngoài công lập phải xây dựng cơ ngơi riêng của mình.

Trong năm học tới 2010-2011, khi Sở GD-ĐT TPHCM công khai chất lượng đào tạo các trường THPT thì các trường ngoài công lập phải tự nâng mình lên để tồn tại. Theo kinh nghiệm của ông Lê Trọng Tín, hiệu trưởng trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến - một trong số ít các trường THPT ngoài công lập đã tạo được thương hiệu cho mình, để có thể ổn định thì các trường ngoài công lập nên có một đội ngũ giáo viên cơ hữu của mình, để tránh sự xáo trộn ảnh hưởng chất lượng giảng dạy.

Hoàng Hoa