Gần 300 nhà trẻ không phép “vây” địa bàn trẻ bị bạo hành

(Dân trí) - Trên địa bàn quận Thủ Đức (TPHCM) - nơi xảy ra hai vụ bạo hành trẻ em kinh hoàng vào cuối năm 2013 - đang có 293 điểm giữ trẻ không phép, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Kín đặc nhà trẻ không phép

Con số trên được cập nhật tại buổi khảo sát công tác quản lý đối với đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại quận Thủ Đức của Ban Văn hóa - Xã hội - Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM sáng 11/2.

293 nhóm trẻ không phép cùng 14 nhóm lớp chưa phép đang hoạt động tại địa bàn này đang trông giữ gần 1.200 trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi.

Trong số 363 người đang đang làm nhiệm vụ trông giữ trẻ ở các nhóm lớp, nhóm trẻ không phép có đến 300 người chưa qua đào tạo. Cơ sở vật chất, địa điểm phòng ốc cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ không an toàn.

Gần 300 nhà trẻ không phép “vây” địa bàn trẻ bị bạo hành
Có gần 300 điểm giữ trẻ không phép đang hoạt động ở quận Thủ Đức, TPHCM -  nơi xảy ra 2 vụ việc trẻ bị bạo hành gây phẫn nộ cuối năm 2013.

Trong năm 2013, quận Thủ Đức đã kiểm tra trên 140 cơ sở giữ trẻ, 31 nhóm trẻ bị xử phạt hành chính với số tiền trên 154 triệu đồng.

Đoàn khảo sát trực tiếp làm việc với phường Linh Trung, nơi đã xảy ra hai vụ bạo hành trẻ em gây chấn động cả nước cuối năm 2013. Một cháu nhỏ 18 tháng bị người trông trẻ Hồ Ngọc Nhờ đánh chết và vụ trẻ bị đánh đập, tát, bẻ cổ... tại cơ sở Phương Anh.

Ông Lê Quốc Đạt - Phó Chủ tịch phường cho biết, phường Linh Trung đang có 43 điểm giữ trẻ tự phát, không được cấp phép. Nơi đây đang trông giữ 112 trẻ, nơi ít nhất giữ 1 trẻ và nơi nhiều nhất giữ 6 trẻ.

Ông Đạt thừa nhận, những nơi này chứa đựng nhiều nguy dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em do họ giữ trẻ theo kinh nghiệm, không đáp ứng được cơ sở vật chất, phương pháp sư phạm.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Phó trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM lo ngại nhóm trẻ hoạt động không phép với cơ sở vật chất kém, người giữ trẻ không có chuyên môn có nhiều nguy cơ thiếu an toàn. Cần có định hướng, hướng dẫn họ để được cấp phép, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. 

Nhóm trẻ cam kết không bạo hành trẻ

Đầu đầy rẫy các nguy cơ không an toàn cho trẻ, nhưng nhóm trẻ gia đình không phép lại đang góp phần giải quyết nhu cầu gửi con rất lớn của người lao động, đặc biệt là trẻ ở giai đoạn 6 - 12 tháng tuổi.

Nhóm trẻ đáp ứng được điều kiện thực tế của công nhân về thời gian, chi phí. Công nhân tăng ca, các trường chỉ nhận trẻ giờ hành chính, rồi số tiền gửi trẻ có hạn.

Ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng ban Văn hóa Xã hội (Hội đồng Nhân dân TPHCM) làm việc tại Q. Thủ Đức
Ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng ban Văn hóa Xã hội (Hội đồng Nhân dân TPHCM) làm việc tại Q. Thủ Đức

“Trên địa bàn quận không có trường nào nhận trẻ 6 - 12 tháng tuổi nên người dân chỉ có thể gửi vào các điểm giữ trẻ gia đình”, ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức khẳng định.

Trước nhu cầu có thực của người dân, ông Truyền cho hay, quận Thủ Đức thực hiện biện pháp tạm thời để nhóm trẻ hoạt động với điều kiện mỗi nhóm tối đa chỉ giữ 6 trẻ, và mỗi người giữ không quá 3 trẻ.

Tất cả các nhóm trẻ đều phải làm bản cam kết không bạo hành, ngược đãi đối với trẻ. Đồng thời phải đăng ký tham gia lớp tập huấn kỹ năng nuôi dạy trẻ.

Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời để “sống chung với lũ”. Còn để giải quyết tận gốc, ông Nguyễn Thọ Truyền đề xuất phải nhanh chóng đầu tư, đẩy mạnh xây dựng trường mầm non, đặc biệt ở các phường có khu chế xuất.

Ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, trưởng đoàn khảo sát cho rằng, cần đặt ra nhiều biện pháp, phương thức đẩy mạnh việc xây dựng trường mầm non, nhất là khuyến khích xã hội hóa. Đặc biệt cần chú trọng đến trường học cho lứa tuổi nhà trẻ.

Sau khi làm việc tại Thủ Đức, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM sẽ tiếp tục khảo sát về công tác quản lý đối với đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại các quận 7, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú. Trên cơ sở đó, nắm bắt những khó khăn thực tế của các trường mầm non ngoài công lập, thúc đẩy các quận thống kê số trẻ 6 - 18 tháng tuổi để có kế hoạch, chính sách phù hợp trong việc giải quyết chỗ học cho trẻ nhỏ.

Hoài Nam