Gặp các thủ khoa người dân tộc thiểu số tại Hà Nội

(Dân trí) - Lần đầu tiên UB Dân tộc phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức buổi gặp mặt HS dân tộc thiểu số đạt thủ khoa trong kỳ thi ĐH,CĐ và có thành tích cao trong kỳ thi quốc gia, quốc tế năm học 2008 - 2009. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào sáng 5/12, tại Hà Nội.

 
Gặp các thủ khoa người dân tộc thiểu số tại Hà Nội - 1
Thủ khoa Xồng Bá Dìa
 
Khi giới thiệu về em Xồng Bá Dìa (Kỳ Sơn, Nghệ An), cậu học sinh người Mông đạt thủ khoa trường đại học Sư Phạm Hà Nội và đỗ Đại học Y Hà Nội với 27 điểm, ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nói với chúng tôi: “Đây có lẽ là cậu học sinh người Mông đầu tiên đỗ ĐH với số điểm kỷ lục như thế!”. Chỉ khi được gặp và trò chuyện với cậu bé có dáng hình nhỏ bé như một học sinh cấp 2 nhưng có sự giản dị, điềm đạm, chững chặc hiếm có, chúng tôi mới hiểu được sự “phi thường” của cậu bé này.
 
Nhà Dìa ở xã Mường Lống, một trong những xã khó khăn của huyện miền núi Kỳ Sơn. Bố mẹ làm rấy, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Được sự động viên của bố mẹ, sự giúp đỡ của thầy cô, Dìa được ra học tại trường Dân tộc Nội trú của tỉnh Nghệ An.
 
Học  xa nhà 300 cây số mà xe khách chỉ về được đến trung tâm huyện nên nhiều lần, Dìa “cuốc bộ” cả chặng đường ngót nghét 30 cây số mới về được đến nhà. Điều kiện học nội trú xa nhà dù đã được nhà trường hỗ trợ rất nhiều nhưng vẫn chồng chất khó khăn và thiếu thốn! Nhưng vượt lên tất cả khó khăn ấy, Dìa đã làm nên “cú đúp” đáng nể khi đều đạt 26,5 điểm vào khoa Toán tin (ĐH Sư Phạm Hà Nội) và ĐH Y Hà Nội trong kỳ tuyển sinh 2009.
 
 Nói về ước mơ của mình, Dìa chia sẻ: "Muốn mình trở thành một bác sĩ để về giúp bản làng mình. Lý do rất đơn giản là vì ở bản em, khi có người đau ốm đi tìm được bác sĩ rất khó khăn. Bởi đi đến trạm xá gần nhất cũng đã mất 6,7 cây số đường rừng". Giải thích cho sự nỗ lực phi thường của mình, Dìa kể: “Hồi nhỏ đi học, có lúc đi bộ đường xa, trơn trượt, bị cô giáo trách, có lần em cũng đã bỏ học 2 tuần. Bố mẹ, thầy cô động viên mãi em mới đi học lại. Sau này đi học xa, mỗi lần về nhà thấy bộ mẹ không chịu mua quần áo mới để mặc mà chỉ dành tiền cho em mua sách, em càng cố gắng học hơn. Lúc nào, sự khốn khổ của bố mẹ là động lực lớn nhất đối với em!”.

Hiện nay, dù nhận được hỗ trợ của trường, của địa phương, điều kiện kinh tế của Dìa cũng không hẳn đã hết khó khăn. Tiền bố mẹ cho hàng tháng lúc có, lúc không. Dìa đang dự định đi làm gia sư để có thêm tiền đầu tư cho việc học. Chặng đường 7 năm học tập sẽ còn không ít thử thách đối với Dìa, nhưng tôi tin ước mơ và động lực của em đủ lớn!

Ước mơ táo bạo cô gái Thái

Gặp các thủ khoa người dân tộc thiểu số tại Hà Nội - 2

Không mong muốn trở thành cô giáo như nhiều học sinh dân tộc khác mà chúng tôi gặp trong buổi lễ, em Lương Thị Mùi (Mai Hạ, Mai Châu, Hoà Bình) lại có ước mơ trở thành một nhà ngoại giao giỏi. Và bước chân đầu tiên Mùi đặt lên chặng đường thực hiện mơ ước của mình là danh hiệu thủ khoa, khoa Ngoại ngữ Đại học Thái Nguyên với 26 điểm. Để có được thành tích ấy, Mùi đã nỗ lực vượt qua rất nhiều  khó khăn của cuộc sống tự lập quá sớm. “Bắt đầu vào cấp 2, em đã đi trọ học xa nhà. Bố mẹ động viên và thi thoảng lên thăm thôi, còn lại là em phải tự lập. Lúc đầu em rất ngại tiếp xúc bạn bè nhưng thầy cô, bạn bè rất cởi mở, hoà đồng nên dần dần em thấy tự tin hơn!”.

Hỏi khởi nguồn mơ ước táo bạo của mình, Mùi vui vẻ: “Bản em là bản người Thái và đang phát triển mạnh về du lịch. Em là người Thái và lại biết một chút về ngoại ngữ. Em muốn sau này được là người giới thiệu văn hoá của dân tộc mình, của bản làng mình ra thế giới!”.

Với Mùi, học mọi lúc, mọi nơi, bổ sung liên tục vốn kiến thức của mình là bí quyết thành công trong học tập. Chia tay chúng tôi, cô sinh viên xinh xắn người Thái còn nở một nụ cười rất tươi chia sẻ: “Giờ em trả lời câu hỏi có muốn trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chị nhé! Em sẽ cố gắng”.
 

12 trong số 22 em học sinh (một số em đã đi du học nước ngoài) thuộc các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Thái, Thổ, Xán dìu…  có những thành tích kể trên đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng, chủ nhiệm uỷ ban dân tộc và các phần quà bằng tiền mặt của các nhà tài trợ. Trong đó có nhiều tấm gương sáng điển hình như em Hà Khương Duy, dân tộc Nùng ở Bắc Giang đạt Huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế năm 2008 -2009...

Ông Hoàng Xuân Lương - Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho biết: "Đây là lần đầu tiên Ủy ban tổ chức lễ gặp mặt các em học sinh dân tộc đạt thủ khoa các trường ĐH và có thành tích trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Ủy ban ghi nhận và đánh giá cao các thành tích vượt khó của các em. Dự kiến trong thời gian tới, ủy ban sẽ thành lập quỹ dành riêng để hỗ trợ cho những đối tượng này. Và trong những năm học tiếp theo, lễ gặp mặt này sẽ được tổ chức thường niên".

                                 

                                                                                                         Huy Toàn