Gần 35 ngàn tỷ đồng làm lại chương trình, sách giáo khoa phổ thông

(Dân trí) - Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông Bộ GD-ĐT trình sáng 14/4 khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn vì khoản kinh phí ước tính gần 35.000 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), vì cả nội dung, phương thức thực hiện.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông do Bộ GD-ĐT chủ trì soạn thảo là nội dung làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 27 UB Thường vụ Quốc hội (dự kiến kéo dài 10 ngày). Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thay mặt cơ quan soạn thảo trình đề án.

Theo nội dung đề xuất của Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục phổ thông vẫn duy trì mức 12 năm học nhưng sẽ học 2 buổi/ngày so với 1 buổi/ngày như hiện nay. Mô hình phân ban trở lại trong đề án này.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đề án trình ra Quốc hội như này sẽ bị phê bình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đề án trình ra Quốc hội như này sẽ bị phê bình.

Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, dạy học phân hóa sẽ được coi trọng ở tất cả các cấp học, được thực hiện thông qua việc xây dựng chương trình và phương pháp dạy học, tăng dần ở các cấp học trên của giáo dục phổ thông, đặc biệt phân hóa mạnh ở các lớp cuối cấp trung học phổ thông.

Ông Hiển cũng phân tích, chương trình và SGK hiện hành dạy học phân hóa theo hình thức phân ban ở bậc trung học phổ thông, với hình thức học tự chọn theo nhóm các môn học nâng cao về khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Cách phân hóa cứng dẫn đến nhiều hạn chế.

Chương trình trung học phổ thông sau năm 2015 sẽ đổi mới cách phân hóa theo hướng có nhiều môn học, chuyên đề tự chọn. Điều này sẽ dẫn đến việc thay đổi cách xây dựng chương trình và điều hành, tổ chức các lớp học.

Theo dự tính của Bộ GD-ĐT, đến hết năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc soạn thảo SGK theo chương trình mới, và thực hiện từ thí điểm đến đại trà đến năm 2023 ở tất cả các cấp học.

Chưa yên tâm với kế hoạch đưa ra, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn, từ nay đến 2016 không còn nhiều thời gian, vậy chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của các nhà trường có đảm bảo không hay “đến lúc đó lại bảo do này do kia, do đội ngũ không đáp ứng, do cơ sở vật chất thiếu..., nên chất lượng kém”.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai quan tâm vấn đề kinh phí, cần bao nhiêu tiền để thực hiện đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông lần này (lần đổi mới trước theo Nghị quyết 40 năm 2000 của Quốc hội).

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, về cơ bản hiện đã đủ về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Nhưng khi đổi mới chương trình và SGK, đội ngũ giáo viên sẽ phải thích ứng, cần có quá trình đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ làm việc này. Bộ đã hình dung cách làm, sẽ đào tạo tập trung ở các trường sư phạm, không phân cấp cho địa phương như trước nữa, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo từ xa, kiểm tra đánh giá.

Ông Hiển nhận định, so với các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện tối thiểu của đề án, ở thời điểm hiện tại, chỉ có một số ít nhà trường chưa đủ. Nhà nước chỉ cần tập trung đầu tư thì sau 1-2 năm là đủ.

Về kinh phí, Thứ trưởng GD-ĐT trình bày, để xây dựng chương trình và SGK, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỷ đồng. Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện trong 1-2 năm tới.

Tóm lại, ông Hiển khẳng định đề án có tính khả thi, với những bước đi như Bộ GD-ĐT xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đề án trình ra Quốc hội như này sẽ bị phê bình.
Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định thời hạn 2015 soạn thảo xong sách giáo khoa, 2023 thí điểm đại trà là khả thi.
 
Không ít ý kiến tỏ ý băn khoăn về khoản kinh phí nêu ra, cùng với nguồn chi thường xuyên 20% GDP hàng năm cho công tác giáo dục, đào tạo.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý khá gay gắt chỉ ra, Luật Giáo dục đã sửa nhiều lần, những nội dung này có đưa vào? Trong khi đó, để làm được một hệ thống tương xứng với số tiền đầu tư gần 2 tỷ USD, ông Lý cảnh báo không phải dễ. Lần làm SGK, chương trình này, theo ông Lý, không thể lặp lại chuyện trình ra Quốc hội, thuyết minh nghe thì hay nhưng làm xong được mươi năm lại phải đổi, mà sau đó vẫn không biết quyết định đầu tư là đúng hay sai.

Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường QH Phan Xuân Dũng “nhân nhượng” hơn với phân tích, số tiền trên là rất lớn nếu chỉ chờ ngân sách nhà nước lo nhưng cũng chưa hẳn là nhiều nếu huy động xã hội hóa.

Ông Dũng kiến nghị hướng đổi mới chương trình phải đề ra thật cụ thể là biến những thứ đang rất phức tạp hiện nay thành đơn giản để học sinh có thời gian học những nội dung khác - học về nhân cách, học về cuộc sống. Ông Dũng kể lại câu chuyện đã chứng kiến, một trường đại học lớn của Mỹ khi phỏng vấn thí sinh xin học bổng chỉ hỏi những nội dung rất thiết thực, đời sống như thí sinh có biết nghị sĩ của bang tên là gì, thời phổ thông, học sinh đã đi thực tế bao giờ chưa, đi đến vùng nào, cách xa bao nhiêu cây số, đi bằng phương tiện gì.

“Tôi muốn tư tưởng, hướng thay đổi như này cho khoản tiền gần 35.000 tỷ đồng đưa ra” - ông Dũng nói.

Nhận định đề án chưa đủ điều kiện trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ GD-ĐT cùng Chính phủ rà soát, chỉnh sửa lại để tháng 5 tới trình UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thẩm tra chính thức trước khi Quốc hội bước vào kỳ họp thứ 7 (cuối tháng 5) nếu không muốn… bị phê bình.

P.Thảo