Gặp cô giáo “cất cánh” những bức thư học trò đoạt giải UPU quốc tế

(Dân trí)-"Em đừng học vì điểm"-đó là lời động viên của cô Phạm Thị Phong đến học trò cũ đang nản lòng vì đã nỗ lực nhiều cho một bài văn hay mà không được điểm cao. Cô Phong cũng là người “bén duyên” với những cánh thư học trò lay động BGK cuộc thi viết thư UPU.

Cô Phạm Thị Phong hiện là giáo viên của Hệ thống Giáo dục Chất lượng cao Sky-line (Đà Nẵng).
Cô Phạm Thị Phong hiện là giáo viên hệ thống Giáo dục Chất lượng cao Sky-line (Đà Nẵng). Trong ảnh: Cô Phạm Thị Phong đón nhận những đóa hoa tươi thắm từ học trò trong Gala Tình Thầy trò do Hệ thống GD CLC Sky Line vừa tổ chức nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Mới đây, tại cuộc thi viết thư UPU quốc tế lần thứ 42, bức thư của em Đào Thụy Thùy Dương (HS trường THCS Tây Sơn, Đà Nẵng) - bức thư đoạt giải Nhất cấp quốc gia đã đoạt giải Khuyến khích cấp quốc tế.
Cô Phạm Thị Phong (
Cô Phạm Thị Phong (bên phải) cùng HS đoạt giải Khuyến khích viết thư UPU lần thứ 42 Đào Thụy Thùy Dương.

Trước đó năm 2010, tại cuộc thi viết thư UPU Quốc tế lần thứ 39, Việt Nam lần đầu tiên có bức thư đoạt giải Nhất UPU cấp quốc tế với bức thư của em Hồ Thị Hiếu Hiền, khi đó đang là HS lớp 7 trường THCS Tây Sơn - Đà Nẵng.

HS Hiếu Hiền cùng với hai bạn học cùng trường năm đó là Kiều Thảo Vy và Võ Thị Hoàng Mỹ đứng tên tác phẩm phim ngắn “Buổi học của Thúy” - phim đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi làm phim quốc tế dành cho trẻ em Châu Á. Đến năm 2011, phim ngắn “Lan, đừng khóc” của HS Việt Nam lại thắng lớn với giải ưu tú tại Liên hoan phim HS Châu Á. Phim này cũng do một nhóm HS trường THCS Tây Sơn, gồm các em Phan Thị Thùy Dung, Trịnh Lan Phương, Võ Tuấn Quang thực hiện.

Những học sinh kể trên, và nhiều học sinh nữa ở trường THCS Tây Sơn, sau mỗi thành công của mình, khi trò chuyện với chúng tôi, các em đều nhắc đến tên cô giáo dạy Văn của mình - cô giáo Phạm Thị Phong với lòng đầy kính yêu. Trước khi tiếp tục sự nghiệp trồng người ở Hệ thống Giáo dục CLC Sky Line, cô Phong đã có hơn 20 năm gắn bó với bao thế hệ học trò trường THCS Tây Sơn - Đà Nẵng.

Cô Phạm Thị Phong (
Cô giáo luôn lặng lẽ ghi lại những hình ảnh đẹp của học trò là hình ảnh chúng tôi ghi nhận mỗi lần gặp lại cô Phong.

Trò chuyện với PV Dân trí trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Phong tâm sự: “Khi dạy học trò, hay hướng dẫn các em tham gia các cuộc thi, tôi chưa từng áp đặt các em phải đạt điểm cao, phải đoạt giải cao. Tôi chỉ dạy các em những phương pháp, kỹ năng căn bản, và dặn học trò nỗ lực làm hết sức mình, tự mình viết một bài văn, tự mình viết một bức thư, tự các em làm một phim ngắn… tốt nhất mà bản thân các em có thể. Vậy đó mà thành công đến với các em khiến chính tôi cũng ngỡ ngàng.

Khi một em học trò liên tục đoạt giải gọi điện báo cho tôi: “Cô ơi, lại Nhất rồi!”. Tôi vẫn còn hỏi lại “Thật không đấy em?”- Học trò trả lời “Dạ vâng, thật cô ạ, giải thưởng đang nằm trên tay em đây”. Tôi vẫn còn hết sức ngỡ ngàng. Hạnh phúc của người làm thầy là như thế đấy. Một trong những khoảnh khắc hạnh phúc mà tôi nhớ mãi là khi cùng với học trò ở trên nước bạn, đứng trước giáo viên, học sinh… của 10 nước châu Á nói về một tác phẩm phim ngắn do chính các em học sinh Việt Nam làm nên, nói về đất nước Việt Nam trong sự lắng nghe của bạn bè quốc tế. Khi chúng tôi có lời mời mọi người khi có dịp hãy đến Việt Nam, đáp lại chúng tôi là một tràng pháo tay. Tôi hạnh phúc và tôi nghĩ học trò của tôi cũng cảm nhận được điều này”

Rồi cô kể chuyện một em học trò cũ rất có năng khiếu môn Văn học đã học lên cấp trên trở về thăm cô lại tâm sự buồn. Cô kể lại: “Em ấy nói với tôi: “Cô ơi, thế là tình yêu văn học bao năm cô nhen nhóm trong em đã tắt rồi”. Tôi hỏi vì sao? Em nói: “Bài văn em thức mấy đêm liền để viết vậy mà cô giáo ở trường em đang học không cho điểm cao. Lý do là cô giáo ấy không tin rằng em tự viết được một bài văn hay như thế. Thế em nỗ lực bao đêm ngày để viết một bài văn hay nhất mà em có thể để làm gì ạ? Em nản lắm!”.

Thế là tôi động viên học trò rằng như thế thì em phải vui vì mình đã viết ra một bài văn hay đến nổi cô giáo cũng không tin chứ. Tôi nói: “Em buồn vì điều gì, vì bị điểm thấp à? Em, em đừng học vì điểm. Em hãy học cho chính bản thân mình. Quá trình học tập mà bản thân em trải qua mới là kết quả ngọt ngào mà em gặt hái được chứ đâu phải là điểm số”.

Đã có hơn 20 năm đứng trên bục giảng ở môi trường giáo dục công lập, hiện tại lại tiếp tục giảng dạy học trò trong một môi trường giáo dục mới ở một trường tư thục, cô giáo Phong chia sẻ: “Môi trường mới, thách thức mới, tôi lại càng phấn khởi. Trường yêu cầu giáo viên phải đổi mới, thích nghi với phương pháp giảng dạy hiện đại, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng bài giảng và coi là học trò là trung tâm. Điều này lại đúng với cách nghĩ của tôi về nghĩa vụ “học, học mãi, học nữa” của người làm thầy”.

Khánh Hiền

Dòng sự kiện: 31 năm Ngày Nhà giáo VN