Gần 90% ý kiến đồng ý bỏ kỳ thi ĐH

(Dân trí) - Đó là kết quả thăm dò ý kiến về “một kỳ thi THPT quốc gia” do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng vừa thực hiện. Theo đó, đa số các ý kiến đều đồng ý với hình thức xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN.

Sau khi bỏ kỳ thi ĐH thì các phương án cho tuyển sinh ĐH đang được đề xuất bao gồm:

- Phương án 1: Xét tuyển hoặc thi 3 môn văn hóa (ít nhất một trong các môn: toán hoặc ngữ văn hoặc ngoại ngữ); môn thi có thể được nhân hệ số hoặc qui định điểm tối thiểu đối với môn quan trọng nhất.

- Phương án 2: Đối với ngành năng khiếu, thí sinh phải thi hai môn văn hóa (trong đó có ít nhất một trong các môn: toán hoặc ngữ văn hoặc ngoại ngữ) và môn năng khiếu; môn thi có thể được nhân hệ số hoặc qui định điểm tối thiểu đối với môn quan trọng nhất.

- Phương án 3: Đối với những ngành có yêu cầu đặc biệt như sư phạm ngoại ngữ, báo chí, đối ngoại, chất lượng cao…, sau khi có kết quả ở kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh phải thi tại trường ĐH, CĐ, TCCN bài thi tự luận, vấn đáp, thực hành... của hai môn thi (tối đa), trong đó có một môn đặc thù ngoài tám môn đã thi; số thí sinh được chọn dự thi tại trường tối đa bằng 1,5 lần số chỉ tiêu.

Ổn định kỳ thi ĐH như năm 2007

Tại Hội nghị tuyển sinh toàn quốc do Bộ GD- ĐT tổ chức hôm nay, 8/1, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Nguyễn An Ninh cho biết:

Năm 2008, ổn định kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ như năm 2007. Từ năm 2009 sẽ không còn kỳ thi ĐH mà sẽ tổ chức chỉ một kỳ thi THPT quốc gia. Trong ba năm từ 2009-2011 sẽ tổ chức thi đồng loạt, ở tất cả đơn vị thi trên toàn quốc, theo cùng một lịch thi, cùng một đề thi cho mỗi môn. Ngay trong quí 1-2008, Cục Khảo thí sẽ khẩn trương xây dựng qui chế kỳ thi THPT quốc gia để chuẩn bị cho việc triển khai từ năm 2009.

Về phía thí sinh, từ năm 2009, khóa HS đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình THPT phân ban đại trà, học sinh tốt nghiệp bổ túc THPT sẽ chỉ thi một kỳ thi THPT quốc gia. Đối với những học sinh chưa trúng tuyển ĐH, CĐ năm 2008 muốn tiếp tục tham gia xét tuyển năm 2009 và những năm tiếp theo, sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Từ năm 2012 sẽ tính đến phương án tổ chức thi theo các thời điểm khác nhau, ở các vùng miền khác nhau, với các đề thi khác nhau sao cho kết quả thi ở các nơi đều có giá trị tương đương nhau.

4 điểm phải chấn chỉnh khi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008

Trao đổi tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đề nghị các trường phải nhanh chóng thực hiện 4 yêu cầu sau để tạo sự công bằng hơn nữa và sự thoải mái tinh thần hơn nữa cho thí sinh tự tin khi đi thi.

- Phải thực hiện đúng cấu trúc dữ liệu phần mềm do Bộ GD-ĐT quy định.

- Phải thực hiện nghiêm túc quy trình chấm 2 vòng độc lập.

- Phải thực hiện đúng thời hạn báo cáo kết quả xét tuyển và hậu kiểm.

- Phải chính xác khi thông báo kết quả thi của thí sinh, cũng như kết quả trúng tuyển.

Thứ trưởng Long nhấn mạnh: “Thiếu sót lớn nhất là sự phối hợp giữa các trường với các Sở và giữa các trường với các trường. Mặc dù năm nào cũng nhắc, nhưng thiếu sót luôn lặp lại là các trường đã không kịp thời gửi kết quả tuyển sinh cho các Sở GD-ĐT gây khó khăn cho các Sở.

Các trường tổ chức thi đã không kịp thời gửi dữ liệu kết quả thi, giấy chứng nhận kết quả thi và giấy báo điểm của thí sinh có nguyện vọng học ở các trường khác cho các trường xét tuyển theo đúng thời hạn quy định, khiến trường xét tuyển rất bị động.

Đặc biệt, một số trường tổ chức thi đã không tích cực đáp ứng yêu cầu gửi xác nhận kết quả thi của thí sinh cho các trường xét tuyển, khiến công tác hậu kiểm thí sinh trúng tuyển gặp khó khăn”.

Cũng theo ông Long thì Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường kiên quyết khắc phục các thiếu sót nói trên để tạo điều kiện thuận lợi cho các Sở GD-ĐT, các trường bạn và cho sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Mai Minh