“Eureka - Thử thách trí tuệ” đã chọn được người thắng cuộc

(Dân trí) - Cuộc thi “Eureka - Thử thách trí tuệ” là cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam khám phá và phát huy khả năng của mình trong việc tìm hiểu các nguyên lý khoa học theo cách hoàn toàn mới mẻ và sáng tạo. Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều sản phẩm có tính thực tiễn cao.

Hôm qua, 21/1, lễ trao giải cuộc thi đã được tổ chức tại Hà Nội.

 

Giải nhất trị giá 10 triệu đồng được trao cho sản phẩm “Hệ thống mô phỏng các máy cơ học” của bạn Phạm Tiến Dược - lớp 11A2 trường THPT Tây Thuỵ Anh (tỉnh Thái Bình). Chỉ bằng những vật liệu rất thông thường, Phạm Tiến Dược đã tạo ra được một sản phẩm thể hiện sự kết hợp hợp lý các loại chuyển động để tạo ra dụng cụ giảng dạy và học tập trực quan đối với môn Vật lý.

 

Ba sản phẩm đạt giải ba (không có giải nhì) là: Sản phẩm Stephen của Nguyễn Ngọc Chung, lớp 12B, trường THPT Hùng Vương, Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ; sản phẩm Bộ sưu tập thiết bị thí nghiệm từ bóng đèn cháy của Nguyễn Hải Ngiêm, lớp 11B và Trần Đức Chung, lớp 12C, trường THPT Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; Sản phẩm Strom - Chiếc hộp gió bão của Nguyễn Tiến Mạnh ở 516 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà nội.

 

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao giải khuyến khích cho 6 sản phẩm: Phần mềm trắc nghiệm khoa học vui; Ống tiết kiệm hành tinh xanh; Trò chơi mê cung; Ổ cắm thông minh; Tủ giấy đa năng; Máy lau bảng hút bụi phấn.

 

Các sản phẩm đoạt giải và ý tưởng hay được trưng bày tại Thư viên Quốc gia (31 Tràng Thi - Hà Nội) trong thời gian từ 21 - 28/1/2007.

 

Ngay sau lễ trao giải, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với giải nhất Phạm Tiến Dược, em cho biết: Em tình cờ biết về cuộc thi “Eureka - Thách thức trí tuệ” qua báo Hoa học trò. Ngay lúc đó, em đã nảy ra ý định làm một mô hình miêu tả các bước chuyển động vật lý. Vì trên thực tế, các trường THPT đều làm các dụng cụ thí nghiệm, song hầu như rất ít học sinh được xem chúng.

 

Vậy sản phẩm của em đã đem lại được kết quả gì?

 

Sản phẩm này rất có ích trong các giờ học môn Vật lý. Nó mô phỏng 8 chuyển động hợp lý trong cơ học đó là các chuyển động: trôn ốc, máng nghiêng, thẳng, đòn bẩy, ném ngang, ròng rọc cố định, tròn đều và sóng cơ học.

 

Nghe nói em đã tận dụng rất nhiều đồ dùng trong nhà cho sản phẩm của mình?

 

Để làm thành sản phẩm, em đã tận dụng những khung nhôm, dây thép không dùng đến của gia đình, mấy miếng xốp lót sàn, thậm chí còn có cả dây giày của bố, nắp lọ thuốc bổ phế... Đối với hệ thống môtơ của sản phẩm, em đã lấy từ ôtô đồ chơi.

 

Sau bao lâu sản phẩm của em hoàn thành?

 

Khoảng 2 tuần. Đáng lẽ có thể sớm hơn nhưng vì em phải đi mượn đồ của những người thợ như cưa, khoan, các đồ dùng đóng đinh, lắp ghép. Em chỉ có thể tranh thủ sử dụng những dụng cụ đó vào những buổi trưa khi họ tạm nghỉ làm việc.

 

Trong quá trình làm, em có gặp khó khăn gì không?

 

Đó là kinh phí ban đầu và thời gian thực hiện. Tổng kinh phí hết… 50 nghìn đồng, em không xin gia đình mà đã nhịn quà sáng và chở hơn 4 tấn mía (với tiền công là 20 nghìn). Còn về thời gian, cả ngày em phải đi học, chỉ tranh thủ buổi trưa làm sản phẩm, buổi tối còn phải làm bài tập, nhiều hôm phải thức khuya mới học xong.

 

Dự kiến của em sau khi đoạt giả là gì?

 

Em sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để phù hợp hơn trong việc ứng dụng thí nghiệm trong giờ học.

L.H